Gương hậu ôtô tới hồi kết?

Ít ai trong chúng ta có thể mường tượng một vài năm nữa, ôtô sẽ không còn gương hậu, nhưng ở Nhật và châu Âu, các nhà sản xuất đã có lộ trình cho việc loại bỏ chi tiết này trên xe.

Khám phá lịch sử gương hậu trên ôtô, ta cần biết một vài cái tên. Trước hết, đó là các tay đua Ray Harroun và Cyrus Patschke. Ý tưởng lắp gương hậu, cho phép không cần ngoái cổ quan sát phía sau, được các tay đua trên đưa ra trước khi bắt đầu cuộc đua "500 dặm Indianapolis" năm 1911.

Xe chiến thắng trong cuộc đua “Indy 500” đầu tiên - Marmon Model 32. Hộp đựng gương hậu gắn ngay trước mặt tay đua, hạn chế tầm quan sát phía trước.

Người phát minh

Harroun nhờ thiết bị này đã giành chiến thắng, song gương hậu không được xem là yếu tố quan trọng đem lại chiến thắng này. Chính Ray thừa nhận gương hậu rung lắc mạnh - che bớt đường đua bầu dục nổi tiếng tại Indianapolis. Bởi vậy người ta không mấy chú ý tới gương hậu.

Khi đó, trên đường thông thường, người điều khiển xe không có nhu cầu quan sát phía sau. Tuy nhiên, ý tưởng này đã được các kỹ sư lưu ý, và chỉ tới năm 1921 Elmer Berger người Mỹ mới đăng ký bằng sáng chế gương hậu, để tổ chức sản xuất và gương hậu trở thành chi tiết cần trong dây chuyền sản xuất ôtô.

Pontiac 1939 chỉ có một gương hậu trong ca-bin, dù ôtô thời đó đã bổ sung gương ngoài.

Cũng có giả thuyết khác là gương hậu được Rolls-Royce sử dụng cho các xe của mình từ năm 1906. Song điều này chưa thể khẳng định qua những hình ảnh nổi tiếng thời đó. Cuốn sách của Anh “Phụ nữ và xe hơi” (do một phụ nữ viết) năm 1906 cũng khuyến cáo người điều khiển ôtô nên sử dụng gương bỏ túi thông thường để quan sát phía sau. Hầu hết quan điểm đều cho rằng Berger là "người phát minh ra" gương hậu, dù gương hậu phải đến năm 1914 mới được ứng dụng cho xe sản xuất hàng loạt.

Giai đoạn đầu, người ta chỉ lắp một gương hậu (trong ca-bin) cho xe hơi. Đó là chiếc gương ngày nay lắp sát kính chắn gió. Tuy nhiên đô thị nhanh chóng trở nên đông đúc, nên cần tới gương hậu bên ngoài - bên trái người điều khiển. Thập niên 1940, xe hơi thường được trang bị 2 gương hậu.

Hai gương hậu, một trong một ngoài, như Cadillac Eldorado, là chuẩn mực thập niên 1940.

Gương hậu thứ ba xuất hiện sau Chiến tranh Thế giới thứ II, tuy nhiên nhiều nhà sản xuất từ lâu đã coi nó không quá cần thiết. Đặc biệt tại Liên Xô, luật pháp không bắt buộc lắp gương hậu bên ngoài ở phía phải. Do đó, chiếc Oka đến gần thế kỷ XXI cũng mới chỉ có 2 gương chiếu hậu (bên trái và trong cabin).

Ngay cả bản xe Lada Oka điện thử nghiệm dành cho diễu hành và triển lãm cũng chỉ có 2 gương hậu.

Các biến thể

Đương nhiên, gương hậu theo thời gian được hoàn thiện - trước tiên là cải thiện tầm quan sát và giảm các điểm khuất. Các dạng vật liệu, kính quang học cong và phủ màu được thử nghiệm để tăng góc quan sát và tránh làm lóa mắt khi nhìn vào gương.

Năm 1958, Chrysler lần đầu tiên sử dụng gương hậu trong ca-bin với khả năng chuyển sang các chế độ "ngày và đêm". Dần dần gương dạng xiên theo mặt cắt ngang (mặt trước và mặt sau gương không song song với nhau) trở thành chuẩn mực. Khi đổi góc nghiêng, hệ số phản xạ của gương cũng thay đổi.

Do công suất và tốc độ ôtô tăng lên, gương ngoài cũng tiến hóa và có hình dáng thuôn khí động học. Và gương hậu bắt đầu trở thành yếu tố thẩm mỹ.

Trong quá trình tìm kiếm vị trí tối ưu cho gương hậu bên ngoài, người ta chọn lắp gần đầu xe. Vị trí này được xem là có ưu thế về an toàn: người lái ít có lý do liếc sang 2 bên. Tuy nhiên cơ cấu điều khiển gương lại phức tạp và bất tiện. Thiết kế này được sử dụng lâu nhất tại Nhật Bản - đến thập niên 1980. Trong ảnh: Datsun 240Z (Nissan S30), sản xuất đến năm 1978.

Gương hậu điều khiển bằng điện xuất hiện năm 1982, song trong một thời gian dài, nhiều nhà sản cho rằng gương điều khiển cơ đơn giản và ưu việt hơn. Ngày nay, như đã biết, thậm chí ở các mẫu xe bình dân gương hậu cũng có thể tự động gập/mở. Với nhiều chủ sở hữu, chức năng này là không cần thiết, song họ vẫn chấp nhận gương điện.

Ngoài chức năng điều khiển bằng điện, gương hậu bên sườn còn có thêm tính năng tự sưởi ấm và có thể được tích hợp xi-nhan vào cụm gương, nên chúng ngày càng không đơn giản và dễ bảo trì. Hiện, gương hậu là cụm linh kiện quang-điện khá phức tạp. Một số mẫu xe tiên tiến còn bổ sung thêm camera, để truyền tải hình ảnh tới màn hình đặt trên bảng điều khiển.

Gương nhiều phần được sử dụng khá rộng rãi, cho phép quan sát các vùng “chết”.

Gường hậu trong ca-bin được bổ sung các tính năng điện tử và kỹ thuật số. Một trong những gương hậu thông minh đầu tiên được công ty Gentex giới thiệu năm 1987. Độ nét hình ảnh có thể điều chỉnh nhờ 2 cảm biến.

Thay đổi mạnh mẽ

Thị trường luôn có những đề xuất khá hiệu quả cho gương hậu thông thường trong ca-bin. Đầu tiên là gương toàn cảnh. Gương toàn cảnh sau đó trở thành thiết bị chuẩn trong ôtô, tuy nhiên nó vẫn phải nâng cấp với nhiều tiện ích mới như kết hợp chức năng bắt sóng radar, lưu trữ hình ảnh video, định vị, kết nối Bluetooth, tự động mở cửa garage và... là màn hình cho camera ở đuôi xe. Ngoài ra, gương hậu trong ca-bin còn bổ sung thêm các chức năng như đồng hồ báo thức-la bàn-nhiệt kế.

Một trong những hãng đi tiên phong trong việc không sử dụng gương hậu là Nissan. Nhà sản xuất Nhật Bản năm 2014 giới thiệu cụm gương hậu thích ứng trong ca-bin với màn hình LCD đầu tiên trên thế giới. Một năm sau, hãng Pioneer tung ra phiên bản gương hậu với khả năng truy cập internet, định vị-lưu trữ, nhận dạng giọng nói, dịch vụ điện thoại di động cùng một loạt tùy chọn giải trí. Gương hậu trong ca-bin được tích hợp con quay hồi chuyển và đồng hồ đo gia tốc, giúp nó có thể giám sát người lái, để cảnh báo những tác động không an toàn. Có thể nói gương hậu điều chỉnh hành vi của lái xe!

Nhiều nhà sản xuất điện tử đưa ra gương hậu đa năng trong cabin.

Ngày nay những phát triển như trên hầu như đều được các nhà sản xuất xe hơi ứng dụng, nhưng họ lại vấp phải một khó khăn chung. Đó là việc tích hợp quá nhiều chức năng vào gương hậu khiến lái xe mất tập trung khi điều khiển.

Đổi luật!

6 năm trước, khi Google quyết định chế tạo nguyên mẫu xe không người lái, công ty này buộc lắp gương hậu cho ôtô, dù xe "không người lái" không cần đến chúng. Nhưng nếu không như vậy, dự án không thể thử nghiệm trên đường công cộng.

Có thể gương hậu truyền thống còn tiếp tục chống lại cuộc xâm lăng của camera và màn hình hiển thị trong một thời gian dài nữa. Ngay các nguyên mẫu xe hiện đại vẫn sử dụng gương truyền thống. Điều đáng tiếc khác là các nguyên mẫu thiết kế phá cách hiếm khi được đưa vào sản xuất hàng loạt. Trong ảnh: Nguyên mẫu Toyota FT-1.

Gương trên ôtô được qui định nghiêm ngặt trong luật và các qui chuẩn. Bởi vậy, để thay gương bằng camera, ngành công nghiệp ôtô phải tìm cách thay đổi quy định hiện hành. Và chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa một kỷ nguyên mới! Kỷ nguyên không gương hậu.

Tại Nhật Bản, kỷ nguyên này đã bắt đầu: tháng 6/ 2016 nhà chức trách đã chức chính thức cho phép ôtô trang bị camera và màn hình hiển thị thay gương hậu được lưu hành. Theo dự báo của Ichikoh Industries, nhà sản xuất hàng đầu các thiết bị như vậy, tới năm 2023 khoảng 30% số xe mới bán tại Nhật Bản sẽ sử dụng camera thay gương hậu.

Xe không người lái Mercedes-Benz F 015 Luxury in Motion: người điều khiển trên danh nghĩa có thể ngồi xoay lưng lại chơi bài. Gương chiếu hậu không còn cần thiết.

Ở châu Âu, 3 ông lớn hàng đầu nước Đức bắt đầu vận động sử dụng gương hậu mới. Lập luận của họ là, nếu bạn thực sự ủng hộ môi trường, hãy từ bỏ gương hậu ngoài lỗi thời. Camera hiện đại nay hiệu quả hơn, và an toàn hơn, và còn giúp cải thiện khí động học để giảm tiêu thụ nhiên liệu quan đó giảm lượng khí thải.

BMW giới thiệu nguyên mẫu hybrid i8 Mirrоrless tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) 2016 ở Las Vegas - tất cả các gương được thay bằng camera.

Mẫu xe concept điện Audi quattro e-tron (dự kiến đưa vào sản xuất hàng loạt năm 2018), không có gương hậu bên sườn, thay vào đó là camera do lái xe điều khiển gấp/mở. Hình ảnh từ camera được đưa lên màn hình táp-lô trung tâm. Có vẻ như đây chưa phải là lựa chọn tốt nhất khi lái xe thường xuyên phải ngước xuống quan sát. Trong một phát triển tương tự của Mercedes, hình ảnh được hiển thị trên các màn hình hai bên mép gương hậu trong cabin – dễ quan sát hơn đôi chút song vẫn chưa hoàn hảo.

Tất cả hình ảnh phía “sau” ở i8 Mirrоrless được truyền tới màn hình, gắn tại vị trí thường bố trí gương hậu trong ca-bin. BMW khẳng định xe sẽ được đưa vào sản xuất năm 2019

Dự kiến đến năm 2018, Liên minh châu Âu và Mỹ sẽ bãi bỏ việc bắt buộc sử dụng gương hậu. Và ngay bây giờ đã hình thành ý kiến khách quan rằng sử dụng camera quan sát phía sau tốt hơn và mở rộng hơn. Có lẽ đã tới lúc phải nói lời tạm biệt gương hậu!

Nguồn Xe Đời Sống: http://xedoisong.vn/cong-nghe/guong-hau-oto-toi-hoi-ket-16656.html