Hà Nam chỉ đạo tốt công tác xử lý rác thải y tế trên địa bàn

Y tế tỉnh Hà Nam đã có nhiều đổi mới, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường hợp tác trong và ngoài tỉnh, đào tạo, sắp xếp đội ngũ cán bộ hợp lý.

Ông Lê Quang Minh – Giám đốc Sở Y tế Tỉnh Hà Nam - cho biết: Thời gian qua, ngành Y tế Hà Nam không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh, đưa ra nhiều giải pháp trong khám và điều trị bệnh...

Hà Nam được ghi nhận là địa phương đi đầu về phòng chống có hiệu quả một số bệnh dịch mới, nguy hiểm như:Cúm A (H5N1,H1N1), sốt xuất huyết, bệnh viêm đường hô hấp cấp. Thực hiện giám sát theo dõi tình hình dịch và báo cáo dịch theo đúng quy định.

Trong 6 tháng không ghi nhận tình hình dịch xảy ra; ghi nhận các ca bệnh truyền nhiễm tản phát: Tay chân miệng: 19 trường hợp, Sởi: 02 trường hợp, Ho gà: 05 trường hợp, Thủy đậu: 102 trường hợp. Đảm bảo đủ thuốc tiêm phòng các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Thực hiện tốt và đảm bảo an toàn công tác tiêm chủng tại trạm y tế các xã/phường/thị trấn, tính đến hết tháng 6, số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ là 7.450 cháu (đạt 44,2% kế hoạch)

Chủ động và kịp thời trong công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 5 tuổi đạt cao trên 90,0%; Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 12,7%.Nhiều hoạt động phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS được tăng cường, bước đầu hạn chế tốc độ gia tăng số người nhiễm HIV trong toàn tỉnh.

Giám đốc sở y tế ông Lê Quang Minh trao quà cho các cháu nhân ngày tết trung thu 1/6

Thực hiện tổng rà soát thực trạng hệ thống xử lý chất thải y tế của tỉnh và các đơn vị khám chữa bệnh. Đến tháng 6/2016, các đơn vị trong Ngành Y tế được trang bị 11 hệ thống xử lý rác thải y tế và 07 hệ thống xử lý nước thải y tế. Hệ thống xử lý chất thải y tế trang bị cho các đơn vị bước đầu đã làm giảm tình trạng ô nhiễm trong môi trường bệnh viện, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thiểu tác hại đến môi trường xung quanh.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, mạng lưới khám chữa bệnh trong tỉnh cũng phát triển theo hướng chuyên sâu. Nhiều bệnh viện chuyên khoa được thành lập; đội ngũ nhân viên y tế phát triển cả về chất và lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư, nâng cấp; một số mô hình y tế mới về chăm sóc sức khỏe được triển khai.

Công tác cải cách thủ tục hành chính được chú trọng đã thay đổi quy trình khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm phiền hà cho nhân dân. Phối hợp với cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ dược phẩm và hành nghề: Triển khai công tác kiểm tra chất lượng theo quy định, ngăn ngừa thuốc giả, hạn chế thuốc kém chất lượng. thuốc quá hạn dùng, thuốc không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường.

Các hoạt động cung ứng thuốc ổn định, không để xảy ra biến động lớn về giá thuốc trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm; đẩy mạnh công tác thông tin phổ biến các quy định quản lý về mỹ phẩm qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, ấn phẩm.

Công tác quản lý hành nghề dược ngoài công lập được thực hiện theo quy định, hiện tại toàn tỉnh có 354 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập được quản lý, trong đó: Nhà thuốc 19; Doanh nghiệp và Chi nhánh dược 16 và 319 quầy thuốc.

Ông Lê Quang Minh chia sẻ thêm: Nhằm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, tỉnh Tiến hành thực hiện đề án mua sắm máy chụp mạch và can thiệp tim mạch cho bệnh viện đa khoa tỉnh. Thực hiện tiếp nhận và xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế năm 2016 thuộc dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng vay vốn Ngân hàng Thế giới.

Cơ sở vật chất của các trạm y tế hiện tại đã đáp ứng yêu cầu cơ bản về điều kiện làm việc của cán bộ y tế, kinh phí xây dựng chủ yếu từ nguồn ngân sách của các xã, huyện và nguồn vốn xã hội hóa. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng cán bộ, ngành Y tế đã Cử đi học nâng cao, đào tạo liên tục, đào tạo tại chỗ theo hình thức cầm tay chỉ việc, tổ chức các hội nghị thảo luận chuyên đề; khuyến khích tự học, nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Đến nay, toàn ngành đã có đội ngũ cán bộ tương đối lớn mạnh với trình độ chuyên môn đại học, sau đại học, y dược và nhiều chuyên ngành khác.

Bên cạnh đó, ngành Y tế Hà Nam đã có chính sách đổi mới, mạnh dạn phát triển khoa học kỹ thuật, mở rộng hoạt động chuyên môn, tăng cường hợp tác trong ngoài tỉnh; hợp tác quốc tế, nâng cấp cơ sở, đầu tư trang thiết bị hiện đại; tăng cường đào tạo cán bộ, xắp sếp đội ngũ cán bộ hợp lý, đề cao kỷ cương hoạt động, cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, diện mạo của ngành Y tế Hà Nam đã từng bước được thay đổi.

Đức anh - Quang Huy/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/ha-nam-chi-dao-tot-cong-tac-xu-ly-rac-thai-y-te-tren-dia-ban-p41831.html