Hà Nội: Ưu đãi các sản phẩm công nghiệp chủ lực

Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường, chú trọng các sản phẩm có thương hiệu uy tín thuộc các ngành cơ khí - điện tử, hóa chất, dệt may - da giày...

CôngThương - Từ hỗ trợ cụ thể

Thành phố đã có nhiều biện pháp, bước đi cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Một loạt văn bản chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về ưu tiên các dự án phát triển sản phẩm cong nghiệp chủ lực (CNCL), hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp... được ban hành. Các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố, Cục Thuế với các doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là đối với sản phẩm CNCL.

Hàng năm, Thành phố đều tiến hành đánh giá xét chọn, công nhận các sản phẩm chủ lực là sản phẩm công nghiệp, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, được tạo ra trên dây chuyền thiết bị có trình độ công nghệ ngang tầm khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, đảm bảo năng lực sản xuất và môi trường bền vững.

Để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNCL ổn định hơn nữa sản xuất kinh doanh, Hà Nội đã tiến hành xác định đơn giá thuê đất kỳ hết thời hạn ổn định của 14 doanh nghiệp (Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa, 1- 5, kKỹ thuật Seen, Rạng Đông, Trần Phú, Cáp điện Thượng Đình, Cao su Sao Vàng, Sứ Thanh Trì, Xuân Kiên, xXích líp Đông Anh, Khóa Việt Tiệp, Quốc tế Sơn Hà, Goldsun, Sữa Hà Nội).

Cần tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực

Xuất hiện nhiều điểm sáng

Theo báo cáo mới nhất từ UBND thành phố Hà Nội, công nghiệp Hà Nội vẫn còn đó nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm, xuất - nhập khẩu vẫn chưa đạt mức mong muốn. Điều đáng mừng là trong bức tranh còn ảm đạm đó đã xuất hiện những điểm sáng đáng khích lệ. Các doanh nghiệp có sản phẩm CNCL của thành phố vẫn phấn đấu đạt chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh bảo đảm bằng hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm trước như: Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội, May 10, Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty Dệt kim Đông Xuân, Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất…

Nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực đã thay thế hàng nhập khẩu, một số sản phẩm xuất khẩu như: Dây điện kỹ thuật dùng cho lắp ráp chế tạo ôtô cho hãng Yazaki, công ty TNHH Ngọc Khánh; sản phẩm may mặc của Tổng công ty CP May 10; ống thép không gỉ của Công ty CP Quốc tế Sơn Hà; dây chuyền thiết bị thực phẩm của Công ty POLICO; máy biến áp 500kV Công ty Thiết bị điện Đông Anh… Sản phẩm máy biến áp, động cơ công suất lớn do các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội sản xuất đã thay thế hàng nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu. Các doanh nghiệp sản xuất chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị chế biến lương thực, thực phẩm cho các nhà máy rượu - bia - nước giải khát như Công ty CP Cơ điện lạnh Eresson, Công ty Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa, nồi hơi, máy biến áp, động cơ đã thay thế hàng nhập khẩu, tiết kiệm một nguồn ngoại tệ đáng kể…

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện có 30 sản phẩm chủ lực được công nhận lại từ năm 2012 dựa trên 10 tiêu chí xét duyệt. Hiện Hà Nội đang tập trung các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội tháo gỡ khó khăn sản xuất từ xúc tiến thương mại, hỗ trợ đổi mới khoa học và công nghệ và lãi suất vay ưu đãi 0,2%/tháng. Tuy nhiên, theo phản ánh, hiện chỉ có rất ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ vay lãi suất 0,2%/tháng, do một số tiêu chí không phù hợp như tiêu chí mở rộng sản xuất kinh doanh. Sở Công Thương đã đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Thúy Ngọc

PHẢN HỒI

Gửi bình luận

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/cong-nghiep/36339/ha-noi-uu-dai-cac-san-pham-cong-nghiep-chu-luc.htm