Hà Nội đục thông 127 vòm cầu trăm tuổi: Người dân lo nhiều vấn nạn xã hội quay trở lại

Nhằm tạo thêm không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân, Hà Nội sẽ khôi phục 127 vòm cầu bị bịt kín ở phố Phùng Hưng (Hà Nội). Tuy nhiên, chủ trương này khiến người dân lo ngại kết cấu trụ đỡ cho tuyến đường sắt nối nhiều tỉnh phía Bắc với ga Long Biên sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời vấn đề mất trật tự xã hội lại xuất hiện như những năm trước.

127 vòm cầu có thể được đục thông trong thời gian tới. Ảnh: C.N

Trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm ngày 20.6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay thời gian tới sẽ thực hiện một số sự án để tạo thêm không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân Thủ đô. Theo đó việc đục thông 127 trên tổng số 131 vòm cầu đoạn từ phố Phùng Hưng đến ga Đầu Cầu nằm trong dự án này.

Chủ tịch UBND TP thông tin, trước đây 131 vòm cầu này rỗng, sau đó TP đã cho xây bịt kín để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn. Hiện có 4 vòm cầu đã làm đường đi, 127 vòm cầu còn lại sẽ được cải tạo, tạo thành không gian công cộng hoạt động theo mô hình phố sách hoặc là địa điểm tổ chức các hoạt động nghệ thuật, hội họa…

“Việc làm này không chỉ tạo thêm không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân Thủ đô, kích cầu du lịch mà còn giải quyết nhu cầu đi lại và sinh hoạt của nhân dân, nhất là tại phố Gần Cầu nhỏ hẹp, mặt đường xuống cấp, không có hệ thống thoát nước..." - Ông Nguyễn Đức Chung nói.

Trước thông tin này, sáng 27.6, Báo Lao Động đã ghi nhận ý kiến của người dân sống xung quanh khu vực phố Phùng Hưng. Chia sẻ với PV, một số người ủng hộ việc làm của UBND TP, bởi sẽ góp phần làm áp lực giao thông ở phố cổ, giúp cho khu vực này trở nên thông thoáng hơn.

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (một tiểu thương ở phố Gầm Cầu) cho hay: "Hiện nay mật độ dân cư ở phố cổ Hà Nội quá đông, vào giờ cao điểm khu vực này thường xuyên tắc nghẽn. Chính vì vậy, nếu mở 127 vòm cầu sẽ thuận tiện cho việc đi lại. Ngoài ra, việc biến 127 vòm cầu Phùng Hưng thành không gian văn hóa lành mạnh, khu vực vui chơi cũng là một ý kiến hay".

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ chủ trương của TP thì nhiều người cũng lo ngại, việc phá các vòm cầu sẽ ảnh hưởng đến kết cấu trụ đỡ cho tuyến đường sắt nối nhiều tỉnh phía Bắc với ga Long Biên. Không những thế việc mất trật tự, vấn nạn xã hội lại xuất hiện như nhiều năm trước.

"131 vòm cầu được xây dựng cách đây trên 100 năm. Các vòm cầu liên tiếp nhau bằng vật liệu xi măng đá hộc, việc đục thông chỉ sợ không đảm bảo kết cấu trụ đỡ tuyến đường sắt huyết mạch chạy trong nội đô. UBND TP nên tính toán phương án an toàn nhất có thể", là ý kiến của ông Dương Văn Đức (phố Phùng Hưng).

Còn bà Nguyễn Thị Mai cho rằng: "Trước đây, những vòm cầu này là nơi trú ngụ của nhiều công nhân, dân cửu vạn, ăn xin, rồi cả nghiện hút từ những tỉnh miền núi phía Bắc xuống. Thời điểm đó, khu vực này rất mất an toàn, trộm cắp, cướp giật lộng hành. Sau khi cho xây bịt lại những vòm cầu, những tệ nạn giảm hẳn. Chúng tôi sợ khi mở ra thì tình trạng này lại xuất hiện như những năm trước".

Dưới đây là một số hình ảnh về vòm cầu trăm tuổi đoạn từ phố Phùng Hưng đến ga Đầu Cầu:

Đoạn vòm cầu Phùng Hưng đến ga Đầu Cầu. Ảnh: C.N

Theo ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, thời gian tới sẽ tiến hành đục thông 127 vòm cầu để làm không gian sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: C.N

Trước đây, khi chưa xây bịt kín, khu vực vòm cầu xuất hiện rất nhiều tệ nạn xã hội. Ảnh: C.N

Dưới chân vòm cầu trở thành nơi kinh doanh, buôn bán của nhiều người. Ảnh: C.N

Xung quanh các vòm cầu là nơi sinh hoạt của hàng trăm hộ dân dọc phố Phùng Hưng, chạy qua phố Gầm Cầu đến ga Đầu Cầu. Ảnh: C.N

Một số người ủng hộ chủ trương của TP, một số người thì lo ngại việc đục thông các vòm cầu sẽ làm mất an toàn trụ đỡ đường sắt. Ảnh: C.N

Các vòm cầu này là trụ đỡ cho tuyến đường sắt nối nhiều tỉnh phía Bắc với ga Long Biên. Ảnh: C.N

Nhiều người mong muốn Hà Nội sẽ tính toán phương án an toàn nhất đối với những vòm cầu ở khu vực này. Ảnh: C.N

Cường Ngô

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/ha-noi-duc-thong-127-vom-cau-tram-tuoi-nguoi-dan-lo-nhieu-van-nan-xa-hoi-quay-tro-lai-677315.bld