Hà Nội quyết liệt làm rõ thịt lợn giả thịt bò

Sau phản ánh 3 chợ: Cổ Nhuế, chợ Gạch, Chợ đầu mối Minh Khai bán thịt lợn giả thịt bò, Hà Nội tích cực xử lý đúng quy trình.

UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo kiểm tra ngay 3 chợ (chợ đầu mối Minh Khai, chợ Cổ Nhuế - quận Bắc Từ Liêm, chợ Gạch - huyện Phúc Thọ sau phản ánh có tình trạng bán thịt lợn giả làm thịt bò.

TP Hà Nội yêu cầu các ngành chức năng phải tập trung xử lý đúng quy định hiện hành, kể cả xử lý hình sự (nếu vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP theo quy định của pháp luật hình sự).

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu vừa ký công văn nêu rõ về quyết định này.

Thịt bò giả làm bằng cách ngâm thịt lợn, thịt trâu già trong huyết bò. Ảnh: CAND

Thịt bò giả làm bằng cách ngâm thịt lợn, thịt trâu già trong huyết bò. Ảnh: CAND

Cụ thể UBND TP giao Giám đốc Sở Y tế (Thường trực Ban chỉ đạo công tác ATTP TP) khẩn trương chủ trì, phối hợp liên ngành kiểm tra, xử lý ngay nội dung Đài Truyền hình Việt Nam nêu, báo cáo UBND TP trước ngày 8-10-2016. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, tiếp tục xử lý vi phạm trong thời gian tiếp theo đúng quy định pháp luật.

UBND TP giao Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y khẩn trương kiểm tra, xem xét trách nhiệm của cán bộ, viên chức thú y tại các chợ nêu trên, báo cáo UBND TP trước ngày 13/10/2016.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cần tổ chức Đoàn liên ngành kiểm tra ngay 3 chợ nêu trên, tập trung xử lý đúng quy định hiện hành, kể cả xử lý hình sự.

TP yêu cầu tổ chức kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm ngay các tập thể, cá nhân Chủ tịch UBND phường, xã liên quan và Trưởng Ban quản lý 3 chợ nêu trên về trách nhiệm để xảy ra vi phạm tại chợ trên địa bàn phường, xã.

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ phải báo cáo UBND TP trước ngày 15/10/2016. Quá thời hạn quy định nêu trên, nếu các đơn vị chưa tổ chức xử lý, báo cáo, UBND TP sẽ xem xét trách nhiệm Chủ tịch UBND quận, huyện.

UBND thành phố giao Giám đốc các Sở Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thành phố Hà Nội tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa bàn, các siêu thị, các chợ, nắm tình hình, tổ chức điều tra, phát hiện vi phạm nghiêm trọng để xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND 30 quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và thường xuyên có kế hoạch hàng tuần kiểm tra, thanh tra công tác này trên địa bàn; hàng tháng có báo cáo kết quả thực hiện.

Khi thái miếng, phần thịt bên trong sẽ có màu nhạt hơn ở ngoài, thịt không dính dao, có nước rỉ ra là thịt bò giả.

Trước đó, truyền thông phản ánh, người làm giả thịt bò chỉ cần lấy nhiều mỡ bò bôi vào làm miếng thịt hơi gây mùi. Với phần thịt cổ heo nái, khi thái ra để xào sẽ thấy gân như hoa thị, giống gân, bắp bò.

Màu thịt cũng biến đổi, không còn đỏ au mà trở nên nhợt nhạt thấy rõ. Thậm chí là màu nước cũng có sự thay đổi.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), "Những nguyên liệu làm thịt bò giả như thịt lợn sề, thịt trâu chết bằng cách tẩm ướp hóa chất, tạo màu… gây ảnh hưởng không ít đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng đó còn là những thiệt hại nặng nề về tiền bạc nữa”.

Nhiều tiểu thương còn biến hóa bằng cách sử dụng thủ thuật pha thịt sau khi giết mổ trâu, lợn sề bằng cách chọn những tảng thịt lớn, lọc không để sót chút mỡ nào, nhất là thịt trâu phải lọc hết những thớ gân trắng.

Để tránh mua phải thịt bò giả, chỉ cần dùng tay ấn vào miếng thịt, nếu đúng là thịt bò sẽ nhận thấy rõ sự đàn hồi của miếng thịt. Thịt bò thật có màu đỏ au hoặc hồng đậm tự nhiên, trong khi thịt bò giả có màu nhạt hơn, không đều màu, nhìn thiếu tự nhiên dù đã được tưới huyết bò lên trên. Thịt bò giả có mùi tanh, lạnh chứ không có mùi hôi nồng đặc trưng của thịt bò.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/ha-noi-quyet-liet-lam-ro-thit-lon-gia-thit-bo-3320391/