Hà Nội sẽ trở thành thành phố tắc nghẽn, nếu...

(HQ Online)- rong nhiều năm qua, dù Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ nạn ùn tắc giao thông song theo các chuyên gia, những biện pháp này không được thực hiện một cách tổng thể dẫn đến gỡ chỗ nọ lại rối chỗ kia. Hàng ngày, hàng giờ vấn nạn này vẫn đang diễn ra trên nhiều tuyến phố của Hà Nội trong sự bức xúc của người dân.

Hà Nội đang hàng ngày đối mặt với vấn nạn ùn tắc giao thông. Ảnh: H.Anh.

Rối như canh hẹ

Tắc nghẽn giao thông là vấn đề mà nhiều đô thị lớn ở các quốc gia phải đối mặt, không riêng gì Hà Nội. Tuy nhiên, với Hà Nội, nguyên nhân cơ bản gây tắc nghẽn giao thông được thể hiện ở rất nhiều lĩnh vực: Tỷ trọng đất dành cho giao thông, cơ cấu phương tiện, mật độ dân số, tổ chức phân bố giao thông… Hiện nay, các chỉ số này của Hà Nội đều đang thiếu và yếu dẫn đến ùn tắc giao thông của Hà Nội chưa được giải quyết triệt để. Vào giờ cao điểm, ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra, trên các tuyến đường như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Đê La Thành, Lĩnh Nam, Cầu Giấy, Minh Khai…, thậm chí ngay cả ngoài giờ cao điểm, đường phố Hà Nội vẫn có thể tắc như thường, điển hình là trên các tuyến phố như Cầu Giấy, Trường Chinh, Sơn Tây, Nguyễn Lương Bằng...

Một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất hiện nay chính là mật độ dân số của Hà Nội đang ngày càng tăng cao, tuy nhiên, hàng loạt cao ốc kết hợp với các trung tâm thương mại, khu đô thị vẫn tiếp tục được xây dựng tạo nên áp lực dân số trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay dân số Hà Nội đã vượt ngưỡng 7 triệu người, mật độ dân số trung bình của Hà Nội vào khoảng trên 3.000 người/km2, cao hơn so với các nước trong khu vực, trong đó ở khu vực trung tâm Hà Nội có nơi lên tới 25.000-36.000 người/km2. Đơn cử, với một khối lượng lớn chung cư, văn phòng tại khu đô thị (KĐT) Trung Hòa - Nhân Chính, các tuyến đường xung quanh khu vực này như Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương là địa điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Tại quận Hoàng Mai, KĐT Linh Đàm vốn là KĐT kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội song đến thời điểm này, KĐT này đang thực sự trở thành nỗi khiếp đảm về giao thông đi lại khi hàng chục cao ốc san sát nhau, kéo theo đó là hàng trăm ngàn cư dân về đây sinh sống khiến cho mật độ dân số, lưu lượng phương tiện giao thông quá tải. Hoặc theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội vừa được ban hành, vị trí Triển lãm Giảng Võ (quận Ba Đình) hiện nay sẽ được phép xây dựng cao ốc lên đến 50 tầng (180m)…

Bình luận về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện nay Hà Nội quy hoạch các KĐT mới rải rác khắp nơi, tuy nhiên các KĐT này mới chỉ là những khu nhà ở, không phải đô thị thực sự. Nếu là KĐT thực sự phải bao gồm cả các cơ quan công sở, nơi cung cấp các dịch vụ trường học, bệnh viện, khu buôn bán để người dân không phải đi xa. Hiện nay dù ở các KĐT ngoại thành nhưng người dân vẫn phải di chuyển vào nội thành để làm việc. Đơn cử, nhiều người ở KĐT Ecopark, Ciputra… nhưng hàng ngày vẫn đi ô tô vào nội thành làm việc, điều này chỉ làm tăng thêm mật độ giao thông.

Trên thực tế, để giải quyết tình trạng này, Hà Nội đã tiến hành nhiều giải pháp như đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm, mở rộng hoặc chỉnh lại các vòng xoay giao thông tại các ngã tư , xây dựng các hầm đường bộ, đường trên cao, cầu vượt trong đô thị... Các biện pháp này đã phần nào giải quyết được ùn tắc cục bộ tại các điểm đen về ùn tắc giao thông, tuy nhiên thực tế cũng cho thấy khi giải quyết được điểm đen này thì lại phát sinh ra điểm đen khác, nói cách khác là “xẹp chỗ nọ lại phình chỗ kia”, vì thế nạn ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm vẫn “rối như canh hẹ” và là nỗi kinh hoàng của người dân Hà Nội mỗi khi tham gia giao thông.

Không bất lực, nếu...

Nhiều cao ốc được xây dựng đang khiến cho mật độ dân số Hà Nội tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu. h: H.Anh.

Theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên nhân của nạn ùn tắc giao thông có nhiều, trong đó một trong những nguyên nhân chính là do hiện nay diện tích đất dành cho giao thông ở Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo đó, về quy hoạch giao thông, trong đô thị thông thường khoảng 20-25% diện tích đất dành cho giao thông, tuy nhiên hiện nay Hà Nội mới có khoảng 10% và để phấn đấu đạt tỷ lệ 25%, Hà Nội cần một nguồn lực lớn. Đất diện tích dành cho bãi đỗ xe cũng thiếu, hiện nay Hà Nội mới chỉ có 0,3%, trong khi đáng lẽ phải dành 3-4% diện tích đất tự nhiên cho bãi đỗ xe. Trên thực tế, Hà Nội là đô thị “tấc đất tấc vàng”, để xây dựng hoặc mở rộng một tuyến đường thì ngoài chi phí xây dựng, khoản tiền khổng lồ dành cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng là khó khăn lớn cản trở mục tiêu này. Cũng theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, về cơ cấu phương tiện vận tải, xe buýt mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, trong khi đó ở các đô thị giao thông công cộng phải đáp ứng được trên 50-60%, do đó phương tiện giao thông cá nhân với số lượng lớn cũng sẽ gây ra ùn tắc, chưa kể Hà Nội còn rất lúng túng trong tổ chức giao thông, bến bãi. Trong những năm qua, nhiều dự án quy hoạch để giảm thiểu ùn tắc giao thông đã được tiến hành nhưng phần lớn bị chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra, do thiếu nguồn lực và các giải pháp.

Để giảm lưu lượng hoạt động giao thông, mật độ dân số, từ năm 2005 Hà Nội đã đặt ra mục tiêu cải tạo 23 khu chung cư cũ theo hướng giảm dân số, hoặc từ năm 2008, Hà Nội đã có chủ trương di dời các nhà máy, trường đại học và cơ quan Nhà nước ra khỏi trung tâm thành phố. Tuy nhiên việc thực hiện chủ trương này diễn ra rất chậm chạp. Không những thế, đáng lẽ phải dành quỹ đất này để xây dựng những công trình công cộng thì khi di dời các nhà máy, cơ quan, người ta thay thế vào đó những dự án BĐS, nhà ở cao tầng điều này dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông càng trở nên trầm trọng.

Chia sẻ thêm về những vướng mắc, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết Hà Nội đã chú trọng tìm địa điểm mới thích hợp cho các cơ sở này như khu tây Hồ Tây, Mỹ Đình…. Tổng cộng có khoảng 30 cơ quan bộ ngành Trung ương phải di dời, đến nay có 5 bộ ngành đã di dời được nhưng không trả lại địa điểm để Hà Nội phục vụ cho việc xây dựng công viên cây xanh, vườn hoa.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng Hà Nội đã bất lực trước căn bệnh trầm kha mang tên ùn tắc? Theo các chuyên gia, Hà Nội không bất lực, mà là do chúng ta mới chỉ tập trung vào các tiêu chí, nội dung bắt buộc thực hiện chứ chưa trao đổi về các biện pháp về nguồn lực thực hiện, chưa chú trọng cơ chế tạo điều kiện để thực hiện. Nhiều nước trên thế giới đã huy động cộng đồng tham gia nên họ đã giải quyết được vấn nạn này, vì thế, vấn đề là phải có cơ chế thích hợp.

Mới đây, tại Hội nghị Hà Nội 2016- Hợp tác đầu tư và phát triển, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, nếu không có giải pháp thỏa đáng, Hà Nội sẽ trở thành thành phố tắc nghẽn, ô nhiễm như một số thành phố khác trong khu vực châu Á, Đông Nam Á. Vì thế, Hà Nội cần phải "bẻ ghi" để thành phố không trượt trên con đường này. Để làm được việc này, Hà Nội cần thực hiện nhiều công việc. Đầu tiên là đổi mới cách làm quy hoạch, quản lý quy hoạch.

Kiến nghị giải pháp cho vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, vấn đề là chưa tìm ra được giải pháp đồng bộ. “Chúng ta có quy hoạch nhưng chưa đưa ra được cơ chế, giải pháp đồng bộ, thiếu sự liên kết để đưa ra kế hoạch, chương trình hành động thống nhất. Hiện nay mỗi một ngành mới chỉ nhìn ùn tắc giao thông dưới góc độ của ngành mình. Cần nhìn nhận đồng bộ các vấn đề để tập trung giải quyết, đồng thời cần huy động cộng đồng, chuyên gia, nhiều ngành nghề cùng tham gia để có những giải pháp mang tính thực tiễn”, KTS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ha-noi-se-tro-thanh-thanh-pho-tac-nghen-neu.aspx