Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường phải đi trước một bước

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016, chủ đề "Môi trường đô thị". Theo đó, để phát triển đô thị hóa bền vững cần xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường phải đi trước một bước.

Báo cáo chỉ rõ, trong các đô thị còn xảy ra thực trạng nhiều diện tích mặt nước, cây xanh bị san lấp, chuyển đổi; nhiều dự án quy hoạch diện tích dành cho công trình công cộng bị sử dụng sai mục đích. Môi trường đất tại các khu đô thị có nguy cơ bị ô nhiễm do chịu tác động từ nước thải sinh hoạt, các chất thải của hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và các bãi chôn lấp rác thải, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Trông thêm cây xanh sẽ góp phần bảo vệ môi trường ( ảnh N.C)

Ô nhiễm bụi vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao. Riêng khí O3, NO2 đã có dấu hiệu ô nhiễm trong một số năm gần đây. Ghi nhận cục bộ tại một số thời điểm, ô nhiễm NO2 xuất hiện tại khu vực giao thông trong một số đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hạ Long và có xu hướng tăng.

Mức độ gia tăng chất thải, nước thải tại đô thị ngày càng lớn. Trong khi đó tỷ lệ được xử lý đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường còn thấp. Lượng nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý chỉ đạt 11%, có 42% đô thị trên tổng số 787 đô thị có công trình xử lý nước thải tập trung. Điều này tác động lớn đến chất lượng của các nguồn tiếp nhận. Hiện ô nhiễm môi trường nước tại các sông hồ, kênh rạch nội thành, nội thị vẫn diễn biến phức tạp, vấn đề úng ngập tại các đô thị có xu hướng mở rộng và gia tăng; Suy giảm mực nước dưới đất tại các đô thị khu vực đồng bằng và xâm nhập mặn tại các đô thị ven biển đang trở nên phổ biến…

Để giải quyết, khắc phục các vấn đề về môi trường đô thị, trước tiên cần ưu tiên các giải pháp nhằm từng bước khắc phục, giải quyết các vấn đề môi trường nổi cộm. Nhóm giải pháp tổng thể đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị bao gồm: hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị và quy hoạch đô thị gắn với phát triển bền vững; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường đô thị; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư tài chính đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và đẩy mạnh huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường đô thị.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ha-tang-ky-thuat-bao-ve-moi-truong-phai-di-truoc-mot-buoc-56768.html