Hà Nội: Giảm ùn tắc giao thông phải hạn chế được phương tiện cá nhân

Đây là một trong những giải pháp đã được nhiều chuyên gia, nhà khoa học phân tích, đưa ra tại Hội thảo “Đề xuất các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội” do Sở GTVT Hà Nội tổ chức sáng ngày 30/11.

Hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Với vai trò là trung tâm kinh tế văn hóa quan trọng của cả nước, tuy nhiên, thực trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã và đang gây những thiệt hại lớn cho nền kinh tế thông qua nhiều tác động xấu như giảm hiệu suất làm việc, lãng phí thời gian, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông như đẩy mạnh cải tạo phát triển cơ sở hạ tầng; Tăng cường công tác duy tu, bảo trì hệ thống đường giao thông.... Tuy nhiên, trước tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện cá nhân, trong khi cơ sở hạ tầng GTVT còn thiếu và chưa hoàn thiện đã khiến Thành phố Hà Nội phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn nạn ùn tắc giao thông. Do vậy, cần phải có nhiều giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu thực trạng này.

Th.S Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm Phát triển giao thông đô thị & nông thôn, Viện Chiến lược và phát triển GTVT nhận định, việc gia tăng thiếu kiểm soát của các phương tiện cá nhân tại Hà Nội chính là nguyên nhân căn bản khiến cho thực trạng ùn tắc giao thông trở nên nghiêm trọng.

Việc gia tăng thiếu kiểm soát của các phương tiện cá nhân chính là căn nguyên khiến cho UTGT tại Hà Nội trở lên nghiêm trọng.

Theo số liệu của Công an TP. Hà Nội, năm 2015 trên địa bàn thành phố có 546.057 ô tô các loại, trong đó 368.665 ô tô con; 5.045.672 xe máy... Căn cứ vào số liệu ở thời điểm tháng 7/2016 tại 21 nút giao thông chính tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô thì tỷ lệ ô tô con chiếm 14,38% lượng phương tiện nhưng chiếm tới 42,18% diện tích mặt đường. Tỷ lệ chiếm dụng mặt đường của ô tô xe máy tại khu vực các nút giao xấp xỉ nhau (ô tô chiếm 42,18%, xe máy chiếm 43,62%), số còn lại là xe buýt và các loại xe khác. Như vậy, có thể thấy chiếm dụng mặt đường chủ yếu là do phương tiện cá nhân (chiếm 85,8%).

Th.S Phạm Hoài Chung cũng cho rằng, nếu không có sự kiềm chế, với tốc độ tăng trưởng của xe cá nhân như hiện nay, đến năm 2030, loại hình phương tiện này sẽ khiến hạ tầng thành phố quá tải từ 7,5 - 10,7 lần. Do vậy, các ngành chức năng phải sớm có biện pháp quyết liệt để tăng cường quản lý phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô.

Đại diện Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt cũng đưa ra nhận định, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân đang khiến cho hạ tầng giao thông quá tải. Hiện tổng số lượng phương tiện trên địa bàn là 5,9 triệu phương tiện và mỗi ngày thành phố có trên 200 phương tiện ô tô được đăng ký mới...Thực tế này cũng cho thấy, cần nhanh chóng phải có biện pháp hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân.

Chia sẻ các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, ông Takagi Michimasa, chuyên gia tư vấn cao cấp Nhật Bản chia biết:Việc hạn chế các phương tiện cá nhân là một giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông đô thị. Điều này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tại Nhật Bản, các biện pháp hạn chế phương tiện được đánh vào kinh tế hoặc biện pháp có sự tác động của các công ty, tổ chức được lựa chọn để sử dụng nhiều hơn là biện pháp hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân. Cụ thể như: thu phí đỗ xe trong nội đô với giá rất cao; các cơ quan chính phủ cấm nhân viên đi làm bằng phương tiện cá nhân, hỗ trợ họ đi lại bằng phương tiện công cộng...

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt trong đó có giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội phân tích: Kinh nghiệm các nước trên thế giới đều thấy rõ, một thành phố văn minh phát triển là thành phố đáp ứng nhu cầu đi lại bằng các phương tiện có sức chứa lớn, hạn chế ô nhiễm môi trường, trong đó lực lượng vận tải hành khách công cộng đóng vai trò chủ lực. Tuy nhiên, tại Việt Nam, dịch vụ vận tải này lại chưa được quan tâm đúng mức.

Tại Hà Nội, địa bàn thành phố hiện có 92 tuyến xe buýt được quản lý khai thác bởi 8 doanh nghiệp, mạng lưới đã đáp ứng cơ bản được tuyến vành đai 3, nhưng chưa có các tuyến buýt gom, kết nối giữa các đô thị với mạng tuyến trục hiện nay. Việc thiếu làn đường riêng, phải vận hành chung với phương tiện các nhân khác cũng đang hạn chế năng lực vận hành của xe buýt...Do vậy, muốn hạn chế được phương tiện cá nhân thì điều thiết yếu là phải đẩy mạnh phát triển được các dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, muốn hạn chế được phương tiện cá nhân thì các ngành chức năng cần sớm nghiên cứu nhằm đưa ra các phương tiện thay thế. Cùng với đó là việc đốc thúc triển khai hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, sớm hoàn thiện các tuyến đường sắt trong nội đô...

Kim Thoa

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ha-noi-giam-un-tac-giao-thong-phai-han-che-duoc-phuong-tien-ca-nhan.html