Hà Nội triển khai quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ

(HNMO) - Sáng 20-3, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) “về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TƯ “ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị đã nghe Phó Trưởng ban Dân vận TƯ Trần Thị Bích Thủy trao đổi nội dung của hai quyết định quan trọng này. Gồm 5 chương, 19 điều, Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội quy định rõ nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát, phản biện xã hội. Theo đó, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội chủ trì giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Mục đích giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp. Mục đích phản biện nhằm phát hiện nội dung còn thiếu, chưa sát đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của cơ quan Đảng, Nhà nước; từ đó kiến nghị góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống. Tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Quang Cảnh đã triển khai Kế hoạch số 109 ngày 4-3-2014 của Thành ủy nhằm thực hiện 2 quyết định nêu trên.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái nhấn mạnh, thời gian qua, Thành ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua đó, đã phát huy dân chủ, quyền, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội, xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền, ngành chưa nhận thức đầy đủ, chưa tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ này; một số cán bộ năng lực còn hạn chế nên chất lượng giám sát, phản biện chưa cao; phương pháp tổ chức góp ý, phản biện còn đơn điệu, cứng nhắc, chưa phát huy vai trò tích cực của quần chúng nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng; một số ý kiến góp ý của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân chưa được các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, thấu đáo.

Để triển khai hiệu quả hai quyết định của TƯ và Kế hoạch của Thành ủy, đồng chí Nguyễn Công Soái đề nghị Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với Đảng đoàn MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tham mưu cho Thành ủy ban hành quy định cụ thể về giám sát, phản biện xã hội. Đồng chí yêu cầu các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kế hoạch tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng hai quyết định của TƯ và Kế hoạch của Thành ủy. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về trách nhiệm trong giám sát, phản biện xã hội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng kế hoạch để triển khai hai quyết định của TƯ và Kế hoạch của Thành ủy trên địa bàn, cơ quan, đơn vị mình. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của cán bộ, bảo đảm đủ khả năng tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp. Hằng năm, HĐND, UBND thành phố phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thống nhất chọn các chương trình, đề án cần giám sát, phản biện, báo cáo với cấp ủy. Ngay trong năm 2014, Đảng đoàn MTTQ phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND thành phố lựa chọn điểm chương trình, đề án để chỉ đạo giám sát và phản biện xã hội, trên cơ sở đó nhân rộng. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu Ban Thường vụ Thành đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện điểm việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, định kỳ báo cáo Thường trực Thành ủy để kịp thời rút kinh nghiệm và chỉ đạo thực hiện hiệu quả.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/673490/ha-noi-trien-khai-quy-che-giam-sat-va-phan-bien-xa-hoi-cua-mttq