'Hà Nội dấu yêu'của Nguyễn Hữu Bảo

Mất tới 6 năm ấp ủ và chuẩn bị, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo- một người sống giữa lòng phố cổ- mới cho ra mắt t

ập ảnh ký sự “Hà Nội dấu yêu”. Từ nhiều năm nay Nguyễn Hữu Bảo được biết đến là nhiếp ảnh gia có nhiều bức ảnh đẹp về Hà Nội, đặc biệt khu phố cổ.

Tác giả Nguyễn Hữu Bảo ký tặng sách cho độc giả

Sách ảnh “Hà Nội dấu yêu” chứa đựng nhiều tâm tư, tình cảm mà nhiếp ảnh gia đã gửi gắm qua mỗi góc nhìn, từng khoảnh khắc của Hà Nội. Tập sách ảnh của Nguyễn Hữu Bảo đa phần sử dụng chất liệu ảnh đen trắng để ghi lại một Hà Nội 30 năm qua thật sâu, thật bình dị, đẹp đẽ và gần gũi. Dường như dưới cảm nhận và góc nhìn của Nguyễn Hữu Bảo một Hà Nội biến đổi qua thời gian nhưng luôn đậm chất Hà Nội. Hà Nội dấu yêu tập hợp những bức ảnh đen trắng theo thể loại báo chí – phản ánh những gì có thật, không dàn dựng, không hư cấu.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: “Hữu Bảo là người Hà Nội, sống ngay giữa lòng Hà Nội của một thời nhiều biến động. Sự thẩm thấu tự nhiên với xung quanh không chỉ làm thỏa mãn hứng thú riêng của người cầm máy, mà còn khiến tôi mất không ít thời gian để thấy được hoặc liên tưởng tới điều gì đó qua từng bức ảnh, từng cụm ảnh nhiều khi tưởng như vô tình”. Cảm xúc của Hữu Bảo sẽ lan tỏa đến người xem như một chất men, làm nung nấu trong mỗi con người một tình cảm mà người nghệ sĩ tài hoa này đã gửi gắm ở tên gọi giản dị nhưng rất đỗi chân thành trong cuốn sách ảnh đầu tay của mình. Chính vì thế, với “Hà Nội dấu yêu” không thể không xem”.

Phố Hàng Giầy – 1980

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, “Hà Nội dấu yêu” là tập ảnh ký sự về đời sống con người và phong cảnh Hà Nội trong thời hiện tại (chừng 30 năm gần đây); phản ảnh được nỗi lòng, tâm sự và thẩm mỹ của anh cũng như tầng lớp trung lưu thị dân sống ở Thủ đô mà anh từng gặp… Những bức ảnh đen trắng của Nguyễn Hữu Bảo bộc lộ một kiểu tình yêu Hà Nội thường trực, có cả đau đớn lẫn sự thỏa mãn, khoái chí đan xen. Trắng – đen với những giai điệu của sắc độ đậm nhạt khác nhau trên trên ảnh không chỉ cho thấy tay nghề của người chụp mà còn thấy được chiều sâu của sự vật, không bị tác động bởi màu mè pha loãng tâm cảm người xem. Nó giống như một lời nói thẳng trong giao tiếp ngôn ngữ.”

Còn nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói về tập sách ảnh “Hà Nội dấu yêu” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo: “Nguyễn Hữu Bảo đã cho chúng ta thấy một Hà Nội đầy trôi dạt, nó đã đi ở đâu đấy, thỉnh thoảng hiện lại trong chúng ta trong sự đau đớn, tiếc nuối”.Nhà văn Nguyễn Quang Thiều còn kể, chính Nguyễn Hữu Bảo đã chụp lại bộ ảnh đám tang của cha ông: “Cách chụp của Hữu Bảo không phải như chụp một đám tang, mà giữ lại một nghi lễ. Và cao hơn một nghi lễ là một tinh thần văn hóa trong nỗi đau thương”.

Phố Lương Ngọc Quyến

Trong công viên Lê-nin – 1980

Cách mà Nguyễn Hữu Bảo chụp như lời ông nói:“Ánh sáng chỉ là phương tiện, không phải mục đích. Chụp cái gì cũng chỉ là chụp lòng mình, chụp cái ở trong đầu mình.”

Các cậu công tử con của ông chủ Tam kỳ Nguyễn Hữu Nhâm – một nhà tư sản yêu nước của Hà Nội chính là nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo và nhiếp ảnh gia,nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, đạo diễn Nguyễn Hữu Hồng, đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện. Từ xưa, Hà Nội thời thuộc Pháp có hiệu vải Tam Kỳ nổi tiếng khắp Bắc-Trung-Nam. Hiệu Tam Kỳ có uy tín trong giới thầu vải của Hà Nội, thương lái từ Sài Gòn-Đà Nẵng ra, từ Cao Bằng-Lạng Sơn về, từ Pháp – Trung Quốc – Lào – Ấn Độ- Mã Lai… nghe tiếng tơ lụa Tam Kỳ cũng đến đặt mối làm ăn. Ông bà Tam Kỳ có 10 người con thành danh ở các ngành nghề: bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo… và không ai nối nghiệp thương gia.

Dạ Miên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ha-noi-dau-yeucua-nguyen-huu-bao/