Hà Giang khắc phục những tồn tại nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch

Du lịch Hà Giang đã có sức cuốn hút đối với du khách trong nước và quốc tế, nhất là vào những thời điểm diễn ra các lễ hội như: Lễ hội Hoa Tam giác Mạch, Chợ tình Khâu Vai, Lễ hội Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín, Lễ hội Nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn…

Du lịch Hà Giang đã có sức cuốn hút đối với du khách trong nước và quốc tế, nhất là vào những thời điểm diễn ra các lễ hội như: Lễ hội Hoa Tam giác Mạch, Chợ tình Khâu Vai, Lễ hội Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín, Lễ hội Nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn…

Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú; bên cạnh đó, Hà Giang là nơi sinh sống của trên 17 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có một nét văn hóa và truyền thống đặc trưng mang đậm nét huyền bí…nên ngành du lịch của Hà Giang chứa đựng một tiềm năng lớn để phát triển ở tất cả các loại hình.

Điển hình như du lịch khám phá khoa học về bí ẩn kiến tạo địa chất qua hàng triệu năm của Cao nguyên đá và văn hóa của các dân tộc trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; trải nghiệm văn hóa truyền thống tại các làng du lịch văn hóa cộng đồng; du lịch văn hóa tâm linh tại các điểm di tích; du lịch văn hóa thương mại tại các cửa khẩu biên giới và các chợ phiên mang đậm nét truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; du lịch nông nghiệp gắn với phương thức canh tác độc đáo trên đá của đồng bào các dân tộc 4 huyện vùng Cao nguyên đá…

Trong những năm qua, sự tăng đột biến của lượng du khách đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch Hà Giang như: việc nâng cao chất lượng phục vụ du khách; sự đa dạng của các sản phẩm du lịch; sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức du lịch nhất là khi vào mùa lễ hội... Bên cạnh đó, một số lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc như Lễ hội Nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Cúng rừng của đồng bào dân tộc Nùng tại huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần… mới chỉ mang tính giới thiệu, quảng bá chứ chưa quan tâm đến công tác phát triển và bảo tồn một cách bền vững trước sự du nhập của văn hóa ngoại lai không có tính chọn lọc và còn mang nặng tính thương mại…

Từ thực tiễn đó đã đặt ra cho ngành du lịch Hà Giang cần phải có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Theo định hướng của ngành Du lịch tỉnh Hà Giang, trong thời gian tới, ngành du lịch của tỉnh sẽ đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm để hoàn thành hệ thống các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa đi đôi với công tác bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng có chất lượng cao, phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ cho công tác du lịch. Đồng thời, đầu tư, tôn tạo các điểm du lịch tâm linh đi đôi với cải cách hành chính nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch gắn với công tác bảo vệ môi trường và sự đa dạng sinh học; xử lý nghiêm các trường hợp lừa gạt khách du lịch; nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý du lịch; đảm bảo tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phục vụ du khách; xây dựng cộng đồng du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân từ chính các sản phẩm du lịch do họ tạo ra…/.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=1005&itemid=35940