Hà Nội: Nhà cổ 160 năm được đền bù như... nhà cấp 4?

Gần đây, chúng tôi nhận được khiếu nại của Ông Lê Văn Chỉnh trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội về việc căn nhà cổ 5 gian của ông chỉ được đền bù với mức giá rất thấp...

Được biết, vào đầu năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án xây dựng đường Trần Đăng Ninh kéo dài với chiều dài dự kiến khoảng 256m và tổng mức đầu tư cho dự án này là 321,615 tỷ đồng.

Gia đình ông Lê Văn Chỉnh trú tại số 1, ngách 337/61, tổ 22 phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội nằm trong diện thu hồi nhà đất và được đền bù, hỗ trợ đến nơi tái định cư. Thế nhưng cho đến nay, phía gia đình ông Chỉnh và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Cầu Giấy vẫn còn nhiều khúc mắc. Nguyên nhân trong việc này được ông Chỉnh giải thích là gia đình ông không đồng ý với mức giá đền bù cho căn nhà cổ của mình là 501 triệu đồng.

Phóng viên đã đến nhà của ông Lê Văn Chỉnh để tìm hiểu sự việc. Theo thông tin ông Chỉnh cung cấp thì căn nhà của ông được xây dựng từ năm 1860. Đây là một ngôi nhà gỗ 5 gian, 2 trái nằm trên diện tích 774,9 m2. Phía trước căn nhà là tường hoa chắn mái được các kiến trúc sư người Pháp thiết kế và xây dựng vào năm 1929 theo lối kiến trúc của Pháp. Cổng dẫn vào nhà có hoa văn và chữ Hán đắp nổi. Sân và nền nhà được lát bởi gạch cổ. Những vật dụng trong nhà như tủ chè, giá sách để chữ nho cũng có tuổi đời lên đến hàng trăm năm.

Ông Lê Văn Chỉnh bên cạnh bức tường hoa chắn mái căn nhà cổ của mình.

Theo tìm hiểu, đơn vị thực hiện dự toán xác định các hạng mục công trình nằm trong chỉ giới GPMB thực hiện dự án xây dựng đường Trần Đăng Ninh kéo dài tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (trong đó có các hạng mục công trình của ông Lê Văn Chỉnh) là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng kiến trúc Tân Hưng (Công ty Tân Hưng). Đây là công ty có địa chỉ tại số nhà 51, khu tập thể cầu 1 Thăng Long, đường Phan Bá Vành, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Theo lời ông Chỉnh cũng như trong bản báo cáo mà Công ty Tân Hưng trình lên Ban bồi thường và GPMB quận Cầu Giấy thì phía công ty này đã làm việc một cách không minh bạch. “Khi đo đạc và báo cáo lên cấp trên, họ đã cố tình bỏ qua các yếu tố cổ của ngôi nhà 5 gian mà tôi đang ở. Trong bản báo cáo, họ chỉ ghi đây là ngôi nhà gỗ, lợp ngói chứ không nói rõ là nhà cổ, vì thế tôi không đồng ý giá đền bù là 501 triệu đồng cho căn nhà này, chẳng khác nào giá nhà cấp 4”, ông Lê Văn Chỉnh bức xúc.

Bản báo cáo các hạng mục công trình nhà ông Chỉnh mà Công ty Tân Hưng trình lên quận Cầu Giấy.

Cũng theo lời ông Chỉnh, ông đã nhiều lần kiến nghị về việc này đối với Công ty Tân Hưng và Ban bồi thường GPMB quận Cầu Giấy, và mỗi lần như thế thì ông lại được “hỗ trợ” thêm một khoản tiền. Lần thứ nhất, ông Chỉnh nhận được quyết định bổ sung phương án bồi thường hỗ trợ vào ngày 28/4/2016 đi kèm số tiền là 18.595.264 đồng, lần thứ hai vào ngày 25/7/2016 và số tiền là 66.628.924 đồng.

Bên cạnh đó, ông Chỉnh còn cho biết, khi Công ty Tân Hưng đến nhà ông để thực hiện đo đạc, xác định các hạng mục công trình thì người của công ty này đã “đếm đi đếm lại” đến vài lần nhưng vẫn thiếu số cột và “bỏ quên” máng chảy nước mưa của phần mái ngôi nhà cổ.

Liệu những sai sót này của Công ty Tân Hưng chỉ là ngẫu nhiên hay vì mục đích nào đó?

Trong bản vẽ sơ đồ nhà đất mà ông Lê Văn Chỉnh cho phóng viên xem có chữ ký và dấu của thẩm phán tòa án nhân dân thành phố Hà Nội năm 2008 có ghi rõ căn nhà ông Chỉnh đang ở là “nhà cổ 5 gian”. Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với cơ quan chức năng Quận Cầu Giấy để làm rõ vấn đề này song vị Chánh văn phòng quận Cầu Giấy là bà Phan Thị Thu Hà liên tục bận họp.

Tiếp tục tìm đến Công ty Tân Hưng, phóng viên cũng liên hệ nhiều lần nhưng không thể gặp được người đại diện, số điện thoại của công ty này cũng không thể liên lạc, mặc dù đã nhờ người dân gần đó thông tin lại cho công ty rằng có phóng viên đến liên hệ làm việc và để lại số điện thoại nhưng phía Công ty Tân Hưng vẫn không có hồi âm.

Sơ đồ nhà đất ghi rõ “nhà cổ 5 gian” của thẩm phán tòa án nhân dân TP.Hà Nội.

Khi được hỏi về quan điểm của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội về vụ việc trên, ông Phạm Tuấn Anh, Chánh Văn phòng Sở cho biết: “Chúng ta đều hiểu với nhau rằng, căn nhà của ông Lê Văn Chỉnh là nhà cổ, thế nhưng vẫn cần có sự thẩm định và văn bản công nhận nhà cổ của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Về việc này thì cá nhân ông Chỉnh phải có đơn và Quận Cầu Giấy phải có văn bản đề nghị chúng tôi cử chuyên gia xuống thẩm định”.

Vụ việc sẽ được chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và thông tin.

Doanh Chính/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/ha-noi-nha-co-160-nam-duoc-den-bu-nhu-nha-cap-4-p41871.html