Hà Nội là 'vùng trũng' về cơ giới hóa trong nông nghiệp

Có hạn chế này là do địa phương chưa hoàn thành dồn điển đổi thửa, dẫn đến sản xuất manh mún nhỏ lẻ, thiếu tính tập trung…

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giúp giảm sức lao động cho nông dân. Ảnh minh họa: Vũ Sinh – TTXVN

Hà Nội là "vùng trũng" về cơ giới hóa trong nông nghiệp là nhận xét của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ông Ngô Đại Ngọc tại hội nghị "Tổng kết đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2016 và định hướng đến năm 2020", tổ chức ngày 28/11.

Theo ông Ngọc, hạn chế trên là do địa phương chưa hoàn thành dồn điển đổi thửa, dẫn đến sản xuất manh mún nhỏ lẻ, thiếu tính tập trung…

Những năm trước đây, cụ thể là năm 2013, Hà Nội đã phê duyệt Đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thành phố đến năm 2016 và định hướng đến năm 2020. Đề án này cũng phần nào làm thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người dân, giảm chi phí và tăng năng suất lao động. Tuy nhiên còn ở mức nhỏ lẻ.

Ông Vũ Đình Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất cho biết: “Qua hai vụ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tại xã Hương Ngải đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng máy móc vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy đến thu hoạch đã giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân. Chỉ tính riêng chi phí cho các khâu dịch vụ, người nông dân giảm được 28%, tiết kiệm 180.000 đồng/sào so với thực hiện dịch vụ kiểu truyền thống”.

Hà Nội đã phê duyệt Đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thành phố đến năm 2016 và định hướng đến năm 2020. Ảnh minh họa: Vũ Sinh – TTXVN

Theo đánh giá của Trung tâm khuyến nông Hà Nội, trung bình 1 ngày, 1 máy cấy 4 hàng cấy được 1ha, tương đương 30 người cấy lúa theo truyền thống. Việc sử dụng máy cấy giúp cấy thưa nên lúa đẻ sớm, đẻ khỏe, tập trung, bông lúa to, dài. Năng suất cao hơn lúa cấy theo truyền thống từ 10 – 15%, lợi nhuận trên 2 triệu đồng/ha, giảm chi phí sản xuất từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/ha. Mặt khác, cấy thưa tạo điều kiện để ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh cũng như ô nhiễm môi trường.

Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2016, thành phố nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo, cấy lên 20%. Tuy nhiên, toàn thành phố mới có 272 máy cấy, tỷ lệ là 2,55%, chỉ bằng 12,7% so với kế hoạch. Đánh giá về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp ở Hà Nội còn thấp so với cả nước và một số tỉnh lân cận; chưa mang tính đồng bộ; rời rạc từng khâu: làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch.

Đặc biệt, trong khâu gieo cấy, tỷ lệ ứng dụng khoa học kỹ thuật còn thấp; nông dân không nắm rõ phương pháp vận hành máy. Thậm chí, khi gieo mạ bằng máy, nhiều nơi không có đủ diện tích đặt khay mạ, phải hợp tác, liên kết với các hộ khác. Hơn nữa, cách canh tác nông hộ theo quy mô nhỏ khiến việc đầu tư, sử dụng loại máy có công suất lớn cũng như vấn đề hợp tác về sản xuất, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn, hầu hết chưa được đào tạo trong việc sử dụng máy, thiết bị. Cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp chưa được hình thành tại các địa phương.

Nói về vấn đề này, ông Ngô Đại Ngọc cho biết, khoảng 1 năm trở lại đây, việc cơ giới hóa bị chững lại, diễn ra cầm chừng. Cơ giới hóa mới chỉ tập trung vào các loại máy móc trồng trồng trọt. Thời gian tới, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến mô hình chăn nuôi tập trung, đồng thời phát triển dịch vụ phục vụ cơ giới hóa.

Để làm được điều này phải thay đổi quan hệ sản xuất theo hướng tập trung và liên kết chuỗi, đặc biệt vấn đề là dồn điền đổi thửa cần được ưu tiên. Khi thay đổi quan hệ sản xuất thì cơ giới hóa sẽ tự động tiến vào nông nghiệp.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ha-noi-la-vung-trung-ve-co-gioi-hoa-trong-nong-nghiep/29583.html