Hà Nội: Cây xanh gãy đổ hàng loạt trong bão, có bị động ứng phó?

Gần 700 cây đổ, nhiều ô tô, xe máy bị đè bẹp khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu Hà Nội có bị động trong việc ứng phó trong mưa bão?

Đầu tư hàng tỷ đồng mua máy cắt tỉa, cây xanh vẫn đổ hàng loạt

Do ảnh hưởng từ cơn bão số 1, trên địa bàn TP Hà Nội đã có khoảng 667 cây xanh đổ rạp, nhiều ô tô, xe máy, thậm chí đã có người đi đường bị thương do cây đổ gây nên.

Điều đáng nói, việc cắt tỉa cây xanh để hạn chế việc gãy đổ do mưa bão đang được quan tâm, chú trọng. Các phương tiện, máy móc phục vụ cắt tỉa cây cũng được đầu tư mua sắm với giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Thậm chí Hà Nội còn thuê cả chuyên gia, cử người đi nước ngoài học trồng, cắt tỉa cây.

Trước cơn bão số 1, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Thành phố cũng có công điện yêu cầu chủ động đối phó.

Cây đổ đè bẹp ô tô trong sáng 28/7, tại Hà Nội - (Ảnh: Otofun).

Thế nên câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao số cây bị gãy đổ vẫn rất nhiều? Liệu rằng Hà Nội có bị động trong việc cắt tỉa cây xanh?

Trong đợt giông lốc lịch sử hồi tháng 6 năm ngoái (2015), tại Hà Nội lượng cây đổ cũng khá nhiều. Tổng số hơn 1.200 cây xanh bị đổ, trong đó hơn 800 cây thuộc địa bàn 12 quận, hơn 400 cây ở các huyện ngoại thành. Tuy vậy, so với cơn bão số 1 thì trận giông lốc năm 2015 được đánh giá là bất ngờ hơn.

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, Tiến sĩ Nguyễn Nguyên Cương - Giám đốc Trung tâm Giáo dục, Truyền thông và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đưa ra nhận định cho rằng: “Việc cây đổ như một rủi ro, nếu có tỉa thì vẫn đổ, nó chỉ tránh được phần nào thôi. Nếu tỉa tốt, tỉa khéo thì giảm được những thiệt hại. Khi có lốc xoáy xuất hiện thì đến nhà xây dựng kiên cố cũng có thể bị bốc lên, chưa nói gì đến cây. Cây là tài sản đã tồn tại cả trăm năm nay, nên để bàn bằng một vài lời không nói lên điều gì”.

Theo ông Cương, các cơ quan ban ngành nên có những hội thảo về lĩnh vực này, các nhà chuyên môn cần trao đổi về việc gìn giữ những cây cổ thụ ở Thủ đô, cách bảo vệ, chăm sóc như thế nào cần có chiến lược riêng cho từng loại cây, từng lứa tuổi của cây.

Khi được hỏi tại sao ngoài những cây cổ thụ mối mọt đổ thì còn có những cây con bật gốc, Tiến sĩ Cương cho hay: “Do các quy trình chúng ta làm chưa đúng. Thứ nhất do trồng nông, thứ hai xác định mùa mưa bão ở miền Bắc rơi vào tháng 7 đến tháng 11 nhưng tháng 6 thì chúng ta đi trồng cây. Mỗi gốc cây con cần có 4 cái cọc xung quanh để giữ, như vậy, cả Thủ đô này, có được mấy cây con trồng mà được bảo vệ bằng 4 cọc trụ xung quanh?"

Phía Công ty Công viên cây xanh cần có những cách bảo vệ các loại cây ở mỗi lứa tuổi khác nhau. “Ví dụ, phân loại những cây có độ tuổi trên 100 năm bảo vệ kiểu khác, những cây quá độ tuổi trung niên (70, 80 tuổi cây) lại có cách bảo vệ khác thì mới giảm được thiệt hại ở mức thấp nhất”, ông nhấn mạnh.

Trong ngày 28/7, chúng tôi nhiều lần liên lạc qua điện thoại với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội để có những lý giải đa chiều cũng như cập nhật thông tin số lượng cây gãy đổ nhưng không nhận được câu trả lời.

Có phải bồi thường?

Liên quan đến việc cây xanh gãy đổ gây thiệt hại, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) phân tích: Điều 626 Bộ luật Dân sự quy định về việc bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Theo đó, chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Như vậy có thể hiểu nếu cây cối đổ, gãy do sự kiện bất khả kháng thì chủ sở hữu cây không phải bồi thường.

“Vậy thế nào là sự kiện bất khả kháng? Điều 161 Bộ luật Dân sự quy định: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Theo quy định này, bão tố và các hiện tượng thiên nhiên cực đoan khác có thể được coi là sự kiện bất khả kháng. Vì vậy, chủ sở hữu cây đổ, gãy trong cơn bão số 1 sẽ không phải bồi thường các thiệt hại do cây đổ, gãy gây ra. Tuy nhiên, nếu trước khi xảy ra cơn bão, cây đã có hiện tượng mục, rỗng, nguy cơ đổ, gãy cao mà không được chặt hạ kịp thời, thì chủ sở hữu cây phải bồi thường thiệt hại do chưa áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu hậu quả xảy ra do cây đổ, gãy” luật sư Giang Hồng Thanh phân tích.

Luật sư Thanh nêu quan điểm cá nhân cho rằng, kể cả trong trường hợp không có lỗi, chủ sở hữu cây đổ, gãy (ở đây là Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội) vẫn cần có phương án hỗ trợ một phần thiệt hại xảy ra.

“Trách nhiệm của Công ty này là phải thường xuyên kiểm tra "sức khỏe" cho cây theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 06 năm 2010 về quản lý cây xanh đô thị là cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Việc hỗ trợ thiệt hại do cây đổ vừa phù hợp đạo lý vừa thể hiện được trách nhiệm của một cơ quan nhà nước đối với người bị thiệt hại nói riêng và với nhân dân nói chung”, luật sư Thanh nêu quan điểm.

Cùng nhận định, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trong trường hợp có thiệt hại thực tế xảy ra và có cơ sở để xác định lỗi là do đơn vị quản lý cây xanh không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình như cắt tỉa các cành cây khô, mục có nguy cơ gãy, đổ thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại phát sinh và người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định để đảm bảo về quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Theo luật sư Thái, về cơ bản, sự kiện bất khả kháng là một thuật ngữ pháp lý dùng để chỉ những sự kiện xảy ra ngoài tầm kiểm soát và khả năng khắc phục của con người. Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì bên có “dấu hiệu lỗi” được quyền miễn trừ trách nhiệm dân sự (cụ thể ở đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại).

"Theo điều 161 Bộ luật Dân sự đã nói ở trên thì việc kết luận như thế nào là sự kiện bất khả kháng phụ thuộc vào nhận định chủ quan của mỗi người. Trong trường hợp cụ thể này, theo tôi, việc xác định có phải trường hợp bất khả kháng hay không còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nghĩa vụ của đơn vị quản lý cây xanh là phải thường xuyên cắt tỉa, chặt hạ những phần thân cây mang tính chất rủi ro tiềm tàng", luật sư Thái nói

Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng viện dẫn điều 11 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị và cho rằng: Trách nhiệm của cơ quan quản lý cây xanh là phải thường xuyên kiểm tra, đảm bảo cây sinh trưởng bình thường và không có nguy cơ xuất hiện các rủi ro tiềm tàng. Trong trường hợp không thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình dẫn đến việc cây đổ, gãy gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Do đó, nếu có trường hợp công ty quản lý cây xanh biết trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt có nguy cơ xảy ra các tình huống đáng tiếc mà không tiến hành cắt tỉa, chặt hạ kịp thời dẫn đến gãy, đổ gây thiệt hại thì không thể coi là bất khả kháng.

Nhất Nam – Cù Hiền

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-cay-xanh-gay-do-hang-loat-trong-bao-co-bi-dong-ung-pho-a252204.html