Hà Nội: Kiến ba khoang tấn công HH Linh Đàm

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở khu HH bán đảo Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) liên tục bị kiến ba khoang tấn công. Hiện chưa có giải pháp triệt để nào giúp người dân phòng tránh hiệu quả loại côn trùng này.

Khu HH bán đảo Linh Đàm.

Cần có giải pháp triệt để…

Chị Nguyễn Thị Loan ở tầng 11 HH3C chia sẻ, cả nhà chị bị kiến ba khoang cắn. Vết thương phồng rộp, đau rát và rất khó chịu. Ban đầu chị tưởng là bị zona thần kinh, bôi thuốc mãi không khỏi. Khi phát hiện trên tường trong phòng ngủ và nhà tắm nhiều kiến ba khoang, đặc biệt những nơi ẩm ướt hoặc nơi bóng điện có ánh sáng trắng, chị mới tá hỏa…vết thương đó là do kiến ba khoang cắn.

“Nhà có em bé mới sinh hơn 3 tháng cũng bị kiến cắn vào đầu. Dù bôi hồ rồi nhưng tôi vẫn không yên tâm. Gia đình đã sử dụng các loại xịt côn trùng diệt kiến, mối, gián nhưng đây là loại có cánh, di chuyển nên diệt hôm trước, hôm sau con khác lại bay vào nhà. Nhà tôi cũng không thể đóng cửa kín mít suốt đêm nên cũng không biết phải sử dụng giải pháp nào triệt để” - chị Loan cho hay.

Đồng cảnh ngộ với gia đình chị Loan, nhà chị Minh cùng nhiều hộ dân ở khu HH cũng bị kiến ba khoang tấn công tương tự. Chị Minh cho biết: Khi phát hiện nhà có kiến ba khoang, cả nhà dọn dẹp và bắt kiến nhưng hôm sau con khác lại xuất hiện. Kiến bò trên giường ngủ, các vật dụng trong nhà, thậm chí bò vào cả cốc, bình đựng nước nên rất nguy hiểm. Hiện nhiều hộ dân chúng tôi chưa có giải pháp triệt để nào để tiêu diệt loại côn trùng này. Rất mong bên y tế có giải pháp giúp chúng tôi phòng tránh kiến ba khoang đốt, nhất là cho các em nhỏ.

Xung quanh khu bán đảo Linh Đàm là hồ nước ẩm ướt, lại vẫn có những công trình xây dựng chuẩn bị hoàn thiện, vài khu đất trống. Đó là nơi lý tưởng của kiến ba khoang cư trú. Đây cũng là thời điểm kiến ba khoang sinh nở, đi tìm nơi trú ẩn mới. Trong quá trình di chuyển, kiến thường lao vào nơi có ánh sáng trắng để đậu vào.

Độc chứ không đơn giản…

Theo tài liệu của các chuyên gia nghiên cứu thì phần bụng kiến ba khoang có 2 tuyến độc chứa chất pederin, pederin độc gấp 10 lần độc tố của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc với nọc kiến nhỏ và chỉ ngoài da nên không gây chết người.

Kiến ba khoang. (Ảnh: Internet)

Khi tiếp xúc với da người, kiến ba khoang tiết ra chất pederin để phòng vệ, gây hiện tượng phồng rộp, rát. Nếu bị tấn công ở mắt sẽ gây ra hiện tượng mù tạm thời. Ngoài ra, trên phần da bị nọc độc của kiến tấn công xuất hiện nhiều loại vi khuẩn gây hại, tạo nên chất kích ứng da phồng rộp khi tiếp xúc như một hiện tượng của cơ thể người để phòng vệ.

Kiến ba khoang cắn để lại vết thương đỏ, sau đó phồng rộp và đau rát, rất khó chịu. Có thể sử dụng một số loại thuốc bôi nhưng cũng phải kéo dài 1 tuần vết thương mới lành. Với những vết thương, hãy bôi các thuốc như hồ nước để làm dịu da, hồ Tetra – pred, với tổn thương khô dùng kem kháng sinh kết hợp chống viêm theo đúng liều lượng như chỉ dẫn. Tuy nhiên, nếu bôi thuốc vẫn không giảm nhanh triệu chứng xuất hiện kèm tổn thương lan rộng, bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được chẩn đoán tránh nhiễm trùng.

Thảo Như

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/suc-khoe/ha-noi-kien-ba-khoang-tan-cong-hh-linh-dam.html