Hà Nội trầm, Sài Gòn nhớ

Hà Nội và Sài Gòn dường như là hai thành phố được dùng làm tên tựa sách nhiều nhất.

Có lẽ, cái cổ kính của Hà Nội, cũng như sự sôi động và ồn ã của Sài Gòn là thứ mà người ta nhớ nhiều nhất về hai vùng đất này, thôi thúc các tác giả phải đưa vào trang sách của mình bằng mọi cách.

Hà Nội trầm

Câu chuyện bên nồi lẩu dùng những câu từ đơn giản, những thứ gần gũi, những điều rất thật xung quanh cuộc sống của mình để đến với bạn đọc.

Không định hướng, không giáo điều và không tung hô, những câu chuyện của Kiệm cứ đến với người đọc một cách giản dị. Kiệm kể lại từng góc sân, khoảng trời, từ khu nhà tập thể cũ, cho đến những người hàng xóm và vật nuôi xung quanh, hay cái lạnh cắt da thịt thở ra khói của một Hà Nội đến thân thương.

Ở cuốn sách này, Hà Nội hiện lên đúng điệu, một chút lạnh mùa đông, một chút cổ của những năm 1990, một chút hoài niệm của thời mà hàng xóm gần gụi nhau, của những gánh hàng rong và những nhà bán tạp hóa sau cánh cửa sắt.

Đi ngang Hà Nội là cuốn sách không chỉ mang lại cho bạn đọc yêu Hà Nội những cảm xúc, mà còn mang lại những hiểu biết các câu chuyện, cuộc đời của người Hà Nội theo chiều dài lịch sử.

Qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tiến, người Hà Nội cùng thời lại có thể hình dung về tiếng chuông tàu điện leng keng và vợ chồng người hát xẩm ủ ê, ai oán cùng tiếng nhị cò cưa.

Rồi những ngày người Hà Nội tìm cách chế biến bột mỳ sao cho ngon miệng, những giai thoại dân gian, những bài văn vần từng lưu truyền một thuở về Hà thành, về tem phiếu, về những nghệ sĩ đậm “chất Hà Nội” bên ly cà phê cũng đậm “chất Hà Nội” trong một thời khốn khó... Có thể nói, cuốn sách đã chuyển tải được cái hồn của Hà Nội một thời xa vắng.

Sài Gòn nhớ

Ít có thành phố nào mà những con người từ nơi khác đến, ở lại và chọn làm quê hương, đều viết về nó bằng những lời đầy yêu thương như Sài Gòn. Đàm Hà Phú không sinh ra tại Sài Gòn, nhưng đọc cuốn Sài Gòn bao nhớ người ta tưởng như anh là “con ruột” của mảnh đất này.

Tác giả viết bằng giọng thô mộc, thuần phác của người Sài Gòn, về những "người thường việc thường" nơi đây. Đôi khi người đọc hoài nghi rằng liệu Sài Gòn có thực dễ thương như những câu chuyện từ trang sách không. Nhưng rồi cái vô lo, khẳng khái, phóng khoáng của Sài Gòn cứ làm người đọc thêm yêu và tin ở vùng đất ấy.

Tập tản văn Sài Gòn cứ vội được viết bởi những người trẻ 9X, có nhớ nhung, giận hờn, là lời đối đáp giữa hai cá thể trong một chuyện tình giữa Sài Gòn phồn hoa nhưng đầy những hoài niệm. “Sài Gòn cứ vội, người cứ bỏ lại nhau”, giận đó, rồi xa đó nhưng rồi lại về, lại gần, lại “xin đừng quên nhau”.

Sài Gòn cứ vội, người ta thấy đằng sau sự phồn hoa và ồn ã của một thành phố dường như không ngủ, là những khoảng lặng rất bình dị. Phải trải nghiệm, lãng đãng, phải yêu thành phố đó lắm mới nhìn ra những phút giản dị và đầy nên thơ của Sài Gòn.

Những bức ảnh, những dòng chữ giúp người ta lưu lại ký ức một cách chân thực. Những cây viết, họ không chọn chụp ảnh, mà chọn những câu chữ để chuyển tải và lưu lại kỷ niệm, nỗi lòng. Và để Hà Nội, Sài Gòn hay nhiều vùng đất khác nữa cứ thế đến gần với độc giả hơn...

Thanh Loan

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ha-noi-tram-sai-gon-nho-post687099.html