Hà Nội tập trung chấn chỉnh về đạo đức nhà giáo

Thời gian qua, những vụ việc giáo viên bạo hành trẻ hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các giáo viên.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhà giáo về các tấm gương tốt trong đơn vị

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay hiện nay Hà Nội đang tập trung kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo và quy định về đạo đức nhà giáo ở tất cả giáo viên tại các trường.

Sau những vụ việc gây rúng động dư luận thời gian qua tại Hà Nội như vụ cô giáo Trường mầm non Sen Vàng hành hạ trẻ; hiệu trưởng, hiệu phó Trường tiểu học Nam Trung Yên trốn tránh trách nhiệm khi đi xe taxi vào trường làm gẫy chân học sinh; hay một học sinh bị bỏng tại Trường THPT Phan Đình Phùng..., Sở đã nhắc nhở hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn cần chú trọng nâng cao vấn đề đạo đức nghề giáo. Tấm gương đạo đức ở đây không chỉ đơn giản là nói năng lịch sự, lễ phép, ăn mặc lịch sự đứng đắn, mà còn là đạo đức nghề nghiệp, đạo đức của người với tư cách nhà giáo.

Sở cũng đã có văn bản chấn chỉnh, không cho phép xe ô tô vào trong sân trường. Xe ra vào sân trường phải bảo đảm không lưu thông trong thời gian đầu giờ, cuối giờ học để không làm ảnh hưởng tới học sinh. Ngay cả giáo viên cũng không được phép đi ô tô vào trong trường khi học sinh đang trong giờ ra chơi.

Hiện nay, Sở đang yêu cầu các trường đưa ra bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường. Căn cứ vào chỉ đạo chung, các trường sẽ xây dựng bộ quy tắc ứng xử theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, đồng thời thực hiện cùng với Bộ quy tắc ứng xử mà UBND TP.Hà Nội vừa ban hành.

Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT Hà Nội) cũng cho biết thêm sau vụ bạo hành trẻ ở Trường mầm non Sen Vàng, “Sở sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở mầm non tư thục trên toàn thành phố. Để có thể thực hiện công tác chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non không chỉ cần trình độ chuyên môn sư phạm theo quy định mà còn phải có đạo đức nghề nghiệp, tư tưởng chính trị, yêu nghề, mến trẻ... Ngành giáo dục sẽ thực hiện rất nhiều biện pháp như phối hợp với cơ sở đào tạo sư phạm để đào tạo giáo viên có chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn để các cô giáo vừa có nghiệp vụ sư phạm tốt, yêu nghề hơn, không để xảy ra hành vi không phù hợp với trẻ”.

Trong ngày 21.2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng khẳng định cần kiểm tra thường xuyên việc đảm bảo an toàn trong trường học, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm và công khai trên phương tiện truyền thông. Vừa qua các vụ việc đã ảnh hưởng không tốt đến an toàn tính mạng của học sinh; danh dự của đội ngũ nhà giáo; an ninh, trật tự trường học và gây bức xúc trong xã hội, đã ảnh hưởng không nhỏ tới danh dự, uy tín của ngành giáo dục. Đây cũng chính là những bài học để cho ngành giáo dục cần chú ý hơn nữa trong công tác đào tạo, xây dựng cán bộ có tầm, có tâm đối với ngành.

Bộ trưởng Nhạ cũng yêu cầu Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT) chủ trì tham mưu cho Bộ trưởng trong việc phối hợp với Trung ương Đoàn, các bộ ngành trung ương tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục giúp Bộ trưởng đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Thanh tra Bộ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về xây dựng trường học an toàn trong các cơ sở giáo dục và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/ha-noi-tap-trung-chan-chinh-ve-dao-duc-nha-giao-57183.html