Hà Nội nhận công trình, không nhận cây:Kêu trời cũng phải...tiết kiệm

''Trước khi triển khai, chủ đầu tư đã trình bản vẽ thi công và các cơ quan liên quan của TP.Hà Nội đã chấp thuận theo phương án thiết kế như vậy''.

Được hoàn thành và đưa vào khai thác từ 8/1/2016, nhiều hạng mục tại hai tiểu dự án nút giao Trung Hòa và Thanh Xuân đã được các cơ quan của TP Hà Nội tiếp nhận quản lý.

Tuy nhiên, riêng hạng mục cảnh quan, Sở Xây dựng Hà Nội từ chối tiếp nhận với lý do không có kinh phí để duy trì.

Cây cảnh được trồng trong chậu tại các đảo giao thông nút giao Trung Hòa

Cây cảnh được trồng trong chậu tại các đảo giao thông nút giao Trung Hòa

Đúng thiết kế, nhưng...

Về việc này, ngày 1/11, Sở Xây dựng Hà Nội chính thức thông tin rằng, hiện nay chủ trương của UBND TP. Hà Nội là tiết kiệm kinh phí trong công tác duy tu, duy trì. Do vậy, hệ thống cây cảnh, thảm cỏ trên các tuyến đường về cơ bản phải đảm bảo điều kiện tự sinh trưởng, phát triển trên nền đất tự nhiên để tiết giảm kinh phí trong công tác chăm sóc, duy trì.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, với khối lượng cây cảnh trồng trong các chậu phải có điều kiện phải chăm sóc đặc biệt, (tưới nước, chăm sóc, cắt tỉa... định kỳ) nên để đảm bảo cây phát triển ổn định (nhất là vào mùa Hè, mùa Đông) thì kinh phí cho nhân công chăm sóc duy trì thường xuyên là rất lớn, ngân sách thành phố khó đáp ứng được.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Xây dựng đưa ra giải pháp, đề nghị Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị chủ trì cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, phối hợp với Ban Quản lý dự án Thăng Long, trên cơ sở hồ sơ hoàn công rà soát hiện trường cây cảnh, thảm cỏ được trồng trên nền đất tự nhiên thuộc hai dự án trên, để thống nhất khối lượng, giao Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội tiếp nhận quản lý, duy trì theo quy định.

Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long xem xét điều chỉnh để trồng cây xuống nền đất tự nhiên hoặc thu hồi khi đã thực hiện trang trí cảnh quan theo đúng quy định.

Trong khi đó, lý giải về các chậu cây cảnh được đặt tại hai nút giao trên, ông Phạm Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long khẳng định:

''Theo thiết kế được duyệt, khu vực hai nút giao được bố trí các đảo giao thông di động để điều chỉnh tổ chức giao thông linh hoạt nên không thể trồng cây trực tiếp dưới đất.

Các chậu cây cảnh, chậu hoa được sắp xếp trong các đảo để thuận tiện cho việc di chuyển, mở rộng hay thu hẹp các làn phương tiện ở từng thời điểm. Trước khi triển khai, chủ đầu tư đã trình bản vẽ thi công và các cơ quan liên quan của TP Hà Nội đã chấp thuận theo phương án thiết kế như vậy''.

Doanh nghiệp than khó

Về số lượng cây cảnh trồng trong chậu tại các đảo giao thông nút giao Trung Hòa, ông Vũ Đình Long - Phó trưởng phòng QLDA 1 (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, khu vực này có trên 100 nghìn chậu cây cảnh, kinh phí đầu tư khoảng 15,5 tỷ đồng, gồm: 63.300 chậu cây chuỗi ngọc (4 tỷ đồng), 83.200 chậu cây mắt nai (5 tỷ đồng), 1.700 chậu cây ngâu (600 triệu đồng), 6.300 chậu hoa giấy (1,2 tỷ đồng),…

Tương tự, tại nút giao QL6 – Thanh Xuân, ông Hoàng Đăng Tuân, Giám đốc Ban Điều hành dự án (liên danh nhà thầu Hanshin – CIENCO4) thông tin, kinh phí đầu tư hạng mục trồng cây cảnh ước tính gần 10 tỷ đồng, trong đó, 34.546 chậu cây cô yòng (2,4 tỷ đồng), 17.579 chậu cây tía tô cảnh (1,3 tỷ đồng), 42.980 chậu cây chuỗi ngọc,…

''Toàn bộ hồ sơ hoàn công, nghiệm thu đã hoàn tất, nhà tài trợ vốn cho dự án là JICA cũng đã thanh toán phần kinh phí hạng mục này cho các nhà thầu tại hai nút giao'', ông Long cho hay.

Cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc trên, một đại diện liên danh nhà thầu Hanshin – CIENCO4 cho biết: ''Cả hai gói thầu này hiện đã được đơn vị tư vấn phát hành chứng chỉ nhận bàn giao công trình. Vì vậy, theo quy định hợp đồng đã ký kết, nhà thầu đã hết trách nhiệm duy trì các hạng mục công trình, trong đó có hạng mục cảnh quan.

Tuy nhiên, thực tế, hiện nay, chúng tôi vẫn đang phải bỏ ra mỗi tháng hơn 100 triệu đồng để tưới nước, chăm sóc hệ thống cây cảnh, thảm cỏ ở hai nút giao này, bởi chỉ cần ngừng tưới vài ngày, toàn bộ các cây cảnh trồng trong chậu sẽ bị chết''.

Vị đại diện cũng băn khoăn rằng: ''Bây giờ, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu xem xét điều chỉnh xuống nền đất tự nhiên nhưng thực tế khu vực các đảo giao thông được thiết kế toàn là nền mặt đường bê tông nhựa, còn thu hồi, toàn bộ số cây cảnh biết chuyển đi đâu, kinh phí đã đầu tư sẽ quyết toán thế nào?''.

Thiên Bình (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-nhan-cong-trinh-khong-nhan-caykeu-troi-cung-phaitiet-kiem-3322118/