Hà Nội tưng bừng 'căn hộ xanh'

Khái niệm “căn hộ xanh” xuất hiện chưa đầy năm nhưng đã nhanh chóng lan tỏa trên thị trường bất động sản Thủ đô. Thậm chí, trên thị trường đã xuất hiện nhiều căn hộ gắn mác “căn hộ xanh” để… đẩy hàng. Nhiều người mua nhà than thở: Đến ở cả năm xung quanh vẫn một màu bê tông, chưa thấy “xanh” như lời quảng cáo của nhân viên bán hàng.

Ngày càng có nhiều chủ dự án sử dụng không gian xanh như một cách để hút khách. Ảnh: minh họa

Mỗi nơi “xanh” một kiểu

Gõ Google với cụm từ “căn hộ xanh” chỉ trong vòng 0,24 giây hiện thị tới 215.000 kết quả. Trong đó, chủ yếu là những lời rao bán “căn hộ xanh” từ phía chủ đầu tư, đơn vị môi giới bất động sản… Theo đó, trên thị trường xuất hiện hàng loạt dự án chung cư được quảng cáo là “cuộc sống xanh”, “thành phố xanh”, “khu đô thị sinh thái”, “thiên nhiên trong lòng Hà Nội”… khiến người mua choáng ngợp với suy nghĩ mua nhà nơi đó sẽ được sống trong công trình xanh.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, chủ yếu đều là những dự án do chủ đầu tư tự phong “xanh”, không theo một tiêu chuẩn nào. Và hiện nay ở nước ta cũng chưa có bộ tiêu chuẩn quốc gia về công trình xanh.

Chị Nguyễn Thị Bình, ở Đình Thôn, Mỹ Đình, (quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Tôi muốn chuyển nhà từ “quê” (ở Nam Từ Liêm) ra “phố” cho con tiện học hành nên khi thấy nhiều chủ đầu tư quảng cáo chung cư “căn hộ xanh” thì háo hức lắm. Khi đi xem mới vỡ mộng, có dự án chỉ có cái vườn hoa bé tẹo, một cái sân chơi nhỏ, một cái bể bơi con con và mấy cây xanh cũng nói đó là cuộc sống của “căn hộ xanh”. Tôi thắc mắc thì nhân viên tư vấn nói rằng: “Thời buổi đất khan hiếm, chủ đầu tư để lại diện tích như thế này làm chỗ thở cho các hộ dân là quý hóa lắm rồi. Nó đáng được gọi là cuộc sống xanh vì nhiều nơi mơ chẳng có”.

Lý giải về điều này, anh Tấn Minh ở phố Đội Cấn (quận Ba Đình) nói: “Công việc căng thẳng, cuộc sống thì ngột ngạt nên nhiều người mong muốn không gian sinh hoạt của mình sẽ dễ thở hơn. Nắm được tâm lý này nên nhiều chủ đầu tư gắn cho dự án những cái tên như “Eco” (sinh thái), “Green” (xanh), “Nature” (thiên nhiên), Garden (khu vườn)… nhưng không phải dự án nào cũng được như tên gọi. Tôi đang tìm mua căn hộ nên đã đến nhiều dự án có tên gọi gần gũi thân thiện với môi trường, có cả cây xanh, hồ nước, bể bơi nhưng quả thực chưa thấy nơi nào cho mình cảm giác được về với thiên nhiên như tên gọi của nó. Không biết sau khi hoàn thiện xong hẳn thì có đạt được như quảng cáo không?”.

“Tôi đến dự án Thăng Long Garden (Minh Khai, Q. Hai Bà Trưng) để tìm hiểu mua căn hộ, nghe nhân viên tư vấn nói nhiều về “căn hộ xanh” và phối cảnh dự án cũng phủ đầy màu xanh mát mắt nên hỏi lại: Thế nào là tiêu chuẩn của căn hộ xanh, thì cô ấy dẫn giải đủ điều nhưng cũng không trả lời được” cụ thể, anh Minh cho biết thêm.

Chưa có quy chuẩn cụ thể

Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH thì phí đầu tư công trình xanh khá tốn kém cho chủ đầu tư nên đây là một phần lý do khiến giải pháp xanh mới bắt đầu được ứng dụng trong phân khúc cao cấp. Nhưng tại nhiều dự án việc thực hiện “xanh” vẫn chưa theo quy chuẩn.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, xu thế công trình xanh là xu thế tất yếu mà Việt Nam phải làm, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy chuẩn cụ thể nên nhiều người chỉ hiểu đơn giản một công trình xanh là sẽ có nhiều cây xanh, thảm cỏ, hồ nước, không gian công cộng… Tuy nhiên, công trình xanh phải tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên là ánh sáng, hướng gió, độ thông thoáng, tiết kiệm điện, nước, vật liệu xây dựng không hóa chất độc hại….

Bên cạnh đó, ông Nam cũng thừa nhận rằng, phần lớn dự án được quảng cáo là xanh chưa đáp ứng được những đặc tính xanh này nên ít khi được nhắc đến trong các chương trình quảng cáo của dự án chung cư. Do vậy, đa số các dự án chung cư quảng cáo là công trình xanh đều là tự gắn mác để thu hút khách hàng.

Ông Đặng Thành Long, Giám đốc điều hành Hội đồng công trình xanh Việt Nam cũng cho biết, hiện Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn số 09 năm 2013 về công trình tiết kiệm năng lượng hiệu quả là gần nhất với tiêu chuẩn về công trình xanh, nhưng đến nay cũng không có cơ chế để yêu cầu các công trình phải thực hiện.

Do đó, mỗi dự án chung cư hiện đang “xanh” một kiểu, chẳng theo tiêu chuẩn nào, chỉ nhằm mục đích marketing để bán hàng. Người mua nhà tưởng được ở công trình xanh mà lại không phải; chủ đầu tư có thực sự muốn làm công trình xanh cũng không đúng phương pháp, tiêu chuẩn.

Với sự bùng nổ thông tin công trình “xanh” trên thị trường bất động sản như hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu chiến lược, giải pháp để bộ tiêu chuẩn được áp dụng giúp cuộc sống tốt hơn và người mua nhà sẽ không bị “bơi” trong các khái niệm “xanh” như hiện nay.

Theo Hội đồng công trình Xanh Việt Nam (VGBC), công trình xanh được hiểu là công trình mà trong cả vòng đời, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công, xây dựng, vận hành, bảo hành đều phải tuân theo những tiêu chí nghiêm ngặt như: Thân thiện với thiên nhiên, đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước và vật liệu xây dựng. Với bộ tiêu chí này, chỉ mới có vài dự án tại Hà Nội được cấp chứng chỉ Xanh quốc tế EDGE (của Ngân hàng thế giới) mà thôi.

Đông An – Thương Huế

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thi-truong/ha-noi-tung-bung-can-ho-xanh-20161128081440991.htm