Gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng nào?

(ĐTCK-online) Câu hỏi này tưởng như dễ, nhưng trước tình trạng lãi suất thực tế khác lãi suất công bố của các ngân hàng, lại trở thành không dễ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2011 của Hà Nội tăng 1,32% so với tháng trước và tăng tới 21,52% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 20,24% của tháng trước, mức tăng cao nhất của tháng 7 ba năm gần đây. Tại TP. HCM, CPI tháng 7/2011 tăng 1,07% so với tháng 6 và tăng gần 17,9% so với cùng kỳ năm trước từ mức tăng trên 16,5% của tháng trước. CPI tăng cao nghĩa là lạm phát tăng, VND mất giá và lãi suất VND sẽ chưa bớt nóng. Bên cạnh đó, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến giữa tháng 7 chỉ đạt khoảng 3,96% so với cuối năm ngoái, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 7%. Như vậy, thanh khoản của một số ngân hàng vẫn là một vấn đề nóng. Điều này có nghĩa cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng sẽ tiếp tục gay gắt. Mức trần lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định là 14%/năm. Tuy nhiên, theo khảo sát của ĐTCK, hiện các ngân hàng thương mại từ nhỏ, trung bình và lớn, đến cả các ngân hàng quốc doanh được đánh giá lớn nhất trên thị trường ngân hàng hiện nay đều không tuân thủ quy định này. Ví dụ, ở Ngân hàng V, lãi suất huy động cho món tiền khoảng 1 tỷ đồng lên tới 19%/năm; Ngân hàng H sẵn sàng trả lãi suất 19,5%/năm cho món tiền trị giá 500 triệu đồng; Ngân hàng S trả lãi suất lên đến 20%/năm đối với khách hàng có tiền gửi vài tỷ đồng. Tình trạng trên lại không xảy ra ở các ngân hàng nước ngoài 100% vốn hoạt động tại Việt Nam. Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered Việt Nam cho biết, không có chuyện vượt trần lãi suất huy động tại ngân hàng này. Tương tự, tại Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam và Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ Việt Nam, câu chuyện cũng vậy. Điểm chung nhất của các ngân hàng này là tuân thủ nghiêm túc quy định của NHNN, chấp nhận khách hàng không đến gửi tiền bởi lãi suất huy động không cao, nhưng thu hút khách hàng bằng sự chuyên nghiệp, dịch vụ được đảm bảo bằng uy tín của ngân hàng. Vậy vấn đề chính ở đây là người dân nên gửi tiền vào ngân hàng nào? Ngân hàng có lãi suất càng cao càng tốt hay ngân hàng lãi suất không cao nhưng có uy tín không chỉ trong nước, mà còn trên thế giới? Theo TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. Một số chuyên gia ngân hàng gợi ý, nên lựa chọn một ngân hàng uy tín làm ngân hàng "ruột" để thực hiện các giao dịch. Đồng quan điểm này, nhưng có chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh bất định của kinh tế Việt Nam, trong ngắn hạn, ngân hàng nào lãi suất cao thì nên gửi tiết kiệm với kỳ hạn ngắn. Một điều đáng tiếc là hiện NHNN chưa có bảng xếp hạng đánh giá các ngân hàng, nên một bộ phận người dân cảm thấy lúng túng khi lựa chọn ngân hàng để giao dịch và đặt niềm tin!

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CGFEHB/gui-tien-tiet-kiem-tai-ngan-hang-nao.html