Hà Nội: Loa phường đã hết sứ mệnh phát hàng ngày tại 4 quận nội thành

Trên địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, UBND TP.Hà Nội cho biết chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của Trung ương và TP.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký phê duyệt đề án "Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội". Thời gian thực hiện trong năm 2017 và 2018.

Theo đề án này, việc thực hiện sắp xếp lại hệ thống loa truyền thanh phường, xã, thị trấn theo hướng hiệu quả, tối ưu, phân bổ hợp lý, đặt tại địa điểm công cộng, đông dân cư, tránh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, trật tự mỹ quan đô thị.

Đối với các phường thuộc các quận, duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa). Vị trí các cụm loa do UBND quận căn cứ điều kiện thực tế của địa bàn để lựa chọn, quyết định và gửi Sở Thông tin và Truyền thông danh sách, sơ đồ vị trí cụm loa để tổng hợp.

“Trừ các cụm loa được lựa chọn duy trì, hệ thống loa truyền thanh phường còn lại được giữ nguyên trạng và tạm dừng phát thanh. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp UBND các quận theo dõi, đánh giá hiệu quả, báo cáo UBND thành phố quyết định phương án sắp xếp chính thức”, quyết định nêu.

Thành phố cũng yêu cầu, sau khi sắp xếp, cụm loa phải tránh các vị trí trường học, bệnh viện, cơ quan ngoại giao, khu người cao tuổi, khu người nước ngoài sinh sống, khu nhà cao tầng…

Về nâng cao chất lượng, hiệu quả và đổi mới hoạt động của đài truyền thanh phường, xã, thị trấn, trên địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, UBND TP.Hà Nội chỉ đạo chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của Trung ương và TP.

Trên địa bàn các quận còn lại, đài truyền thanh phường chỉ phát thông tin có liên quan đến dân cư trên địa bàn, cụ thể tin địa phương như công việc chung của phường; vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố; biểu dương, khen thưởng người tốt - việc tốt với cá nhân, tập thể trên địa bàn...

Địa bàn các huyện, thị xã thực hiện tiếp sóng đài cấp trên và phát thông tin có liên quan đến dân cư trên địa bàn (như nội dung thông tin đối với đài phường thuộc các quận).

Cùng với đó, thành phố sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới hình thức tuyên truyền như: lắp đặt bảng tin điện tử tại các khu vực công cộng và khu chung cư cao tầng; nhắn tin tới số thuê bao điện thoại nội dung chỉ đạo, điều hành TP; thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phục vụ công tác thông tin cơ sở, từng bước thay thế hệ thống đài truyền thanh tại các phường thuộc quận nội thành...

Thời gian phát được quy định tối đa 2 buổi (sáng, chiều) một ngày, 5 ngày/tuần (thứ 7, Chủ nhật chỉ phát trong trường hợp đặc biệt) và thời lượng tối đa 15 phút/buổi.

Hệ thống loa tại các địa bàn này thực hiện tiếp sóng đài cấp trên và phát thông tin có liên quan đến dân cư trên địa bàn (như nội dung thông tin đối với đài phường thuộc các quận).

Tại các địa bàn giáp ranh, phường xã thị trấn phải trao đổi thống nhất vị trí cụm loa, thời gian phát thanh để không chồng lấn nội dung, gây bức xúc cho người dân.

Việc sắp xếp lại hoạt động của các loa phường được nhiều người dân đồng tình. TS Vũ Thế Long, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội UNESCO Hà Nội, một chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực bảo vệ môi trường cho biết rất hoan nghênh quyết định này của Hà Nội.

Trước đó, trong Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằngloa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Đến giai đoạn hiện nay, chúng ta cần đánh giá, rà soát lại hoạt động của loa phường, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi.

Trước đó, cuộc khảo sát lấy ý kiến người dân về loa phường qua Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội cho thấy, có 3.149 lượt tham gia bình chọn thể hiện quan điểm bỏ hay giữ lại loa phường, trong đó 89,65% lượt ý kiến cho rằng không cần thiết duy trì hoạt động loại hình thông tin này.

Thống kê kết quả khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng cho thấy ở câu hỏi về việc cập nhật thông tin theo hình thức nào, có tới 45,09% trong tổng số 3.113 bình chọn của người dân cho rằng họ cập nhật thông tin trên mạng Internet; nghe đài truyền thanh cơ sở 3,97%; đọc bản tin thông tin cơ sở 1,56%; xem tờ rời, tờ gấp, poster treo tường…1,52%; dự các buổi cung cấp thông tin của báo cáo viên, tuyên truyền viên thông tin cơ sở 0,98%; đọc bảng tin công cộng tại địa phương2,50%; đọc báo (báo in) 10,48%; xem tivi 10%; nghe đài 6,81%.

Trong khi đó, ở câu hỏi về nội dung trên đài truyền thanh cơ sở có thuyết phục không, tỷ lệ trả lời có là 10,08% trong khi câu trả lời không là 89,92% (tổng số 2.996 bình chọn).

Hoài Phong

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/ha-noi-loa-phuong-da-het-su-menh-phat-hang-ngay-tai-4-quan-noi-thanh-68657.html