Hà Nội tìm cách xây đủ trường học

QĐND - Trước tình trạng thiếu trường học, đặc biệt là ở cấp mầm non, và áp lực dư luận, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã triệu tập cuộc họp giao ban lãnh đạo quận, huyện, thị xã toàn thành phố để tập trung thảo luận duy nhất nội dung tìm cách xây cho đủ trường, lớp học trên địa bàn thành phố. Nội dung hiến kế giúp Hà Nội tìm đất xây trường cũng đã được Báo Quân đội nhân dân đăng tải trước khi cuộc họp này diễn ra không lâu…

QĐND - Trước tình trạng thiếu trường học, đặc biệt là ở cấp mầm non, và áp lực dư luận, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã triệu tập cuộc họp giao ban lãnh đạo quận, huyện, thị xã toàn thành phố để tập trung thảo luận duy nhất nội dung tìm cách xây cho đủ trường, lớp học trên địa bàn thành phố. Nội dung hiến kế giúp Hà Nội tìm đất xây trường cũng đã được Báo Quân đội nhân dân đăng tải trước khi cuộc họp này diễn ra không lâu…

Trung Hòa là một trong số không nhiều phường nội thành Hà Nội có trường mầm non công lập với sân chơi rộng rãi cho trẻ em.

Khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu trường học

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong giai đoạn 2005-2011, Hà Nội luôn dành 20-24% tổng chi ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, tương ứng với khoảng 3000-3.500 tỷ đồng mỗi năm. Về cơ bản, Hà Nội đã xóa xong 5.523 phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp. Tính đến nay, toàn thành phố có 2.311 trường học các cấp, hầu hết bảo đảm mỗi địa phương cấp xã có ít nhất 1 trường mầm non công lập, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS và cứ 50.000 dân có 1 trường THPT. “Thành phố và các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành liên quan đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tập trung đầu tư mọi mặt để phát triển giáo dục, xây dựng hệ thống trường mầm non và phổ thông các cấp, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, bảo đảm đủ chỗ học cho 100% học sinh trong độ tuổi có nhu cầu đi học”, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.

Tuy nhiên, nếu tính theo tiêu chí mỗi địa phương cấp xã có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS công lập, thì toàn thành phố còn thiếu 46 trường. Bên cạnh đó, do đặc điểm phân bố dân cư không đồng đều giữa các quận, huyện nên Hà Nội còn tồn tại tình trạng có trường không tuyển đủ học sinh, có trường luôn bị quá tải. Vấn đề này cũng được lãnh đạo thành phố thẳng thắn thừa nhận.

“Trong số 16 trường THCS của Đống Đa, có 2 trường bị quá tải tuyển sinh là Trường THCS Nguyễn Trường Tộ và Trường THCS Đống Đa. Các trường còn lại thậm chí còn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Vậy nên về cơ bản, Đống Đa vẫn đáp ứng đủ chỗ học cho các cháu trong độ tuổi THCS. Nhưng các trường mầm non thì quận Đống Đa thiếu trầm trọng. Hơn 30% trẻ em trong độ tuổi mầm non chưa được đến trường một phần do không đủ trường, lớp”, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Đức Học nói.

Nhắc lại tình trạng nơi thừa, chỗ thiếu trường học, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị giao nhiệm vụ: Đến năm 2015, Hà Nội phải khắc phục xong tình trạng thiếu trường. "Để xảy ra tình trạng thiếu đất xây trường có phần do nguyên nhân chủ quan, tầm nhìn chưa thấu đáo, chưa toàn diện, chưa cụ thể. Nếu quản lý tốt thì sẽ không bị động vì thiếu đất", đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Cùng nhất trí với quan điểm ấy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng khẳng định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu đất xây trường là do quản lý lỏng lẻo, đồng thời chỉ rõ: Ngay cả ở những khu đô thị mới hiện cũng chưa thực hiện đúng quy hoạch xây dựng trường học. 10 khu đô thị mới được quy hoạch xây 38 trường, nhưng mới đầu tư xây dựng được 27 trường.

Những lời hứa từ lãnh đạo các quận, huyện

Trước những nhiệm vụ được lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội xác định cụ thể, lãnh đạo các quận, huyện đã đưa ra những mốc thời gian cụ thể trong lời hứa hoàn thành việc xây trường.

Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng khẳng định sẽ thu hồi đất trụ sở một HTX dịch vụ cũ bị người dân lấn chiếm ở số 161 Mai Hắc Đế để đầu tư xây trường. Diện tích đất sử dụng chưa hợp lý ở phường Trần Khát Chân và 63 Ngõ Quỳnh cũng sẽ được thu hồi để đến năm 2013-2014 xây dựng xong các trường mầm non tại những địa điểm này. Đây cũng là mốc thời gian được lãnh đạo quận Long Biên đưa ra để hứa sẽ hoàn thành kế hoạch xây dựng lớp học cho cả 3 cấp học, từ mầm non đến THCS.

Với đề nghị thành phố xem xét thu hồi, giao cho quận đầu tư xây dựng trường mầm non, lãnh đạo quận Đống Đa hứa trong vòng 2 năm sẽ đầu tư xây dựng 3 trường mầm non, đến đầu năm 2014, cả 4 phường còn thiếu trường mầm non của quận sẽ được “giải quyết xong”. Những lô đất có triển vọng thu hồi xây trường được lãnh đạo quận Đống Đa nhắc tới là khu đất do Công ty cổ phần Nhựa Y tế quản lý trên phố Lương Đình Của, khu đất đang cho một doanh nghiệp thuê ở phường Phương Mai, khu đất ở đường Trường Chinh do một công ty may mặc đang quản lý, khu đất ở phố Thái Thịnh do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Mây tre đan quản lý… Quận Đống Đa cũng đã yêu cầu Tổng công ty Xây dựng Thủy lợi, đang lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại phường Trung Liệt, phải dành ra một phần diện tích để xây trường mầm non.

Tuy cho rằng chủ trương mỗi phường phải có 1 trường mầm non áp dụng tại quận Hoàn Kiếm là khó và không cần thiết do quận này có diện tích nhỏ, nhưng lãnh đạo quận vẫn hứa đến năm 2020 sẽ đáp ứng được yêu cầu 100% trẻ em trong độ tuổi được học tại các trường công lập. Với quan điểm “trường học không thể mang ra quận, huyện khác được, nhưng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì có thể”, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm khẳng định đã kiên quyết thu hồi diện tích đất ở số 13 Hàng Tre để đầu tư xây dựng 1 trường chuẩn quốc gia.

Những lời hứa đã được lãnh đạo các quận, huyện của Hà Nội đưa ra. Mong rằng những lời hứa ấy sẽ được cụ thể hóa bằng hành động, để phụ huynh trong khu nội thành Hà Nội không còn canh cánh nỗi lo cho con “đi học đúng tuyến thì chật, trái tuyến thì xa, chi phí đắt đỏ” như lời Bí thư Thành ủy Hà Nội nói trong cuộc họp này.

Bài và ảnh: Minh Thắng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/20/20/165567/Default.aspx