Hà Nội: Thêm một người nước ngoài bị mờ mắt vì rượu methanol

Sau khi uống rượu mua ở gần nhà, một người đàn ông quốc tịch Bỉ hiện đang sống cùng vợ ở Việt Nam bị ngộ độc rượu và đang điều trị mắt tại BV Bạch Mai.

Nhận được thông tin một người nước ngoài bị ngộ độc rượu, PV báo Người Đưa Tin đã có mặt tại khoa Mắt, bệnh viện Bạch Mai, nơi điều trị hiện tại của bệnh nhân để tìm hiểu sự việc. Trước đó, bệnh nhân đã có một thời gian điều trị tại trung tâm Chống độc của bệnh viện này.

Người đàn ông đó là anh Martin (SN 1984, quốc tịch Bỉ, hiện đang sống tại Đống Đa, Hà Nội). Người chăm sóc anh trong bệnh viện là mẹ vợ và vợ của anh, đều mang quốc tịch Việt Nam. Vợ anh Martin đang mang bầu tháng thứ 7. Anh Martin từng làm kĩ sư, hiện tại anh chị thỉnh thoảng dạy ngoại ngữ cho những đứa trẻ trong khu phố.

Chia sẻ với PV về sự việc, vợ anh Martin cho biết, anh vào trung tâm Chống độc sáng 7/3 trong tình trạng thị lực của mắt đã yếu, hiện anh vẫn không nhìn thấy gì.

Anh Martin và vợ

Trước đó, ngày 3/3, trong bữa tối của gia đình, anh có uống rượu trắng được mua ở gần nhà. Ngày mùng 4, anh hoàn toàn bình thường, không say, không buồn nôn hay chóng mặt và cũng không uống thêm bất kỳ chất gì có cồn. Sang ngày mùng 5, anh có nói với chị, thấy trời hơi tối và mắt hơi khó chịu. Lúc này, chị chỉ nghĩ đơn giản là mắt anh bị cận và đã tăng độ.

Đến ngày 6/3, mắt anh mờ và chỉ nhìn thấy bóng đèn. Chị liền đưa anh vào bệnh viện Mắt Trung ương để khám, anh được cho uống thuốc nhưng không đỡ. Sáng 7/3, những biểu hiện như đau bụng của anh rõ hơn, chị đưa anh vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Sau thời gian điều trị tại trung tâm Chống độc , anh Martin được chuyển sang khoa Mắt gần một tuần nay.

Theo lời khuyên của bạn bè, vợ anh Martin đã tham khảo phương pháp châm cứu cũng như nhờ bác sĩ chuyên về mắt ở đất nước anh sinh ra tư vấn khi gửi hồ sơ sang đó. Tuy nhiên, tới nay, đôi mắt của anh vẫn chưa nhìn thấy gì và gần như không có hi vọng.

“Theo kết luận của bác sĩ, chồng tôi bị ngộ độc methanol mức độ nặng. Dù cứu được tính mạng nhưng hiện tại hai mắt của chồng tôi không phản xạ với ánh sáng và cần theo dõi thêm. Một người đang nhìn thấy bình thường tự nhiên giờ sống trong bóng tối sẽ rất buồn. Những ngày này, với sự giúp đỡ của mọi người, anh vẫn làm việc và sinh hoạt bình thường, tinh thần cũng đỡ hơn chút.

Thời gian đầu tôi ở trong viện suốt với anh, mấy ngày nay, mẹ ở quê ra chăm anh giúp và tôi phải trở lại với công việc.

Chúng tôi ít theo dõi truyền hình hay đọc báo nên cũng không nắm được những vụ ngộ độc do rượu cồn công nghiệp methanol, nếu biết chúng tôi cũng tránh rồi”, vợ anh Martin cho hay.

Từ sau khi anh Martin bị ngộ độc rượu, vợ anh đã tìm hiểu khá kỹ về vấn đề này và nắm sâu kiến thức chuyên môn, phản ứng hóa học hay tác hại của rượu cồn công nghiệp methanol.

“Người nấu rượu có thể chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm của methanol hoặc lợi nhuận kinh doanh làm họ quên đi sự an toàn của con người”, vợ anh Martin nói.

Đại diện trung tâm Chống độc cũng xác nhận trường hợp một người nước ngoài bị ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol vào cấp cứu tại Trung tâm ngày 7/3. Tuy nhiên, chưa có kết luận nào về việc người này bị mù mà chỉ giảm thị lực, cần theo dõi thêm.

Trong thời gian qua ở Hà Nội liên tiếp ghi nhận các trường hợp bị ngộ độc rượu, trong đó có trường hợp đã tử vong.

Ông Trần Văn Chung, Phó giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, đoàn kiểm tra đã đồng loạt ra quân kiểm tra mặt hàng rượu bắt đầu từ ngày 16/3.

Trong ngày đầu ra quân, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 163 cơ sở; tịch thu, tiêu hủy 215 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; niêm phong, tạm giữ 3.223 lít rượu.

Từ đầu tháng 3 đến ngày 17/3, toàn thành phố đã kiểm tra 2.253 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và những nhà hàng, quán ăn có bán mặt hàng rượu; tịch thu, tiêu hủy 633 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; niêm phong, tạm giữ 26.258 lít, và số tiền xử phạt các cơ sở vi phạm là 650 triệu đồng.

Nguyễn Huệ

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-uong-ruou-trang-mua-gan-nha-mot-nguoi-nuoc-ngoai-bi-ngo-doc-a319300.html