Hà Nội muốn trồng phượng tím: Khó nói bao giờ ra hoa

Hà Nội hoàn toàn có thể trồng được phượng tím nhưng bao giờ cây cho hoa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Liên quan đến thông tin sắp tới Hà Nội có thể trồng thêm phượng tím, GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cho biết, Viện Khoa học Lâm nghiệp đã từng trồng thử 2 cây phượng tím vào khoảng năm 2007-2008 nhưng cây chậm ra hoa.

"Lý do là chúng tôi trồng cây nhỏ nên cây chưa đến tuổi ra hoa. Hai năm trở lại đây, hai cây phượng tím này mới ra hoa".

Về lượng hoa nhiều hay ít, theo GS.TS Lê Đình Khả, điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố: cây cụ thể, ánh sáng của từng nơi trồng...

Phượng tím có cành lá thưa nhưng hoa nở dày, thành từng chùm rất đẹp

"Đối với hoa, ánh sáng rất quan trọng. Nếu trồng cây ở nơi ít sáng sẽ cho ít hoa và ngược lại. Như cây hoa giấy ở Bình Thuận, được trồng ở nơi nhiều ánh sáng nên hoa rất nhiều, màu hoa rực rỡ", ông nói.

Vị chuyên gia lâm nghiệp khẳng định, tại Việt Nam, Đà Lạt trồng phượng tím nhiều nhất và nếu như Hà Nội muốn trồng phượng tím thì hoàn toàn có thể trồng được, thành phố sẽ có thêm nhiều màu sắc.

Tại Đà Lạt, phượng tím ra hoa vào tháng 2, tháng 3, còn nếu trồng ở Hà Nội cây có thể ra hoa vào dịp tháng 3, tháng 4, trước hoa phượng vĩ (phượng đỏ).

Cũng theo GS.TS Lê Đình Khả, phượng tím và phượng vĩ thuộc hai họ khác nhau. Phượng tím thuộc họ Đinh, còn phượng vĩ thuộc họ Đậu nên cho hoa khác nhau. Hoa phượng tím rất đẹp, cho nhiều hoa. Hoa có hình ống dài 4–5 cm, từng chùm màu tím, hình chuông, cánh hoa mềm mại. Còn hoa phượng vĩ có cánh lớn, với 4 cánh hoa tỏa rộng màu đỏ tươi hay đỏ hơi cam, dài tới 8 cm, còn cánh hoa thứ năm mọc thẳng, cánh hoa này lớn hơn một chút so với 4 cánh kia và lốm đốm màu trắng/vàng hoặc cam/vàng (cũng có khi trắng/đỏ).

Phượng tím vốn không có ở Việt Nam mà có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thích hợp với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, do đó trồng ở Đà Lạt hay Hà Nội đều được. Cây này du nhập vào Đà Lạt từ những năm đầu thập kỷ 1970.

Trong khi đó, phượng vĩ được coi như cây bản địa và được trồng rộng rãi ở Việt Nam. Hải Phòng được gọi là thành phố Hoa phượng đỏ khi phượng vĩ được trồng ở khắp nơi trong thành phố.

Trước ý kiến cho rằng trồng phượng tím khó hơn phượng vĩ, GS.TS Lê Đình Khả cho rằng điều này có phần đúng bởi phượng tím đang còn là loài cây mới nên chúng ta chưa quen.

"Bây giờ Hà Nội mới trồng phượng tím, khi nào có hoa thì chưa biết bởi còn tùy thuộc vào cây to - cây nhỏ, trồng nơi nhiều - ít ánh sáng...", ông nói.

Về ý kiến không nên trồng phượng trên dải phân cách, theo ông Khả, dải phân cách đã được xác định từ lâu nên chuyện này không thành vấn đề. Hơn nữa, dải phân cách trong thành phóp khác với trên quốc lộ. Nếu trồng phượng ở dải phân cách trên quốc lộ thì không nên mà nên chọn cây có tán gọn, không ảnh hưởng đến đi lại. Trong thành phố cần bóng râm nên có thể trồng phượng, chỉ có điều khi trồng thì lưu ý chọn cây đều và trồng với mật độ vừa phải.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-muon-trong-phuong-tim-kho-noi-bao-gio-ra-hoa-3314699/