Hạ cây sưa 200 tuổi giá 50 tỷ: Cho thêm 1,5 tỷ

Sau khi bàn bạc, thống nhất, người mua đã đồng ý hỗ trợ thêm cho địa phương 1,5 tỷ đồng nâng tổng giá trị của cây sưa lên 26 tỷ.

Trao đổi với báo chí tối 25/3, ông Nguyễn Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết, cây sưa 200 năm tuổi từng được rao bán 50 tỷ đồng ở đình làng Đông Cốc đã được chặt hạ và chuyển giao xong vào chiều cùng ngày.

Cụ thể, người thắng tại phiên đấu giá hồi tháng 8/2016 là ông Nguyễn Văn Hùy (Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) với mức giá đưa ra là 24,5 tỷ đồng.

Theo chính quyền địa phương, sau khi bàn bạc, thống nhất, ông Hùy đã đồng ý hỗ trợ thêm cho địa phương 1,5 tỷ đồng nâng tổng giá trị của cây sưa cho đến khi chặt hạ, bàn giao là 26 tỷ đồng.

Ngoài số đã chuyển, số tiền còn lại được ông Hùy chuyển ngay sau khi cây sưa bàn giao và kiểm đếm trực tiếp tại đình làng.

Cây sưa 200 tuổi bị chặt hạ

Lãnh đạo xã Hà Mãn khẳng định, việc chặt hạ cây sưa nhận được sự đồng thuận của cấp trên, nhân dân được hưởng lộc của thánh, còn lại tiền để xây dựng, tu bổ đình làng. Trong quá trình chặt hạ, múc gốc cây sưa này thì một số phần rễ, cành đã bị thối, hỏng nên lượng gỗ thu về cũng không được nhiều.

Được biết, người đấu giá thành công cây sưa là ông Nguyễn Văn Hùy đã chuyển đủ số tiền 26 tỷ đồng cho địa phương. Theo ông Hùy, số gỗ sưa này sẽ được tiến hành xẻ ra tại xưởng của gia đình và đóng các đồ quý giá để bán.

Trả lời về việc có bán cây sưa này đi Trung Quốc không? ông Hùy cho biết, bản thân ông cũng không biết bán như thế nào qua Trung Quốc mà chỉ biết làm hàng gỗ quý để bán.

Người dân vẫn không đồng tình

Liên quan đến vụ việc trên, một người dân địa phương cho biết, khi việc chặt hạ bắt đầu được tiến hành ở đình làng, một số người dân ra bày tỏ sự không đồng tình vì giá bán 24,5 tỷ đối với cây sưa 200 năm này là thấp hơn nhiều so với mức 49 tỷ mà một người đã mua trước đó.

Đây cũng là nguyên nhân gây ra vụ xô xát trong cuộc họp tiếp dân ngày 7/12/2016, tại đình thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh) khiến một thanh niên bị đánh chảy máu đầm đìa ở đầu.

Sau đó, UBND huyện Thuận Thành, đã quyết định tạm dừng khai thác cây gỗ sưa tại đình làng Đông Cốc, xã Hà Mãn nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Phần gỗ của cây sưa 200 tuổi được chuyển lên xe. Ảnh: TTT

Theo Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, cây sưa đỏ 200 tuổi nằm trong khuôn viên Đình Đông Cốc, đây là một di tích đã được xếp hạng, hơn nữa đây là loại cây nằm trong sách đỏ muốn khai thác và sử dụng phải được sự đồng thuận, cho phép của các cấp có thẩm quyền. Nếu được khai thác thì phải sử dụng nguồn tài chính trên đúng mục đích.

Ông Lê Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hóa huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cho biết, việc xin được bán cây sưa để trùng tu di tích Đình Đông Cốc là có thật. Theo đó, vào năm 2012, xã Hà Mãn có làm đơn gửi lên cả Sở NN-PTNT, cơ quan quản lý về lâm nghiệp của tỉnh xin được bán cây sưa.

Theo ông Bắc, những cây sưa cổ thụ trên có từ lâu đời, nằm trong khuôn viên đình Đông Cốc nên thuộc sở hữu của BQL di tích đình. Tuy nhiên, đây là di tích quốc gia nên việc khai thác tài sản trong di tích phải được sự cho phép của cấp Bộ.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Hữu Mạo - Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh khẳng định rằng, việc bán cây sưa 200 tuổi ở Đình Đông Cốc đã được Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý cho địa phương đấu giá. Chi cục kiểm lâm cũng đã có văn bản xác định rằng cây sưa 200 tuổi này đã chết.

Ngọc An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-cay-sua-200-tuoi-gia-50-ty-cho-them-15-ty-3331892/