Hà Nội trồng phượng tím: Khó sống hơn phượng đỏ?

Theo lãnh đạo một công ty cây xanh, phượng tím khó sống hơn phượng đỏ và nếu trồng thì cần ươm cây từ nhỏ cho phù hợp với khí hậu.

Nằm trong chiến dịch Một triệu cây xanh, hàng loạt cây phượng đã được trồng trên các tuyến phố Hà Nội như Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Láng Hạ, Tây Sơn...

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ hai HĐND TP Hà Nội hôm 18/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đang áp dụng công nghệ trồng cây ra hoa quanh năm, ngoài phượng đỏ sẽ có phượng tím.

Phượng vĩ được trồng trên dải phân cách ở nhiều đường phố Hà Nội. Ảnh: VnExpress

Trước thông tin Hà Nội sẽ có phượng tím, ông Đặng Quốc Khánh, Phó Giám đốc Công ty Cây xanh Trúc Lâm, cho biết, Hà Nội trồng phượng đỏ hay phượng tím đều không có vấn đề gì, tuy nhiên phượng tím khó sống hơn phượng đỏ, nếu trồng thì nên ươm cây nhỏ cho cây quen dần với khí hậu Hà Nội.

Ngoài ra, ông Khánh cũng lưu ý, tuy phượng là cây dễ sống nhưng rễ chỉ ăn bề mặt trên, không bám được vào đất, do đó cần thận trọng khi trồng những nơi hay xảy ra ngập úng.

Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, theo kinh nghiệm xưa nay, đối với những cây muốn trồng ở Hà Nội bao giờ cũng phải trồng thử ở xung quanh thành phố khoảng 5 năm, nếu thích hợp thì mới trồng. Nếu cây phượng tím đã được trồng ở một thành phố nào đó thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ rồi thì hoàn toàn không có vấn đề gì.

"Phượng đỏ hay phượng tím chỉ khác nhau về màu, còn về mặt sinh học, đó chỉ là một loài. Do đó, nếu Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi đã trồng cây phượng đỏ rồi thì giờ trồng phượng tím cũng không có vấn đề gì, nó còn làm cho đường phố Hà Nội thêm nhiều màu sắc", GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nói.

Thận trọng khi trồng ở dải phân cách

Theo ông Đặng Quốc Khánh, cành phượng giòn, nếu không cắt tỉa thường xuyên khi cây phát triển, cành khô gãy có thể rơi vào người tham gia giao thông, gây nguy hiểm.

"Khi trồng cây xanh ở dải phân cách Hà Nội, nên chọn cây ưa nước, tay cành dẻo dai", ông Khánh lưu ý.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng phân tích sâu thêm: "Phượng đỏ hay phượng tím đều là cây lâu niên, cần có không gian dưới đất để mọc rễ chùm cũng như tán lá ở không gian bên trên để che râm. Có như vậy cây mới sống lâu.

Phượng rất thích hợp để trồng trên các đường phố, vỉa hè, công viên hay hai bên bờ sông, còn trồng ở các dải phân cách của đường phố Hà Nội như báo chí phản ánh thời gian qua hoàn toàn không hợp lý.

Lý do là: các dải phân cách không phải là một ranh giới cố định lâu dài, diện tích đó vừa để trồng cây xanh, cây hoa, vừa để dự trữ khi giao thông mở rộng. Lúc ấy, người ta có thể cắt lẹm vào dải phân cách, thậm chí sẽ chỉ còn một hàng tường phân cách chứ không phải một khoảng đất lớn như vậy. Trồng giống cây lưu niên trong một không gian đất có thể thay đổi thì không hợp lý, ở đó người ta chỉ thường trồng cây hoa, cỏ, lùm cây thấp, thậm chí có nhiều nơi trồng cây hoa giấy rất đẹp.

Trồng cây lưu niên trên dải phân cách chỉ đẹp trong mấy năm đầu khi cây còn nhỏ, khi cây phát triển lớn rồi thì trông rất chướng. Không gian phân cách của đường sá dưới thời Pháp được xây dựng rất kiên cố và họ đổ đất vào đó. Tuy nhiên, rất nhiều dải phân cách hiện nay nhiều khi lại là mặt đường cũ hoặc trở thành nơi chứa các chất thải xây dựng, nhựa đường..., trên chỉ phủ một lớp đất mỏng sau đó trồng cây lên. Trồng cây hoa còn được, còn trồng cây lưu niên thì làm sao sống nổi?

Đối với không gian bên trên, cũng không thể để cây cổ thụ to tướng ở giữa đường, trùm cả lên, thậm chí xòa ra cả hai bên gây khó khăn cho giao thông, làm chắn ánh sáng... Tóm lại, cả không gian sống dưới đất và không gian trên trời ở dải phân cách là không phù hợp với cây phượng đỏ hay phượng tím", GS Đăng chỉ rõ.

Cho rằng việc trồng phượng trên dải phân cách ở Hà Nội thời gian qua chưa được tính toán kỹ càng, chủ yếu làm theo kế hoạch, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng đề xuất, tốt nhất bây giờ nên đánh các cây phượng đi trồng ở chỗ khác, nếu duy trì thì tương lai sẽ lại phải phá đi.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-trong-phuong-tim-kho-song-hon-phuong-do-3314519/