Hà Nội: Siết chặt cấp phép kinh doanh karaoke

Sau vụ cháy tại quán karaoke 68 ở Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) gây thiệt hại lớn, TP. Hà Nội đã tập trung kiểm tra, chấn chỉnh loại hình dịch vụ này. Tại hội nghị chuyên đề về công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, nhà hàng do thành phố Hà Nội tổ chức hôm 24.11, nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý các loại hình dịch vụ này còn bất cập và cần tháo gỡ.

Vụ cháy tại quán karaoke 68 ở Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Nhiều cơ sở chưa hợp tác

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT), tính từ đầu năm, thanh tra sở đã kiểm tra 346 cơ sở hoạt động kinh doanh karaoke, băng đĩa trên địa bàn thành phố. Lập biên bản vi phạm hành chính 29 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 421 triệu đồng. Các cơ sở karaoke hoạt động sai phép chủ yếu vi phạm ở các lỗi: Phòng hát không đúng quy định; vượt quá số lượng phòng hát theo quy định; biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích lớn, che kín toàn bộ mặt tiền nhà; dùng đèn chiếu sáng, đèn trang trí có độ sáng chói, tiêu thụ điện năng lớn tiềm ẩn nguy cơ chập điện, hỏa hoạn. Một số quận, huyện còn để cho các nhà hàng, phòng trà hát karaoke có yếu tố nước ngoài hoạt động không đúng quy định…

Bà Đinh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên - cho biết, quận hiện có 80 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó 77 cơ sở có phép và 3 cơ sở không có giấy phép kinh doanh. Qua thanh tra, kiểm tra, quận đã đình chỉ hoạt động của những cơ sở không giấy phép, song vẫn còn những cơ sở vi phạm còn chưa thực sự hợp tác và có hành vi đối phó. Do đó, ngoài công tác thanh tra, kiểm tra, quận Long Biên đã phối hợp với các phường, gắn trách nhiệm với người đứng đầu các phường trong công tác quản lý và xử lý vi phạm tại các điểm kinh doanh trên.

Tại hội nghị ông Nguyễn Văn Lợi - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Chương Mỹ - đưa ra một số khó khăn trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa karaoke, vũ trường. Theo ông Lợi, hiện nay huyện Chương Mỹ có 101 cơ sở kinh doanh karaoke được cấp phép hoạt động. Khó khăn lớn nhất với huyện là nhận thức của các hộ kinh doanh chưa đầy đủ. Sau khi được cấp phép hoạt động lại không hoàn thiện các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự. Đặc biệt, còn có các cơ sở đã biến tướng thành các dịch vụ khác gây khó khăn cho việc quản lý.

Ngoài ra, đa số cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm quy định về biển hiệu; thiếu hợp tác trong khắc phục, tháo dỡ những biển hiệu không đúng quy định về nội dung và kích cỡ, có nguy cơ cháy nổ cao; không có phương án chữa cháy, thoát hiểm. Một số cơ sở kinh doanh karaoke nằm ngoài quy hoạch vẫn đang hoạt động nhưng không treo biển, lúc đóng, lúc mở. Một số cơ sở karaoke sử dụng tiếp viên theo yêu cầu của khách nên dễ phát sinh tệ nạn xã hội; hoạt động quá giờ, không đảm bảo hợp đồng lao động theo quy định…

Thắt chặt cấp phép kinh doanh karaoke

Cùng với các quận, huyện, cơ quan thường trực - Sở VHTT cũng kiến nghị lên thành phố kiên quyết đình chỉ các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar không đủ điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và các điều kiện liên quan.

Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất các quận, huyện khi cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke cần yêu cầu chủ cơ sở phải có đủ giấy chứng nhận về an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy. Nếu cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke trước sẽ tạo ra bất cập về công tác phòng cháy chữa cháy và đảm bảo an ninh trật tự. Đề xuất này nhận được sự nhất trí của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội.

Để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, về chủ trương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar. Đồng thời, tăng cường kiểm tra toàn diện các cơ sở hoạt động lĩnh vực trên.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nhấn mạnh, cơ quan thường trực - Sở VHTT cùng các sở, ban, ngành, các quận, huyện trên địa bàn tiếp tục củng cố đội kiểm tra liên ngành, kiểm tra các cơ sở karaoke phải có đầy đủ điều kiện như: Phù hợp với quy hoạch, có đăng ký kinh doanh, giấy phép đăng ký kinh doanh, đảm bảo đủ an toàn trật tự, phòng cháy, chữa cháy và lắp đặt quảng cáo đúng quy định.

Ông Ngô Văn Quý yêu cầu các cơ quan liên quan kiên quyết đình chỉ các cơ sở kinh doanh chưa phép hoặc không đủ những điều kiện trên. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh về các quy định cấp phép kinh doanh trên địa bàn…

Trước đó, ngày 23.11, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - đã có văn bản về việc tổng kiểm tra an toàn PCCC, biển quảng cáo tại các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, Trong công văn nêu rõ: Giám đốc Cảnh sát PCCC TP, Công an TP, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về việc thực hiện nghiêm các quy định về an toàn về PCCC, ANTT, quy chế kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, biển hiệu quảng cáo tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường...

Hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội có hơn 1.600 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó, có hơn 1.100 cơ sở đã được cấp phép. Các quận, huyện tập trung đông các cơ sở kinh doanh karaoke gồm có quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên…; huyện: Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm…

Cao Nguyên

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/ha-noi-siet-chat-cap-phep-kinh-doanh-karaoke-614719.bld