Hà Nội nâng cao năng lực điều hành, quản lý của chính quyền cấp xã

* Thanh Hóa ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng biển Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội vừa thông qua Chương trình "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và đội ngũ đảng viên, năng lực điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011-2015".

Thành phố phấn đấu xây dựng Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh; đổi mới công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, năng lực điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền, trọng tâm là chính quyền cấp xã, phường, thị trấn và các sở, ngành của thành phố; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, có trình độ chuyên môn, năng lực hoạt động thực tiễn. Các chỉ tiêu thành phố đặt ra đến năm 2015 là: hơn 35% số cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ chuyên môn sau đại học; 100% số cán bộ chủ chốt phường, thị trấn và hơn 80% số cán bộ chủ chốt xã có trình độ đại học. Hằng năm, hơn 75% số tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; 70% số đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ... Để thực hiện mục tiêu này, thành phố triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, gắn với thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Rà soát, kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức đảng đồng bộ với các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn. Đặc biệt quan tâm sắp xếp mô hình tổ chức đảng ở địa bàn dân cư, tổ dân phố và trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đổi mới, tạo bước đột phá trong công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, hoàn thiện các cơ chế chính sách về quản lý kinh tế, xây dựng đô thị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. MTTQ và các đoàn thể nhân dân đổi mới phương thức hoạt động, củng cố, kiện toàn tổ chức, hướng mạnh về cơ sở. Nghiên cứu, thành lập các đoàn thể nhân dân ở các loại hình doanh nghiệp ngoài công lập và ở khu dân cư, tổ dân phố; tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả... Phát triển kinh tế - xã hội vùng biển là một trong năm chương trình trọng tâm của Tỉnh ủy Thanh Hóa, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17. Mục tiêu là, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong vùng lên 29%/năm, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trong năm năm đạt 200 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt từ 55% trở lên, mỗi năm giảm ít nhất 4% số hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 2.700 USD... Để đạt mục tiêu đề ra, Thanh Hóa đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Trọng tâm là rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy hoạch, như quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển rừng ngập mặn, phát triển nuôi trồng thủy sản, gắn với quy hoạch các điểm dân cư nông thôn, khu đô thị, các khu công nghiệp, khu làng nghề; có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các ngành, các lĩnh vực. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng biển đồng bộ và từng bước hiện đại, nhất là hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn để khu kinh tế này trở thành đầu tầu tăng trưởng kinh tế của tỉnh và khu vực bắc miền trung. Phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành cơ bản hệ thống cảng biển trong vùng theo hướng gắn kết với đường bộ, đường thủy, tạo mạng lưới giao thông liên hoàn bao gồm cảng biển, kho bãi, hàng hải; xúc tiến xây dựng đội tàu vận tải biển để mở rộng giao thương quốc tế và du lịch biển. Đến năm 2013, hoàn thành cảng phục vụ Dự án lọc hóa dầu; trong năm năm tới xây dựng 16 bến cảng, trong đó có hai bến công-ten-nơ, nâng công suất thông qua cảng lên 23 triệu tấn/năm. Nâng cấp, mở rộng các cảng Lễ Môn, Lạch Hới, Hàm Rồng; triển khai xây dựng cảng Quảng Châu... Tỉnh cũng tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản: nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Lèn, hệ thống cấp nước tưới và sinh hoạt cho một số vùng thuộc các huyện Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống đê lấn biển ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, các công trình phòng, chống thiên tai. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, nhiệt điện, luyện kim, cơ khí chế tạo, du lịch, thủy sản, tạo động lực phát triển lan tỏa cho toàn vùng. Tăng cường bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên theo hướng bền vững, chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc vùng biển Tổ quốc.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/ha-n-i-nang-cao-n-ng-l-c-i-u-hanh-qu-n-l-c-a-chinh-quy-n-c-p-x-1.304003