Hạ lãi suất cho vay: Khơi thông dòng vốn cho DN

Các doanh nghiệp cho rằng, việc giảm lãi suất sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bởi sức mua của thị trường đang ở mức thấp, hàng tồn kho cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp còn hạn chế...

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Cùng với việc hạ lãi suất, các doanh nghiệp cũng trông đợi Nhà nước thực hiện các giải pháp mang tính đột phá về thị trường để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Không nên giảm lãi suất quá nhanh
Lãi suất huy động và các mức lãi suất khác đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm mấy hôm nay. Nhiều ngân hàng đã áp dụng lãi suất tiết kiệm cho các kỳ hạn từ 1 tới dưới 12 tháng đồng loạt ở mức 8%/năm.

Cùng với việc một lần nữa điều chỉnh trần lãi suất huy động, Ngân hàng nhà nước cũng giảm mức lãi suất cho vay tối đa với 5 nhóm đối tượng xuống 12%/năm.
Tuy nhiên, tùy thuộc cơ cấu vốn huy động của ngân hàng mà giá vốn doanh nghiệp tiếp cận sẽ được điều chỉnh tương ứng. Hiện lãi suất cho vay ra của các ngân hàng dao động trong khoảng từ 10-16%/năm tùy chất lượng của khách vay.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, hạ lãi suất là đồng nghĩa với việc tiết giảm chi phí cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn. Nhưng tổng mức tín dụng năm nay chỉ đạt khoảng 6%, điều này cũng cho thấy, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp ở mức kỷ lục. Bởi vậy, lãi suất không phải là phương thuốc thần kỳ và duy nhất, thậm chí nếu hạ lãi suất nữa, tác dụng phụ có thể sẽ xảy ra.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia khuyến cáo: “Chúng ta đã có bài học rất sâu sắc khi hạ lãi suất nhanh và mạnh từ năm 2008 và 2009 rồi, sau đó lạm phát bùng lên và chúng ta lại phải nỗ lực để kìm chế lạm phát. Đây cũng là điều cần được các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận ra, không phải hạ lãi suất đã là tốt.”
Còn Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, lãi suất huy động giảm kéo theo lãi suất cho vay giảm. Quyết định này phù hợp với tình hình lạm phát năm 2012 và kỳ vọng lạm phát 7 % năm tới, cũng phù hợp với cung cầu vốn thị trường và chủ trương hỗ trợ sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm của Chính phủ.
Tuy nhiên, để làm tốt chủ trương này cũng cần có sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Nhà nước cho thị trường vào dịp đầu năm dương lịch và tết Nguyên đán. Điều này, sẽ tránh được những biến động lãi suất.
Đón đầu hạ lãi suất cho vay
Không giống như những lần trước thay vì chờ độ trễ chính sách, lần này nhiều ngân hàng thương mại đã “đón đầu” hạ lãi suất cho vay nhiều gói ưu đãi để kích tín dụng cuối năm.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn cuối năm 2012 và đầu năm 2013, VietinBank triển khai chương trình “20 ngày vàng – Tích lộc đón xuân, tri ân khách hàng” lãi suất chỉ từ 8,95% bắt đầu từ ngày 20/12 đến hết ngày 10/1/2013.
Chương trình áp dụng cho khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh đã được VietinBank cấp giới hạn tín dụng trước thời điểm 1/12/2012 và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định hiện hành của VietinBank. Thời hạn khoản vay lên đến 12 tháng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,95%. Đặc biệt, khách hàng có doanh số phát sinh trên tài khoản tiền gửi tháng 12/2012 và số dư tài khoản tiền gửi tháng 12 càng cao sẽ được nhận ưu đãi lãi suất càng lớn từ VietinBank, có thể giảm tới 4%/năm so với lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường của VietinBank.
Ông Trương Đình Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân tại OCB hiện chỉ còn 13,5%/năm và có thể giảm thêm thời gian tới. Lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất nhập khẩu hiện cũng chỉ còn 12%/năm.
Một số ngân hàng cho rằng, thị trường buộc ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất cho vay để đẩy mạnh dư nợ tín dụng. Điển hình là VPBank dành 3.000 tỷ đồng hỗ trợ nhu cầu vay vốn dịp Tết Nguyên đán 2013, với mức lãi suất 9,99%/năm; OceanBank triển khai sản phẩm cho vay ngắn hạn VND với lãi suất 6,8%/năm, thời hạn cho vay tối đa 3 tháng nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
Một lãnh đạo ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho biết, chỉ cần doanh nghiệp có tài chính ổn định, có khả năng trả nợ thì ngân hàng sẵn sàng cho vay lãi suất 12%-13%/năm để kích tín dụng cuối năm, nhưng quan trọng là doanh nghiệp không muốn vay, không dám vay.
Cũng theo các chuyên gia, lãi suất chỉ là một phần, sức mua của thị trường, đầu ra cho sản phẩm mới là mấu chốt với doanh nghiệp lúc này. Khúc mắc lớn nhất hiện nay là việc xử lý hàng tồn kho và kích thích vào sức cầu tiêu thụ của nền kinh tế. Nếu những vấn đề này được khơi thông và cùng kết hợp với việc hạ lãi suất thì mới phát huy được hiệu quả tổng thể.
Ông Ngô Văn Phăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Cà Mau cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đang "chết cứng" với hàng tồn kho và cạn kiệt tiền mặt. Nhiều doanh nghiệp muốn có phương án để tái đầu tư kinh doanh nhưng không thể vì vướng hàng tồn, trong khi sức mua thị trường lại giảm. Khi lãi suất cho vay giảm xuống, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiếp xúc với lãi suất thấp để tiếp tục tái đầu tư sản xuất kinh doanh.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ và vừa nói: “Đang lúc khó khăn như thế này, khi lãi suất hạ, doanh nghiệp chớp thời cơ vay để đầu tư, sản xuất, kinh doanh thì mới hy vọng hoạt động của doanh nghiệp được khôi phục.”
Tuy nhiên, một số Hiệp hội doanh nghiệp lại cho rằng, hiện lãi suất cho vay vẫn ở mức cao làm cho các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để phục vụ sản xuất kinh doanh như mong đợi.
Cùng với việc hạ lãi suất, các doanh nghiệp cũng trông đợi Nhà nước thực hiện các giải pháp mang tính đột phá về thị trường để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như áp trần lãi suất cho vay để các doanh nghiệp bình đẳng tiếp cận nguồn vốn./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/ha-lai-suat-cho-vay-khoi-thong-dong-von-cho-dn/201212/175706.vnplus