Hạ lãi suất, cánh cửa tín dụng đã hé mở

(ĐTCK) Từ ngày 11/4, các ngân hàng bắt đầu áp dụng biểu lãi suất mới khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định hạ trần lãi suất thêm 1%/năm, xuống 12%/năm. Tuy nhiên, tiếp cận được với tín dụng ngân hàng vẫn được đánh giá không phải thực sự đã dễ dàng đối với các DN.

Hạ lãi suất: thời điểm chín muồi

Tại buổi họp báo về vấn đề hạ lãi suất, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, khó khăn trong suốt những năm vừa qua là làm sao chặn đứng được lạm phát cao và đến nay tình hình này đã từng bước giảm xuống, hiện có những tín hiệu khả quan để mục tiêu đưa lạm phát xuống 10% nhiều khả năng đạt được. Trong quý I/2012, thanh khoản ngân hàng được cải thiện tích cực và vẫn đang được cải thiện mạnh mẽ. Quý IV/2011, sử dụng nguồn cao hơn nguồn có, thì đến thời điểm hiện tại, mức chênh lệch khoảng 130.000 tỷ đồng, trong đó nguồn có cao hơn. Dự trữ của các ngân hàng tại NHNN là hơn 60.000 tỷ đồng, cao hơn tiền gửi dự trữ bắt buộc trước đây khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng.

“Hai điều kiện tiên quyết là lạm phát hiện đã có tín hiệu tích cực, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện mạnh, tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất. Đây là thời điểm chín muồi”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Nhận xét về quyết định hạ lãi suất của NHNN, ANZ đồng quan điểm chính sách này là kết quả của mức tăng trưởng GDP thấp hơn so với dự đoán trong quý I/2012 (4%, mức thấp nhất từ quý I/2009) và điều này cũng dẫn đến dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn trong cả năm nay. Việc lạm phát giảm là nhân tố ảnh hưởng đến quyết định này. Tháng 3 vừa qua, CPI theo năm giảm xuống 14,2% so với mức cao nhất là 23% vào tháng 8/2011; với đà chậm lại, dự báo lạm phát sẽ tiếp tục giảm.

Ngoài ra, cũng theo ANZ, việc lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh cũng là một trong các nhân tố cho việc cắt giảm lãi suất lần này. Điều này sẽ giúp hạ thấp chi phí vốn so với mức lãi suất còn tương đối cao, khoảng 16 - 20% trong tháng 2/2012.

Đây là đợt cắt giảm lãi suất thứ hai tính từ đầu năm đến nay, sau đợt cắt giảm với mức 1%/năm vào giữa tháng 3, được nhìn nhận là một bước đi bất ngờ. Nhưng theo ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ocean Bank, NHNN đã thực hiện đúng lộ trình cam kết. Đặc biệt, hạ lãi suất thể hiện nỗ lực của NHNN trong việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất - kinh doanh. Bởi lẽ, lãi suất cao là một trong những nguyên nhân khiến trong năm 2011 có 79.000 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản.

Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, trong quý I/2012, số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại TP. HCM, trong quý I/2012, có 931 doanh nghiệp khóa mã số thuế để hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 5.012 doanh nghiệp gửi thông báo ngừng hoạt động.

Đi cùng những số liệu nêu trên là tình trạng sản xuất đình đốn, tiêu thụ của nhiều ngành cũng giảm mạnh, nên lượng tồn kho của nhiều sản phẩm rất cao. Tính đến thời điểm 1/3/2012, lượng tồn kho của phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,7%; sắt, thép tăng 59,1%; bia và mạch nha tăng 48%; cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 29%; sợi và dệt vải tăng 6,6%; đồ uống không cồn tăng 11%...

“Do vậy, hạ lãi suất lúc này là đúng, cần thiết, phù hợp với xu thế, vì doanh nghiệp đang cần sự hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn”, ông Thắm nhấn mạnh.

Tại BIDV, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 14,5%/năm, trung và dài hạn từ 16%/năm

Các NHTM nhanh chóng nhập cuộc

Tại buổi họp báo công bố điều chỉnh hạ lãi suất cho vay bắt đầu thực hiện từ ngày 12/4, ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc BIDV nhấn mạnh, quyết định hạ lãi suất cho vay của BIDV nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn của dự án, phương án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với khả năng huy động vốn và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa theo quy định của NHNN. Đồng thời, ưu tiên vốn tín dụng phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động, các dự án sản xuất hiệu quả.

Cụ thể, đối với cho vay ngắn hạn thông thường, lãi suất từ 14,5%/năm (giảm 2,5%/năm); cho vay trung, dài hạn thông thường, lãi suất từ 16%/năm (giảm 1,5%/năm); cho vay bất động sản áp dụng như cho vay thông thường. Đối tượng ưu tiên của BIDV là cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay phụ trợ, lãi suất từ 14%/năm (giảm 2%/năm); cho vay sản xuất, hỗ trợ xuất khẩu, lãi suất từ 13,5%/năm (giảm 2,2%); cho vay khắc phục hậu quả bão lũ, lãi suất từ 13%/năm (giảm 2%/năm)…

Tại Ocean Bank, ông Thắm cho biết, Ngân hàng sẽ hạ lãi suất trong tuần này, với mức lãi suất cho vay thấp nhất là 15,5%/năm. Còn tại Eximbank, ngân hàng này đã ra thông báo dành 6.000 tỷ đồng với lãi suất 16,5%/năm, áp dụng từ ngày 11/4, dành cho các đối tượng là doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ vốn mua nhà đối với người có thu nhập thấp.

Phó tổng giám đốc TienPhong Bank, ông Nguyễn Việt Anh cho hay, hiện thanh khoản của Ngân hàng khá dồi dào, đặc biệt tăng mạnh sau khi NHNN hạ trần lãi suất huy động xuống 13% hồi tháng 3/2012. Bởi lẽ, khách hàng đã tin tưởng hơn vào thị trường nên chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, do ngại lại suất sẽ tiếp tục giảm. Do đó, ngân hàng cũng dễ cân đối nguồn, chủ động hơn trong hoạt động cho vay, nên TienPhong Bank vừa ban hành chính sách tín dụng mới. TienPhong Bank tiếp tục triển khai chương trình dành 1.500 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực công nghệ cao, kinh doanh xuất khẩu...; một số dự án tốt được hưởng mức lãi suất thấp nhất là 14%/năm. Hệ thống sản phẩm cho vay đa dạng hơn trên toàn hệ thống, mở rộng đối tượng khách hàng, ưu tiên cho các gói vay mua nhà, mua ô tô...

Nhưng vẫn còn quan ngại

ANZ chia sẻ, về lạm phát, mặc dù chính sách cắt giảm lãi suất không làm thay đổi quan điểm của ANZ rằng, lạm phát sẽ xuống mức 1 con số vào cuối năm 2012, nhưng tốc độ quá nhanh của chính sách bình ổn tiền tệ không khỏi làm ANZ quan ngại. Thứ nhất, việc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay này có thể sẽ khiến kỳ vọng lạm phát tăng cao và gây khó khăn cho việc duy trì mức lạm phát trong tầm kiểm soát như hiện nay. Thứ hai, lạm phát suy giảm gần đây chủ yếu là do giá cả thực phẩm giảm, trong khi đó giá cả của các mặt hàng phi thực phẩm/xăng dầu vẫn tương đối cao. Điều này cho thấy sức ép lên giá cả từ nhu cầu của người dân vẫn chưa dịu lại, mặc dù đã được giảm nhẹ do tăng trưởng chậm lại.

“Mặc dù dự đoán lãi suất sẽ tiếp tục được cắt giảm thêm khoảng 4% trong cả năm 2012 khi nhìn vào những thay đổi gần đây trong chính sách nới lỏng tiền tệ, nhưng ANZ hy vọng, NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất trong quý II để có thời gian đánh giá những ảnh hưởng của hai đợt cắt giảm lãi suất đối với tốc độ phát triển. Bên cạnh đó, vẫn cần quan sát kỹ các biến động của lạm phát để có chính sách hợp lý nhất”, ANZ khuyến nghị.

“Nếu giảm lãi suất nhanh nữa, e rằng sẽ làm tăng lạm phát. Do vậy, việc có giảm lãi suất nhanh nữa hay không nên chờ đến tháng 6, tháng 7, khi các biến số của kinh tế vĩ mô rõ ràng, cụ thể hơn. Quyết định có thể tăng nhanh và nhiều trong thời gian tới là mạo hiểm”, ông Thắm nói.

Điều quan trọng hơn là tại buổi họp báo, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ, từ giữa tháng 3/2012, NHNN đã hút về tổng khối lượng 45.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành tín phiếu với các kỳ hạn 1, 3 và 6 tháng. Ở kênh trái phiếu chính phủ, khối lượng phát hành cũng khá lớn, từ đầu năm đến nay khoảng 30.000 tỷ đồng.

Một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, mặc dù có ý kiến cho rằng, đó là hoạt động bình thường của Chính phủ, nhưng hai điểm trên có nghĩa tiền trong nền kinh tế vẫn đang được hút về khá nhiều. Do vậy, cho dù NHNN tuyên bố hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng chưa chắc doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận tín dụng từ ngân hàng.

Hồng Dung

Ý KIẾN PHẢN HỒI CỦA BẠN

Tên của bạn

Email của bạn

Nhập mã

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/CHGCAI/ha-lai-suat-canh-cua-tin-dung-da-he-mo.html