Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Lúc đó ai ai cũng muốn xả thân vì nước. Ai cũng muốn được giao nhiệm vụ dù biết gian khổ, hy sinh luôn cận kề...

Làm mật mã cho những mệnh lệnh chiến đấu

Từng chứng kiến khí thế của thanh niên Hà Nội “sống chết với Thủ đô”, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến, ông Lê Đức Vân – một trong 5 người thành lập Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu rưng rưng khi được nhắc nhớ về những ngày cùng với thanh niên nam nữ, già trẻ gái trai, vệ quốc đoàn, công an xung phong, tự vệ chiến đấu của Hà Nội đứng lên đánh Pháp theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch và lời hiệu triệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Lê Đức Vân (Ảnh: Kim Anh)

Lúc đó, ông Vân được điều về Hà Nội hoạt động tại Ủy ban Kháng chiến Liên khu II (nay là quận Hai Bà Trưng). Trong ký ức của mình, ông Lê Đức Vân còn nhớ rõ hình ảnh những đoàn tàu dày đặc anh em thanh niên Nam tiến chống Pháp. Thanh niên giúp cứu đói cho dân, thu thập thi thể những người chết đói đi chôn. Rồi thanh niên tham gia chống lại những luận điệu xuyên tạc chống Chính phủ của những thế lực chống phá trong một không khí đấu tranh vô cùng khẩn trương và gắt gao.

“Tôi được phân công phụ trách thông tin liên lạc, chuyển mật mã cho các mệnh lệnh của Ban chỉ huy gửi các đơn vị chiến đấu. Ngày đó, các phương tiện để liên lạc rất ít, chỉ những đơn vị bộ đội đặc biệt mới được trang bị điện thoại quay tay. Công việc chuyển mật mã thông qua việc sử dụng luân phiên một số quyển sách, rồi quy định với nhau về ký tự theo số trang, số dòng trên quyển sách, cứ thể để đánh dấu hết 24 chữ cái”, ông Vân nhớ lại.

Hà Nội lúc đó người dân đều đã được vận động tản cư, chỉ còn lại thanh niên và những người tình nguyện ở lại, cùng lực lượng công an xung phong, bộ đội giải phóng, các em thiếu sinh quân. Ông Vân phụ trách tiểu đội các thiếu sinh quân làm công tác liên lạc.

Ai cũng vinh dự khi được giao nhiệm vụ dù biết gian khổ, hy sinh luôn cận kề. Hình ảnh những vệ quốc quân, thiếu sinh quân tuổi còn rất trẻ, gan dạ, nhanh nhẹn luồn lách qua các ngõ phố, từ nhà này sang nhà khác, vừa làm nhiệm vụ giao liên, vừa tiếp tế lương thực, quân nhu cho bộ đội, vừa làm nhiệm vụ cứu thương và trực tiếp tham gia chiến đấu khiến ông Vân không thể nào quên. “Sau này khi chúng ta rút khỏi Hà Nội, các em cũng rút ra an toàn, gần như không có em nào hy sinh” ông Vân tự hào khi nhắc đến các thiếu sinh quân.

Cuộc rút lui không thiếu một người, không thiếu một cây súng

Cũng như ông Vân, được chứng kiến quân dân Thủ đô với tinh thần quyết chiến, thông minh sáng tạo, kiên cường chống lại quân Pháp là những ký ức không bao giờ có thể quên đối với Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội).

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (Ảnh: Nguyễn Hiền)

“Lúc đó, ai cũng muốn xả thân vì nước, với tinh thần “đánh đi trước, rút thì đi sau, hễ đánh là phải thắng, thề sống chết với thủ đô Hà Nội”. Nhiều tấm gương tình nguyện ôm bom ba càng, dùng mìn tự tạo đánh giáp lá cà, lao vào diệt địch”, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm chia sẻ, đồng thời kể lại những ký ức về cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ đô ra khỏi thành phố.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nhớ lại: Khi cuộc chiến đang ở giai đoạn quyết liệt, ngày 16/2/1947, Hoa kiều nhờ ta giúp đỡ lương thực; đồng thời đề nghị ngừng bắn vào ngày 18/2/1947 để họ rút khỏi Hà Nội. Nhận thấy đây là âm mưu, thủ đoạn của địch muốn thăm dò tình hình của ta, tuy nhiên, xét tình hình cụ thể, cả lương thực và vũ khí chúng ta đều còn ít, để bảo toàn lực lượng, cấp trên đã ra lệnh cho Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội. Đêm 17/2/1947, nhờ sự yểm trợ của Đội du kích Hồng Hà, toàn Trung đoàn đã vượt vòng vây của địch qua sông Hồng ra khỏi trung tâm Thủ đô an toàn, không thiếu một người, không thiếu một cây súng.

Không quên những tháng ngày “4 tại chỗ”

Ở tuổi 90 nhưng Đại tá Vũ Tâm - Trung đội trưởng Tiểu đội 101 Quyết tử Thủ đô thuộc Trung đoàn Thủ đô vẫn rất minh mẫn khi nhớ về những ngày đông vệ quốc cùng anh em làm nhiệm tại trận địa ở chợ Đồng Xuân.

Đại tá Vũ Tâm (Ảnh: Kim Anh)

Ông Tâm kể, chiến đấu đến ngày 6/1/1947, để động viên tinh thần của bộ đội, Trung đoàn đã tổ chức buổi lễ “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” tại rạp Tố Như - Hàng Bạc.

“Hôm đó, trước bàn thờ Tổ quốc, khói trầm nghi ngút, các vũ khí thô sơ như lựu đạn, dao, đòn gánh… được bày trên bàn, đồng chí Vũ Lăng, Tiểu đoàn phó thay mặt Trung đoàn đọc tuyên thệ: “Hôm nay, chúng ta làm lễ khai sinh ra đội quân quyết tử, chúng ta thề sống chết bảo vệ Thủ đô. Chúng ta còn, Thủ đô sẽ không bao giờ mất. Xin thề, xin thề, xin thề”, ông Tâm bồi hồi nhắc lại.

Vị đại tá quân đội kể, ngày 14/2/1947 diễn ra trận đánh ác liệt nhất giữa các chiến sĩ Tiểu đoàn 101, Trung đoàn Thủ đô với quân Pháp. Trận chiến đấu ở chợ Đồng Xuân đi vào lịch sử Thủ đô là một trong những trận đánh lớn nhất của Hà Nội.

“Trong những thời khắc ác liệt đó, chúng tôi đã sống 4 tại chỗ: Ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, chiến đấu tại chỗ và chết chôn tại chỗ. Một đồng đội thân thiết của tôi – đồng chí Đỗ Văn Thìn đã hy sinh trong trận đánh ở chợ Đồng Xuân và được chôn trong chợ. 43 năm sau khi xây dựng lại chợ Đồng Xuân, chúng ta đã tìm được hài cốt của đồng chí Đỗ Văn Thìn cùng một quả lựu đạn còn lại”, ông Vũ Tâm nghẹn ngào.

Ông Tâm kể lại câu chuyện chia tay cảm động của vợ chồng người đồng đội Dương Trung Hậu. Đó là sáng 19/12/1946, anh Dương Trung Hậu (nhà ở 23 Ngõ Gạch, Hà Nội) đưa vợ đang mang bầu 3 tháng về Thanh Oai, Hà Đông. Trước lúc chia tay, anh nói với vợ phải quay trở về để thực hiện theo lời Bác, không để đất nước làm nô lệ một lần nữa. Rồi anh dặn vợ nuôi con khôn lớn để sau này xây dựng đất nước. Sau đó anh đã hy sinh khi bảo vệ Thủ đô vào mùa đông năm 1946. Người con của chiến sĩ cảm tử ấy chính là nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc./.

Hà Thanh-Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/ha-noi-60-ngay-dem-khoi-lua-quyet-tu-cho-to-quoc-quyet-sinh-578319.vov