Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động chăm lo quyền lợi người lao động

Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo quyền lợi người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đặt ra, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2017.

Theo đó, các cấp công đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật lao động và công đoàn trong doanh nghiệp; tổ chức đối thoại giữa công nhân lao động với lãnh đạo Đảng, chính quyền và chủ doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bức xúc của công nhân ở cơ sở. Đồng thời, công đoàn đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; tăng cường giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp.

Tháng Công nhân năm 2017, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã tổ chức tuyên dương 100 “Công nhân giỏi Thủ đô”; đã ký thỏa thuận với bốn doanh nghiệp về chăm lo phúc lợi cho đoàn viên công đoàn; trao trợ cấp cho 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và 85 suất cho công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các cấp công đoàn thành phố đã đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức 1.015 hoạt động “Cảm ơn” người lao động, qua đó thể hiện và ghi nhận sự đóng góp quan trọng của người lao động đối với doanh nghiệp, địa phương, xã hội; động viên người lao động gắn bó với cơ quan, đơn vị với tổng số 37.604 công nhân, viên chức lao động tham dự.

* Nghệ An xây dựng gần 280 mô hình kinh tế trong nông nghiệp

Đến nay, tỉnh Nghệ An đã xây dựng được 278 mô hình kinh tế trong nông nghiệp; trong đó có 104 mô hình tổng hợp, 174 mô hình chuyên canh. Đây là những mô hình quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác hợp lý quỹ đất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và là những mô hình điểm để nông dân và chính quyền các địa phương đến nghiên cứu, áp dụng. Trong số đó là mô hình trồng giống lúa như N87, ĐT68, VL24,... tại xã Phúc Thành (huyện Yên Thành), xã Nghi Trung, Nghi Long (huyện Nghi Lộc) cho năng suất tăng từ 30 đến 60% so với ban đầu, đặc biệt mô hình trồng lúa RVT vụ hè - thu tại xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc) cho năng suất tăng 105,1% so ban đầu. Mô hình trồng dưa hấu, sản xuất bí đỏ, tại huyện Diễn Châu cho giá trị tăng từ 20 đến 50% so ban đầu; mô hình trồng bưởi hồng Quang Tiến tại huyện Nghĩa Đàn cho thu nhập 400 triệu đồng/ha, trồng cam, ổi, táo cho hiệu quả tăng 400% so ban đầu.

Tỉnh Nghệ An xác định, việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua xây dựng các mô hình, gắn với đó là tuyên truyền nhân rộng tại các vùng nông thôn đang góp phần làm tăng nhanh năng suất, sản lượng và chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, tăng nhanh khối lượng và giá trị nông sản hàng hóa, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; tăng nhanh giá trị sản phẩm trên một héc-ta diện tích, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng diện tích, từng bước giảm dần tỷ lệ đói nghèo. Với quan điểm như vậy, tỉnh Nghệ An tạo mọi điều kiện để nhân rộng những mô hình hay tại các địa phương.

Cùng với sự vào cuộc của nông dân, tỉnh Nghệ An cũng mời gọi các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đến địa phương tìm hiểu, xây dựng, thực hiện các mô hình; liên kết các địa phương và các hộ nông dân ngay từ khâu trồng, chăm sóc, bao tiêu sản phẩm.

Từ năm 2017, tỉnh Nghệ An sẽ xây dựng, nhân rộng các mô hình theo chủ trương hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phương thức sản xuất tiên tiến vào sản xuất, chế biến. Ngoài ra, liên kết sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; tăng hiệu suất sử dụng đất và tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân. Tỉnh đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 xây dựng mới được thêm 127 mô hình kinh tế trong nông nghiệp.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33162302-ha-noi-day-manh-cac-hoat-dong-cham-lo-quyen-loi-nguoi-lao-dong.html