Hà Nội tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thành phố đã tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; những dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều có thể thực hiện 100% trên mạng.

Nhận định nêu trên vừa được ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chia sẻ trong phát biểu tại hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” được tổ chức hôm nay, ngày 25/6.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phát biểu tại hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” được tổ chức ngày 25/6/2017.

Dịch vụ công liên quan trực tiếp doanh nghiệp đều đã thực hiện qua mạng

Nói về những kết quả nổi bật Hà Nội đã đạt được trong việc thực hiện cam kết của các nhà đầu tư tại hội nghị Xúc tiến đầu tư của thành phố năm 2016, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, một năm vừa qua ghi nhận dấu ấn quan trọng cho những chuyển biến tích cực của Thành phố Hà Nội toàn diện trên các mặt, mở đầu thành công cho kỳ kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Cụ thể, Hà Nội tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế nhanh với mức 8,2% năm 2016; thu ngân sách vượt 10,5% so với dự toán; khách du lịch quốc tế tăng 19,9%; Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất từ trước đến nay với 22.666 doanh nghiệp, tăng 18% và có sự đột phá về thu hút đầu tư với số vốn đăng ký ngoài ngân sách đạt 439,2 nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư nước ngoài 3,11 tỷ USD (tăng gần 3 lần so với năm 2015).

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, Thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao với mức 7,37%; thu ngân sách tăng 18%, vốn đầu tư xã hội tăng 9,9%, khách du lịch quốc tế tăng 14%, xuất khẩu tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây với mức 12,1%, thị trường hàng hóa sôi động, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng 7,2%; số doanh nghiệp thành lập mới là 13.355 doanh nghiệp, tăng 16%.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh thành công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Hà Nội thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt, tăng 10 bậc so với năm 2015, xếp thứ 14/63 tỉnh thành. Chỉ số Cải cách hành chính tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh thành. Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT&TT.

Đồng thời, Thành phố cũng đã tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện; tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung cầu, liên kết các vùng; hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chương trình xúc tiến đầu tư để giới thiệu các sản phẩm tại các hội trợ trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài. Theo kết quả điều tra, năm 2016 là năm các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động kinh doanh khá hiệu quả, với 67% doanh nghiệp kinh doanh có lãi và 47% doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô kinh doanh.

Tại hội nghị “Hà Nội 2017: Hợp tác đầu tư và phát triển”, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TP. Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 74,37 nghìn tỷ đồng và cùng các nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến 134,79 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, Thành phố đã tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Những dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều có thể thực hiện 100% trên môi trường mạng như: đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng. Thành phố tập trung triển khai đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, thiết bị đầu cuối để hỗ trợ công dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ công ngay tại nhà.

Cùng với đó, theo ông Chung, thời gian 1 năm vừa qua, Hà Nội cũng đã triển khai nhiều nội dung công việc khác đạt kết quả tích cực: tập trung rà soát tất cả các thủ tục hành chính của các sở ban ngành, trên cơ sở đó, cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính; dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện” với để phục vụ doanh nghiệp và người dân; hướng tới cung cấp các dịch vụ đạt chuẩn quốc tế; xây dựng các cơ chế chính sách mới để tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

“Hà Nội tiếp tục khẳng định là địa điểm đầu tư an toàn, môi trường chính trị ổn định, là điểm đến được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế ưu tiên hàng đầu khi cân nhắc quyết định đầu tư”, ông Chung nhấn mạnh.

Hướng tới xây dựng Hà Nội thành đô thị thông minh

Nhận định những kết quả Thành phố đạt được đã cho thấy một Hà Nội bước đầu có chuyển động và phát triển - năng động, hiện đại, song Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng đây mới là kết quả bước đầu, còn rất khiêm tốn. Để đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực vẫn luôn là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức.

Theo ông Chung, trong giai đoạn 2017-2020, Thành phố đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm được tập trung triển khai. Trong đó, Thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, hướng tới đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn khu vực và thế giới, tập trung trong 5 lĩnh vực: môi trường, nước sạch, y tế - giáo dục, giao thông, công viên - khu vui chơi giải trí.

Cùng với nhiệm vụ bảo tồn bản sắc Hà Nội nghìn năm văn hiến bên cạnh Hà Nội hiện đại và năng động, Hà Nội cũng hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Cụ thể, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp như: số hóa đồng bộ cơ sở dữ liệu cốt lõi: dân cư, doanh nghiệp, đất đai, tư pháp, hộ tịch, cán bộ công chức...; hoàn thành hệ thống 1 cửa điện tử 3 cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm 2017 trên 40% và đến năm 2020 là 70-80%; triển khai thực hiện bãi đỗ xe điện tử; quan trắc môi trường điện tử; xây dựng đô thị thông minh.

Đồng thời, phấn đấu để Hà Nội là Thành phố tiên phong của cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; về tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; về hội nhập quốc tế và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới…

Ông Chung cho biết: “Để đảm bảo mục tiêu phát triển giai đoạn 2017-2020, Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, và đồng thời khẳng định nguồn lực đầu tư xã hội là động lực cho sự phát triển của Thủ đô. Trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế thông qua nhiều hình thức: FDI, PPP, xã hội hóa…

136 dự án Hà Nội mong muốn thu hút đầu tư

Đại diện cho chính quyền Thành phố, tại hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” ngày 25/6, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định và cam kếtThành phố Hà Nội sẽ “Tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Hợp tác và phát triển”. Sự hài lòng của doanh nghiệp, công dân là thước đo đánh giá tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính quyền Thành phố.

Cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Đức Chung đã giới thiệu danh mục 136 dự án Hà Nội mong muốn thu hút đầu tư, bao gồm: 17 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn 802,7 nghìn tỷ đồng và 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303,85 nghìn tỷ đồng trong các lĩnh vực như giáo dục, bãi đỗ xe, y tế, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Vân Anh

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/cuoc-song-thong-minh/ha-noi-tao-chuyen-bien-can-ban-ve-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-155421.ict