Hà Nội: 'Cát tặc' lộng hành ngay chân cầu Thăng Long

Cây cầu Thăng Long được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 1985. Trong khi các cơ quan chức năng gia sức gia cố khu vực chân cầu cho vững chắc, hạn chế khả năng xuống cấp thì nạn “cát tặc” lại đua nhau hút cát ngay tại khu vực này khiến sự an toàn của cây cầu bị đe dọa.

Trong khi các cơ quan chức năng gia sức gia cố khu vực chân cầu cho vững chắc, hạn chế khả năng xuống cấp thì nạn “cát tặc” lại đua nhau hút cát ngay tại khu vực này khiến sự an toàn của cây cầu bị đe dọa

Theo phản ánh của nhiều người dân, hàng chục bãi cát “khủng” trái phép nằm “án ngữ” bên 2 bờ sông Hồng, sát chân cầu Thăng Long trong một thời gian dài, song không thấy có động thái xử lý nào từ phía các cơ quan chức năng.

Cũng theo phản ánh: Với khối lượng cát được đưa lên từ lòng sông hàng trăm nghìn khối như vậy, liệu có ảnh hưởng đến móng của chân cầu Thăng Long? Cá nhân, tổ chức nào đã và đang tiếp tay cho “cát tặc lộng hành”?
Theo ghi nhận của PV tại hiện trường vào những ngày đầu của tháng 11 cho thấy phản ánh của người dân là có cơ sở. Dọc bờ cạnh cầu Thăng Long (thuộc địa phận phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) có cả chục chiếc tàu “khủng” tất bật vận chuyển cát tập kết bên hai bờ sông Hồng.

Nghiêm trọng hơn nữa, ngay tại sát chân cầu Thăng Long, hàng chục “vòi rồng” được cắm sâu xuống lòng sông hút cát trực tiếp đưa lên bờ giữa ban ngày và ở ngay nơi có nhiều người qua lại. Tại các điểm hút cát này đều không có các điểm mốc báo khai thác… nhiều tàu tập kết tàu thuyền nhưng trong khoang tàu không có cát.

Hàng chục “vòi rồng” được cắm sâu xuống lòng sông hút cát trực tiếp đưa lên bờ giữa ban ngày và ở ngay nơi có nhiều người qua lại

Trước đó, tại Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 của UBND TP. Hà Nội phê duyệt Quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì trên địa bàn phường Đông Ngạc không có bãi trung chuyển vật liệu xây dựng, không có mỏ khai thác nào.

Trong buổi làm việc với UBND phường Đông Ngạc, lãnh đạo phường này chỉ cung cấp được Quyết định số 1180/QĐ-UB ngày 07/02/2002 của UBND TP. Hà Nội cho phép HTX Liên Thắng (thuộc xã Đông Ngạc cũ) cải tạo bờ sông đê Hữu Sông Hồng làm nơi bốc xếp, trung chuyển vất liệu xây dựng.

Tại Điều 2 của quyết định này nêu rõ: “Quyết định này chỉ có giá trị cho phép theo quy định của Pháp lệnh Đê điều”. Tuy nhiên, Luật Đê điều ra đời vào năm 2006 đã thay thế Pháp lệnh về Đê điều. Điều đó đồng nghĩa với việc quyết định trên đã hết hiệu lực từ 10 năm trước.

“Cát tặc” làm thay đổi dòng chảy, cản trở và mất an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông trên tuyến

Việc “cát tặc” đua nhau “đục khoét” lòng sông để khai thác cát đã gây biến đổi dòng chảy, sạt lở đất ven sông, thay đổi luồng lạch, hệ thống báo hiệu giao thông. Cùng với đó là việc các phương tiện khai thác cát, sỏi đỗ, đậu không đúng nơi quy định, lấn luồng, tạo nên những yếu tố gây cản trở và mất an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông trên tuyến.

Đề nghị UBND TP. Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm cùng cơ quan chức năng liên quan sớm có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm trên. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng quản lý để “cát tặc” ngang nhiên hoành hành, khai thác tài nguyên quốc gia, bảo vệ cầu Thăng Long trước những mối đe dọa nguy hiểm.

Mặc dù không được cấp phép nhưng các bãi tập kết luôn hoạt động tấp nập, thậm chí là nơi chưa cát được hút trực tiếp từ sông Sồng, khu vực chân cầu Thăng Long

Liên quan đến việc xử lý “cát tặc”, tối 11/11/2016, Cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP. Hà Nội đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Nguyệt Nga (56 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Tùng về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”.

Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, bà Nga đã có hành vi lợi dụng việc được cơ quan Nhà nước cấp phép thực hiện dự án nạo vét, tận thu sản phẩm cát tại đoạn cạn Thượng Cát – Võng La trên sông Hồng đã tổ chức chỉ đạo khai thác cát trái phép với số lượng đặc biệt lớn để kiếm lời, gây hậu quả nghiêm trọng.

Từ tháng 1 đến tháng 4/2015, công ty của bà Nga đã huy động phương tiện khai thác cát trái phép không đúng vị trí trong giấy phép với tổng khối lượng 835.485,5 m3. Trong đó, lượng cát đã bán là hơn 450.000m3. Kết quả định giá của Hội đồng định giá tư pháp xác định giá trị thiệt hại cho Nhà nước do việc khai thác cát trái phép này là trên 8,3 tỷ đồng.

Báo Congluan.vn tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này.

Phương Linh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ha-noi-cat-tac-long-hanh-ngay-chan-cau-thang-long/