Hà Nội: Không thể 'xé rào' trong việc chuyển đổi mô hình Thanh tra xây dựng

Sau 5 năm hoạt động thí điểm theo Quyết định 89/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Thanh tra xây dựng được “chính quy” hóa sau Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành xây dựng. Thế nhưng sau vài năm hoạt động, lực lượng này đang được Hà Nội đánh giá “chưa hiệu quả” và lại được “trả” về cho UBND các quận huyện với tên gọi “Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã”.

Đã “trả lại tên cho em”

Có thể thấy, từ khi thực hiện Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành xây dựng, lực lượng Thanh tra xây dựng thuộc các quận, huyện, thị xã được sát nhập, hoạt động chính quy cùng với hệ thống Thanh tra do Sở Xây dựng Hà Nội quản lý.

Sau khi Nghị định số 26/2013/NĐ-CP được ban hành, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 46/2013/QĐ-UBND về việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội. Trong quá trình hoạt động hàng năm, Hà Nội đều tổ chức những đợt đánh giá tổng kết, về mô hình hoạt động. Theo đó, sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị định số 26/2013/ND-CP về tổ chức và hoạt động Thanh tra Xây dựng và Quyết định số 46/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về kiện toàn tổ chức hoạt động của Thanh tra Xây dựng Hà Nội, cũng như Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận, huyện, thị xã, phường, xã, công tác quản lý trật tự xây dựng đã dần đi vào nề nếp.

Thanh tra xây dựng đã góp phần làm số vụ vi phạm trật tự xây dựng theo từng năm, tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng ở quy mô lớn không còn xảy ra.

Có thể thấy, công tác quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nôi đã phát huy hiệu quả, công tác Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra hành chính có những bước chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả. Những việc đã làm được của Thanh tra xây dựng là tình trạng số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm theo từng năm, số tiền phạt thu hồi về cho Ngân sách tăng cao, những vi phạm về trật tự xây dựng ở quy mô lớn không còn xảy ra, mà các vi phạm chỉ tập trung ở một vài công trình dân sinh.

Tuy nhiên, công tác quản lý trật tự xây dựng luôn diễn biến phức tạp, nhiều công trình vi phạm xây dựng vẫn được nhân dân, báo chí, có quan chức năng phát hiện. Yêu cầu đòi hỏi cần phải có biện pháp hữu hiệu, nhằm hạn chế, giảm bớt được tình trạng vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua.

Mặc dù mô hình Thanh tra xây dựng đang hoạt động đúng luật, phù hợp với các quy định của Nghị định số 26/2013/ND-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Thanh tra xây dựng; tuy nhiên có lẽ do “bức thiết” Hà Nội đành phải chuyển lực lượng Thanh tra này “trả” về cho UBND các quận, huyện, thị xã điều hành toàn diện.

Theo đó, ngày 20/7/2016 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3973/QĐ-UBND về việc giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội Thanh tra xây dựng địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng.

Cũng tại Quyết định này, từ ngày 1/9 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã: Rà soát, đánh giá công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, đề xuất thành phố mô hình quản lý hiệu quả; trực tiếp chỉ đạo, điều hành Đội Thanh tra xây dựng địa bàn, kiểm tra, phát hiện, đề xuất xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Sở Xây dựng hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý biên chế của lực lượng này. Chánh Thanh tra Sở Xây dựng chỉ đạo hoạt động của lực lượng thanh tra Sở Xây dựng.

Sở Xây dựng Hà Nội chỉ chịu trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; quản lý biên chế và chế độ tiền lương của lực lượng Thanh tra xây dựng theo Luật Thanh tra. Chánh Thanh tra Sở Xây dựng chỉ đạo hoạt động của lực lượng cán bộ, công chức, thanh tra viên của Thanh tra Sở Xây dựng theo quy định của pháp luật.

Có trái với quy định?

Không chỉ giao quyền điều hành các Đội Thanh tra xây dựng tại các quận, huyện cho UBND các quận, huyện, thị xã mà Hà Nội còn định chuyển cả con người (bộ máy, tiền lương) về cho chính quyền địa phương quản lý. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đang tổ chức triển khai thí điểm phương án chuyển giao Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã (trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng) về trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã và đổi tên thành “Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã”.

Theo Ban pháp chế HĐND thành phố Hà Nội, đối chiếu với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cán bộ phòng Quản lý đô thị có quyền lập biên bản vi phạm trật tự xây dựng đô thị - chức năng hoạt động như hiện tại mà thanh tra xây dựng đang thực hiện, đó là được quyền kiểm tra, lập biên bản, thiết lập hồ sơ vi phạm và kiến nghị UBND các cấp xử lý. Vì vậy, việc kiến nghị bàn giao toàn bộ biên chế đội ngũ TTXD vào phòng Quản lý đô thị các quận, huyện là hợp lý.

Tuy nhiên trước đó, ngày 16/01/2017, UBND thành phố Hà Nội gửi công văn xin ý kiến Bộ Xây dựng về việc chuyển giao Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng về trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã và đổi tên thành Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho rằng: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (viết tắt là Nghị định số 37/2014/NĐ-CP) và Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BXD-BNV ngày 16/11/2015 của Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về các lĩnh vực quản lý Nhà nước thuộc ngành Xây dựng không quy định mô hình Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã.

Vì vậy, chính quyền thành phố Hà Nội có thể lập Đề án đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập mô hình này. Đề án phải làm rõ mô hình tổ chức, vị trí, chức năng của lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn, các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể khi thực hiện chức năng quản lý trật tự xây dựng đô thị, các nhiệm vụ cụ thể khác ngoài quản lý trật tự xây dựng đô thị (nếu có).

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu: UBND thành phố Hà Nội vẫn phải tổ chức lực lượng Thanh tra xây dựng để quản lý các địa bàn theo quy định của Nghị định số 26/2013/NĐ-CP, trên cơ sở rà soát, giữ lại những trường hợp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thanh tra viên để làm nòng cốt của Thanh tra Sở Xây dựng. Quản lý trật tự xây dựng vẫn là nhiệm vụ của Thanh tra xây dựng tại các địa bàn. Trong Đề án cần làm rõ trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng, mối quan hệ giữa Thanh tra Sở Xây dựng, lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện và UBND cấp huyện.

Mặc dù đã có hướng dẫn rất cụ thể từ Bộ Xây dựng, tuy nhiên UBND thành phố Hà Nội vẫn “phớt lờ” quy định. Theo đó, Nghị định số 26/2013/ND-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Thanh tra xây dựng vẫn còn hiệu lực; Quyết định số 46/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về kiện toàn tổ chức hoạt động của Thanh tra Xây dựng Hà Nội vẫn chưa được thay thế; Quyết định số 3973/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội đã quy định rõ việc Sở Xây dựng Hà Nội chịu trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; quản lý biên chế và chế độ tiền lương của lực lượng Thanh tra xây dựng theo Luật Thanh tra, nhưng hiện nay toàn bộ tiền lương, phụ cấp của các Đội Thanh tra xây dựng được tạm dừng chi trả và thay vào đó là UBND các quận, huyện tạm ứng tiền chi lương cho các lực lượng này.

Theo các văn bản hiện hành của Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội vẫn là cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; quản lý biên chế đối với các Đội Thanh tra xây dựng các quận huyện, thị xã, thế nhưng tại huyện Quốc Oai một cán bộ là Đội phó Đội Thanh tra xây dựng vẫn được UBND huyện “tự động” bổ nhiệm sang làm lãnh đạo Ban quản lý dự án huyện mà không hề có báo cáo với Thanh tra Sở Xây dựng?

Vũ Chiến

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/ha-noi-khong-the-xe-rao-trong-viec-chuyen-doi-mo-hinh-thanh-tra-xay-dung.html