Hà Nội thí điểm thành công dự án ngăn ngừa bạo lực giới trường học

Ngày 28.11, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội phối hợp cùng với Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết dự án Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng. Mô hình dự án Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng đã được thí điểm thành công tại Hà Nội để ngăn ngừa và ứng phó với vấn đề bạo lực giới trong trường học.

Học sinh các trường học trên địa bàn Hà Nội tích cực tham gia dự án (Ảnh: Đức Vân)

Bạo lực giới trường học là gì?

Bạo lực trên cơ sở giới tại trường học được biết đến như một vấn đề toàn cầu với những ảnh hưởng xấu đến việc học tập, sức khỏe và phát triển của học sinh nam và nữ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trên toàn cầu, tỉ lệ các em học sinh nam và nữ bị bạo lực về thân thể là rất cao (trên 60% trong số các em tham gia nghiên cứu) và một nửa số trẻ em trên thế giới đang sống ở các nước cho phép các hành vi trừng phạt về thân thể và tinh thần.

Học sinh, đặc biệt là các em gái, thường trải nghiệm bạo lực về tinh thần nhiều hơn ở trường học, bao gồm cả việc bị mắng, bị lườm, bị sỉ nhục hoặc bị đe dọa. Bạo lực trên cơ sở giới gây ra các ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, sự phát triển về tâm hồn và gây ra các hậu quả lâu dài về sức khỏe. Bạo lực trên cơ sở giới tại trường học cũng đặt các em học sinh trước các rủi ro về bỏ học hoặc sa sút kết quả học tập.

Tại Hà Nội, với việc triển khai dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” tại 10 trường THCS và 10 trường THPT trên 16 quận/ huyện thuộc thành phố từ năm 2014 đến năm 2016, Sở GD&ĐT Hà Nội và tổ chức Plan International Việt Nam đã thí điểm thành công mô hình phòng ngừa và ứng phó với tình trạng bạo lực trên cơ sở giới tại trường học.

Dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” là dự án đầu tiên ở Hà Nội có cách tiếp cận tổng thể và hệ thống để giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong môi trường học đường. Không chỉ giáo dục học sinh để nâng cao kiến thức và kỹ năng của các em trong phòng tránh và xử lý khi đối diện với bạo lực giới, dự án còn nâng cao năng lực cho ban giám hiệu và cán bộ giáo viên trong trường để tạo một môi trường thuận lợi cho việc hình thành và duy trì thái độ bình đẳng giới trong học sinh.

Dự án thu hút sự tham gia và ủng hộ của phụ huynh với các hoạt động nâng cao nhận thức dành riêng cho phụ huynh. Song song với các can thiệp trong trường học, dự án đã hỗ trợ xây dựng môi trường báo chí nhạy cảm với các vấn đề bạo lực giới trong trường học, hướng tới xây dựng cộng đồng xã hội có thái độ không khoan dung với bạo lực giới trong trường học, từ đó vận động cho việc xây dựng và triển khai các chính sách nhân rộng mô hình trong toàn hệ thống giáo dục trên địa bàn thành phố.

Tác phẩm tham dự dự án của học sinh.

Bạo lực thể chất giảm 11%, bạo lực tinh thần giảm 56%

Theo kết quả khảo sát cuối kỳ dự án vào tháng 10.2016, hơn 50% học sinh ở các trường triển khai dự án tham gia vào khảo sát đã cảm thấy an toàn với môi trường xung quanh trường học và trên đường đi học. Ở đầu kỳ dự án, chỉ có 18% số học sinh được hỏi cho rằng trường học của các em là tuyệt đối an toàn. Kết quả nghiên cứu cuối kỳ cũng cho thấy một kết quả tích cực khi tỉ lệ học sinh bị bạo lực thể chất và tinh thần đã giảm đáng kể. Tỉ lệ học sinh báo cáo có trải nghiệm bạo lực thể chất giảm từ 31% (đầu kỳ) xuống 20% (cuối kỳ), bạo lực tinh thần giảm mạnh từ 63% (đầu kỳ) xuống còn 7% (cuối kỳ).

Nếu như ở đầu dự án, rất ít học sinh khi bị bạo lực báo cáo, tìm kiếm sự hỗ trợ từ cha mẹ hay thầy cô, cho dù người gây ra bạo lực là ai và hình thức bạo lực là gì (42% các em bị bạo lực thân thể, 68% bị bạo lực tinh thần và 36% bị bạo lực tình dục thường tự mình giải quyết). Theo kết quả khảo sát cuối dự án, khoảng 30% học sinh tham gia khảo sát cho biết sẵn sàng hành động nếu chứng kiến các hành vi bạo lực trên cơ sở giới. Tỉ lệ học sinh nam trả lời sẵn sàng hành động tăng gấp đôi so với thời điểm khởi đầu dự án.

Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - cho biết: “Chúng tôi cũng tin rằng với những phương thức, cách làm và các sản phẩm mà dự án đã để lại, bằng nguồn ngân sách của thành phố, Sở Giáo dục - Đào tạo sẽ có điều kiện hỗ trợ các nhà trường mở rộng mô hình ở từng nơi một và tùy theo điều kiện có thể mở rộng từng nội dung một. Trong thời gian tới, bằng những hình thức khác nhau, chúng tôi sẽ cố gắng nhân rộng, lan tỏa những ảnh hưởng của 20 trường này để có thể tạo ra sự lan tỏa tiếp theo.”

“Dự án đã rất thành công khi tạo ra được môi trường thuận lợi để trẻ em gái, trẻ em trai và giáo viên cảm thấy an toàn hơn trong ngôi trường của mình. Các sở, ban, ngành chủ chốt đã có được những bằng chứng từ dự án này để có thể tạo ra một số thay đổi trong chính sách. Chúng tôi mong rằng, những kết quả của dự án sẽ được nhân rộng ra khắp Việt Nam, rộng hơn là các nước trong khu vực và trên thế giới” - bà Sharon Kane, Giám đốc Tổ chức Plan International Việt Nam, nói.

Thành công quan trọng nhất của dự án là đạt được toàn bộ các mục tiêu đã đề ra ban đầu, bao gồm: Nâng cao năng lực của 20 trường trong thúc đẩy chuẩn mực ứng xử bình đẳng giới, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở trong và xung quanh trường học; học sinh nam và nữ của 20 trường tích cực tham gia vào ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới trong trường học; được thuyết phục từ bằng chứng thành công của mô hình, Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố Hà Nội công nhận mô hình Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng, cam kết tiếp tục thực hiện mô hình ở các trường học thực hiện dự án và tiến tới nhân rộng mô hình ra toàn hệ thống trường học tại Hà Nội.

Vụ Công tác Học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT đã tham khảo, lấy mô hình dự án làm cơ sở cho việc xây dựng nghị định của chính phủ về "Xây dựng trường học an toàn, thân thiện và phòng chống bạo lực" năm 2016.

Đức Vân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/ha-noi-thi-diem-thanh-cong-du-an-ngan-ngua-bao-luc-gioi-truong-hoc-615268.bld