Hà Nội của “Phố Vẫn Gió”

Hà Nội, thành phố ấy không hiểu vì lí do gì, dù có đổi thay đến đâu, vẫn khiến nhiều người, nhiều trái tim vương vấn. Với “Phố Vẫn Gió”- Lê Minh Hà đã không chỉ mang những vấn vương mà còn cả sự kiều diễm, nữ tính của cô gái Hà Nội để khắc họa chân dung một thành phố những ngày tưởng gần mà lại thật xa xôi.

Hành trình của những hoài niệm

“Không còn nghe được chút gì tiếng gió và tiếng lá giữa phố phường sục sôi người xe. Nhưng không khí rời rợi mát rồi. Hà Nội đã thu...” Cứ thế, lời kể dìu dặt của nhân vật Ngân đưa người đọc vào hành trình của những hồi ức đan xen thực tại. Hành trình “đi tìm lại ngôi nhà xưa” ấy, hóa ra là câu chuyện tuổi trẻ của cả một thế hệ, lớn lên cùng những biến động lịch sử của thành phố, hay rộng hơn, của đất nước. Và phải chăng, vì sự ngẫu nhiên ấy, tâm hồn con người, dẫu có trẻ con, ngô nghê đến đâu, cũng không tránh khỏi giây phút âu lo, nghĩ ngợi.

Ngân - cô gái Hà Nội - lớn lên trong căn hộ tập thể thời hậu chiến, tìm thấy những mơ hồ lãng đãng, những mối tình thầm, những tháng năm học trò trong hai căn biệt thự Pháp cổ. Với cô, Hà Nội ở thời điểm ấy, sao mà đối lập, giữa những cuộc đời trong căn biệt thự cổ của hai người bạn gái thân thiết và những cuộc đời khác, trong khu tập thể nơi cô sống. Thời cuộc và sự chuyển mình chóng vánh của thành phố dường như không thoát khỏi tâm hồn nhạy cảm quá đỗi của Ngân, từ sự tò mò khám phá thế giới đầy ắp thanh âm du dương của nhạc cổ điển, ánh sáng rọi từ ô cửa sổ nơi cô nằm cùng bạn, đọc tiểu thuyết và mơ màng và vẻ trầm lặng quyến rũ toát lên từ chính sự cũ kỹ, cô thành tha thiết với chúng lúc nào không hay.

“Phố vẫn gió”- Nhã Nam xuất bản

Với căn hộ tập thể nơi cô sống, Hà Nội hiện hữu theo hình hài khác. Những nhà ăn tập thể, những bể giặt chung, những góc chơi của tuổi thơ và cả những sự cơi nới từ ngại ngùng đến thẳng thớn. Xâm nhập vào cả hai thế giới bằng tâm hồn vừa dịu dàng, vừa đáo để, hình ảnh Hà Nội những năm tháng hậu chiến hiện lên dẫu chẳng long lanh, nhưng vẫn rất “Hà Nội “, không thể lẫn đi đâu được. Phải chăng vì phố, những ngõ nhỏ, những cây sấu già vẫn thảng hoặc xuất hiện trong từng trang viết.

Có khi theo mạch câu chuyện, một bữa ăn của người Hà Nội được miêu tả sao mà chi tiết, chân thực : “canh mồng tơi rau đay mướp hương, nhộng rang rắc lá chanh thái chỉ... cà bát muối mặn dầm đường tỏi ớt, mỗi thứ một chút, đúng vị bốn mùa”. Rồi cách mặc, cách giao tiếp, cách thương, yêu, ghét cũng phảng phất phong vị rất riêng của một Hà Nội trong lòng cô gái trẻ. Ở đó, ai cũng tìm được “phố của riêng mình”.

Hành trình khám phá những tâm hồn

Ở “Phố Vẫn Gió”, mỗi căn nhà gắn với những số phận, những mảng đời, những tréo ngoe, hệ lụy của chiến tranh. Những cuộc chiến thầm lặng diễn ra từng ngày trong mỗi căn biệt thự phản chiếu rõ rệt nhất trong sự chia năm, sẻ bảy của mỗi gia đình có “vinh dự” được sống ở đó. Sự kiêu hãnh vẫn còn đó, nhưng theo cách thật ám ảnh, day dứt.

Lê Minh Hà - nhà văn của sự nữ tính rất Hà Nội

Và rất nhiều câu chuyện về một ai đó thoáng qua, những bức chân dung của cư dân trong căn hộ tập thể, người quét rác, người theo chồng tập kết ra Bắc, người bạn ấu thơ…. Họ ra vào lặng lẽ và tự nhiên trong dòng chảy của câu chuyện, trong những tương phản ước lệ của ngòi bút nhạy cảm và ưu tư của tác giả.

Hiếm ai có sự xâm nhập đến tường tận như Ngân - cô gái trẻ âm thầm chứng kiến, có lúc vui, có lúc buồn cùng mỗi số phận, của bạn cô, mẹ cô, những say mê thơ trẻ và bao số phận kết nối chéo chồng với lịch sử. Hà Nội thời điểm ấy chứa trong mình một gia đình tan tác vì chiến tranh chia cắt, mối tình dang dở, sự đổi thay vì mưu sinh. Nhưng cũng những năm tháng ấy, tình yêu dường như thêm đẹp, thêm day dứt, chân phương của tình người, tình bạn, tình cảm gia đình, sẻ chia bao dung dường như thêm lấp lánh, ấm lòng đến kỳ lạ.

Cũng nhẹ nhàng, man mác như Hà Nội ngày thu, tâm hồn cô gái Hà Nội với quá nhiều mộng mơ, được văn chương nâng niu và phố xá xao xác nuôi dưỡng. Đọc Phố Vẫn Gió, độc giả khó có thể tìm thấy những cao trào, dù xung đột vẫn ở đó và vẫn xót xa, dằn vặt. Cũng khó để tìm thấy những hào hứng cụ thể, dù có bao niềm vui thường nhật, nhưng bức tranh phố ở đó. Hai mươi năm sau, Ngân đã không còn là cô gái trẻ và phố cũng không còn là phố của những tháng năm xưa, tràn ngập âm thanh, xe cộ, nhà cửa. Duy sự khắc khoải, nhớ nhung những ngày cũ của tác giả, phảng phất qua từng câu, từ để rồi đọng lại trong tâm trí người đọc.

Trong bài phỏng vấn, nhà văn Lê Minh Hà từng nói: “Nhân vật của tôi, người đàn bà trẻ con của tôi là Ngân rất mê ông bác sĩ sản khoa chơi kèn nhưng gốc gác Thanh Hóa. Với tôi đấy là Hà Nội, Hà Nội là của những người đến với nó, sống với nó và quan trọng nhất là yêu nó”. Đọc Phố Vẫn Gió, có khi, chúng ta cũng sẽ tìm thấy “phố” của chính mình trong đó.

Vân Anh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/ha-noi-cua-%e2%80%9cpho-van-gio%e2%80%9d