Hà Nội ráo riết tìm nguồn nước sạch sinh hoạt

Qua “cao điểm” hè 2017, thành phố Hà Nội lại gấp rút chuẩn bị cho các dự án khai thác nước sạch mới để phục vụ người dân trong mùa hè 2018 và những năm tiếp theo. Nếu các dự án này triển khai đúng tiến độ, người Hà Nội chắc chắn sẽ bớt được nỗi lo về nước sạch trong những ngày hè nắng nóng.

Hà Nội đang tăng tốc các dự án nước sạch để “giải khát” cho người dân

Xây bể chứa 300.000 m3 nước sạch

Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng tuyến nước sạch sông Đà số 2 do Công ty CP Viwasupco là chủ đầu tư. Từ tháng 10-2015, Công ty Viwasupco đã khởi công xây dựng giai đoạn 2 của dự án cấp nước sông Đà (trong đó có tuyến truyền dẫn nước sạch số 2 sông Đà nằm dọc theo Đại lộ Thăng Long). Tuy nhiên, tới nay, tuyến ống giai đoạn 2 của dự án chưa hoàn thành do công tác tổ chức đấu thầu và cổ phần hóa, cũng như chuyển giao chủ sở hữu... gặp một số khó khăn.

Trước tình trạng này, UBND TP đã giao Sở Xây dựng Hà Nội liên tục đôn đốc nhà đầu tư sớm hoàn thành tuyến truyền dẫn số 2; bảo đảm cấp nước cho thành phố, đồng thời xây dựng trạm bơm tăng áp, bể chứa 300.000m3 tại khu vực đường vành đai 3,5. Theo báo cáo mới nhất của Công ty Viwasupco thì hiện nay, các gói thầu cung cấp ống thép DI800 và thi công các đoạn ống qua các sông (Tích, Đáy, Am); mua bán van và thiết bị... đã được nhà đầu tư triển khai. Công tác thi công đào mương đặt ống đã hoàn thành khoảng 20km. Cát đắp ống cũng đã được tập kết về công trường.

Hiện nay, nhà đầu tư đang chuyển giao chủ sở hữu và theo báo cáo của Công ty, việc này sẽ hoàn thành trong tháng 7-2017. Sau khi chuyển giao chủ sở hữu, nhà đầu tư sẽ tiến hành mua sắm và triển khai thi công. Dự kiến, công tác thi công sẽ kéo dài trong khoảng 6 tháng để hoàn thành 21km đường ống số 2 sông Đà; cung cấp thêm cho khu vực nội thành Hà Nội khoảng 80.000m3/ngày đêm.

UBND TP Hà Nội cho biết, đã giao Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện dự án; đảm bảo việc thi công đường ống, cung cấp nước sạch theo quy định hiện hành.

Tìm kiếm thêm những nguồn nước sạch mới

Cùng với việc chỉ đạo tăng tốc giai đoạn II dự án nước sạch sông Đà, thành phố Hà Nội đang yêu cầu các doanh nghiệp triển khai các nhà máy nước theo quy hoạch. Theo đó, Công ty CP Nước mặt sông Hồng triển khai đảm bảo tiến độ dự án nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000 m3/ngày đêm đến năm 2020 (giai đoạn 1 đến năm 2018 đạt 150.000 m3/ ngày đêm); Công ty CP nước mặt sông Đuống làm dự án nhà máy nước mặt sông Đuống công suất 300.000 m3/ngày đêm đến năm 2020 (giai đoạn 1 đến năm 2018 đạt 150.000m3/ ngày đêm); Công ty Nước sạch Hà Nội đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo, nâng công suất nhà máy nước Bắc Thăng Long đạt công suất 150.000 m3/ngày đêm; Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông triển khai dự án xây dựng trạm xử lý nước Dương Nội công suất 30.000m3/ngày đêm.

Cùng với đó, UBND TP đã chấp thuận chủ trương giao Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng Vietracimex nghiên cứu, lập dự án đầu tư nhà máy cấp nước sạch tại huyện Ba Vì, công suất dự kiến 500.000m3/ ngày đêm, sử dụng nguồn nước mặt sông Đà. Thành phố cũng đã ký biên bản ghi nhớ ý định hợp tác đầu tư, giao Công ty CP nước Aqua One nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước Xuân Mai công suất 300.000 - 600.000m3/ngày đêm, sử dụng nguồn nước mặt sông Đà.

Mặt khác, thành phố cũng đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai dự án lắp đặt hệ thống lọc nước theo mô hình cụm hộ cho các xã không thể đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung tại các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn… Ở khu vực nông thôn, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 dự án nước sạch. Dự kiến, trong năm 2017, các dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho 102.321 hộ; 409.284 người, cho 59 xã; tổng mức đầu tư 1.360 tỷ đồng...

Đặc biệt quan tâm vấn đề nước sạch sinh hoạt, thành phố Hà Nội cam kết chú trọng cải cách hành chính về thủ tục, hỗ trợ các nhà đầu tư. Cụ thể, UBND TP sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia đầu tư nước sạch trên địa bàn lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại, UBND TP sẽ kiểm soát về công nghệ, chất lượng nước, đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân.

Đối với dự án đầu tư nước sạch tại các vùng sâu, vùng xa như Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức… thành phố sẽ hỗ trợ về công nghệ và cho phép khai thác nguồn nước ngầm; hỗ trợ thủ tục đầu tư, đảm bảo thông thoáng, nhanh gọn. Trong quá trình thực hiện, thành phố có thể cho phép nhà đầu tư vừa khảo sát, vừa thiết kế, vừa thi công…

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-noi-rao-riet-tim-nguon-nuoc-sach-sinh-hoat/736382.antd