Hà Nam: Một nhà nuôi lợn, cả làng buồn...nôn

Thời gian gần đây, người dân sinh sống tại xã Tiêu Động (huyện Bình Lục, Hà Nam) liên tục có đơn phản ánh gửi Báo GĐ&XH về việc môi trường sống của họ bị ô nhiễm trầm trọng. Theo đó, một trang trại lợn ở sát khu dân cư hàng ngày vô tư xả thải xuống dòng sông khiến cho cả một khu vực bốc mùi hôi thối. Hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường của trang trại này đã từng bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) xử phạt hàng trăm triệu đồng.

Dòng sông cạnh trang trại lợn đen ngòm, ô nhiễm nặng nề bởi phân lợn. Ảnh: Đỗ Lực

Nước sông đen kịt, mùi xú uế bao phủ

Trước những bức xúc của người dân, chúng tôi đã tìm về khu Ba Hàng - nơi có trang trại lợn được coi là lớn nhất của xã Tiêu Động để tìm hiểu. Khung cảnh đầu tiên choáng ngợp trước mắt chúng tôi là cảnh con sông đen ngòm, đặc kín phân lợn, kèm theo đó là từng lớp ruồi, muỗi bay lượn kín mặt sông. Nước đen, đặc kín phân khiến các loài thủy sinh, cá tôm đều bị tiêu diệt. Cái nắng oi ả của ngày đầu hè rọi xuống càng khiến mùi xú uế bốc lên mỗi lúc càng thêm nồng nặc.

Theo những người dân địa phương, thời điểm năm 2009, trang trại lợn của bà Nguyễn Thị Huệ xuất hiện đã biến khu vực Ba Hàng thành nơi tràn ngập mùi xú uế. “Chúng tôi kiến nghị nhiều lần lên xã, huyện rồi cả UBND tỉnh nhưng sự việc vẫn không được giải quyết. Không chỉ hít thở mùi phân lợn, chúng tôi còn thường xuyên phải gánh hậu quả của nạn tiêu chảy, sốt rét khi bầy ruồi, muỗi sinh sôi nảy nở từ những dòng sông chết vào tấn công dân làng…”, một người dân xã Tiêu Động nói.

Không chỉ mang nước tưới tiêu cho những cánh đồng xanh ngát, mà kênh BH23 còn là nơi dẫn nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm người dân xã Tiêu Động. Thế nhưng từ năm 2009, khi trang trại lợn của gia đình bà Huệ xuất hiện thì nhiều cái ao lớn nhỏ được dùng để chứa nước sinh hoạt và chăn nuôi cá đã trở thành ao chết. Nước bẩn, không thể nuôi cá cũng như rửa ráy tay chân khiến người dân phải lấp ao. Người dân cho rằng, việc phân lợn theo dòng chảy thải ra ruộng khiến họ quanh năm bị mất mùa, cây lúa không thể phát hiện được.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trang trại lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Huệ hoạt động từ năm 2009, nằm tọa lạc ở giữa cánh đồng khu Ba Hàng, được phân thành 3 khu với diện tích hơn 10ha, với gần 7.000 con lợn. Năm 2014, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã ra quyết định xử phạt về việc xả thải ra môi trường của trang trại với số tiền lên đến gần 300 triệu đồng.

Thừa nhận việc xả thải

Bác bỏ việc người dân phản ánh việc xả thải phân lợn trực tiếp ra dòng sông, khiến nhiều diện tích lúa bị mất mùa, bà Huệ khẳng định việc xả thải chỉ giúp lúa tốt hơn. Theo bà Huệ, trước đây người dân còn phải đi xin phân lợn về ủ để bón cho ruộng lúa nên việc xả thải ra dòng sông là “nhất cử lưỡng tiện” chỉ có tốt chứ không có xấu… “Đã chăn nuôi ở đâu cũng có mùi, trong gia đình nuôi vài chục con lợn đã có mùi chứ chẳng kể nuôi lớn như thế này (7.000 con lợn – PV). Còn nước thải xả ra sông không có hóa chất gì cả, chỉ có màu đen thôi. Bây giờ sông chưa có nước thì đen như thế này, đến mùa làm đồng, nước sông Đáy chảy vào là hòa tan hết phân thôi...”, bà Huệ nói.

Cũng theo bà Huệ, để hạn chế tình trạng xả thải phân lợn, trang trại đã đầu tư làm hệ thống biogas và một máy ép phân để xử lý phân ướt thành phân khô. Tuy nhiên, lượng xả thải lớn nên máy ép phân vẫn không đáp ứng được hết công suất.

Hiện người dân vẫn từng ngày, từng giờ phải hít thở không khí ô nhiễm từ trang trại lợn. Họ cho rằng, trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được các cấp chính quyền địa phương xem xét một cách thấu đáo. Thiết nghĩ, để người dân có một môi trường sống trong lành, UBND tỉnh Hà Nam, UBND huyện Bình Lục cần tích cực vào cuộc chỉ đạo chủ trang trại có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm. Cần thiết, có thể di dời trang trại này ra xa khu dân cư.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Đỗ Hoàng Hải - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Nam cho biết, trước đây trang trại đã hỗ trợ tiền cho một số hộ dân xung quanh về việc ruộng lúa bị ảnh hưởng. Thực tế, đã chăn nuôi thì mùi hôi thối là không tránh khỏi. Ông Hải cam kết sẽ điện thoại cho UBND xã Tiêu Động kiểm tra tình hình và để có phương án hỗ trợ người dân. “Tôi sẽ điện cho xã, huyện để xem như thế nào. Nói thật, không ảnh hưởng là không có đâu, mình cũng phải thẳng thắn với nhau để có biện pháp khắc phục”, ông Hải nói.

Đỗ Lực

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ha-nam-mot-nha-nuoi-lon-ca-lang-buonnon-20170415071714878.htm