Gửi người cha đã mất...

QĐND - Sau cái lắc đầu của bác sĩ, mọi người trong gia đình giàn giụa nước mắt, cố kìm tiếng nấc để cha không nghe thấy. Con chỉ nhớ loáng thoáng có ai ra ngoài hành lang gọi điện báo tin cho họ hàng. Cha nói giọng yếu ớt: Ta muốn nói với con trước...

Bàn tay trắng bệch của cha chỉ vào con. Con ư? Con chỉ là con gái trong nhà thôi mà. Còn con trai trưởng của cha và cậu út?

Con lại gần nắm bàn tay cha. Lần đầu tiên con cầm tay cha như thế. Mọi người ý tứ bước ra vì đoán chừng cha chỉ muốn nói với con. Cha cầm bàn tay con và nói:

- Con à, người lớn có nỗi khổ của người lớn không dễ nói ra… Con…

Chưa hết ý, bàn tay cha đang nắm tay con buông lỏng, cha thở dài một hơi và bàn tay đã buông hẳn tay con, giật giật…

Con đã khóc rống lên: Mọi người ơi, bác sĩ!... Bố ơi!

Vậy là cha đã đi, hai đứa em trai nhìn con. Và mọi người bắt đầu khóc thỏa thích mà không sợ cha nghe thấy nữa.

Mấy ngày sau đó con không ngủ hoặc có ngủ cũng chỉ chập chờn. Trước đây, con chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ có thể có được thứ tình cảm như thế với cha....

Cha và mẹ con lấy nhau khi cả hai mới 18 tuổi. Chả trách người ta cứ khuyên con trẻ không nên kết hôn sớm. Hai bậc phụ huynh còn quá trẻ đã không học được cách làm cha làm mẹ. Thế là chia tay. Cha về nhà cha, mẹ về nhà mẹ, hai nơi cách nhau trăm cây số. Chiến tranh, thất lạc. Khi con lớn lên và hỏi bố đâu, mẹ con chỉ vào cái bản đồ và bảo: ở đây, chỗ này này, giống như trái tim của một cơ thể. Từ đó trong lòng con khôn nguôi một nỗi nhớ vô hình và một ý chí không gì lay chuyển nổi: Con sẽ tìm bằng được cha, bất chấp bom đạn bay vèo vèo hằng ngày trên thành phố trọng điểm của bom Mỹ. Bất chấp ngày ngày con phải chạy xuống hầm tăng xê ngập nước mấy lần. Bất chấp bữa cơm, bữa khoai, bữa sắn… Trên đầu con chỉ có một nỗi sợ: Liệu con có qua khỏi cuộc chiến tranh mà ngày nào trong làng cũng báo tin dăm người chết, để đi tìm cha?

Rồi chiến tranh cũng kết thúc. Con lên Thủ đô học, nơi con được biết, chính là quê cha đất tổ của mình.

Con đến địa chỉ mà mẹ cho ở phố Nguyến Khắc Nhu. Người ta trả lời: Nhà cháu đi tản cư, khi về thì nhà đã bị bán. ông bà nội hy sinh từ khi cha còn nhỏ nên cha tự lập thân và sống ở đâu không rõ. Con lênh đênh ở mảnh đất lạ và đất này là quá rộng lớn đối với một con bé đã lớn lên ở một tỉnh lẻ như con.

Năm cuối cùng đại học kết thúc cũng là lúc con lần ra được địa chỉ của cha. Đêm trước khi đến gặp cha, con nghĩ ra một kịch bản hoàn hảo để diễn vào hôm sau.

Con vẫn nhớ mình đã rụt rè gõ cửa ra sao và cha đã ra mở cửa và nhìn con lạ lẫm thế nào. Con cố làm ra vẻ tự nhiên và hỏi:

- Cháu chào bác, cháu tên là Hoa, bạn của Thu. Cháu đến hỏi xem bác có biết ai trạc tuổi cháu mà tên là Thu không?

- Thu à, Nguyễn Thị Thu?

- Vâng ạ!

- Thật không? Nó là con gái bác! Con gái rượu của tôi đấy... Chiến tranh, tản cư xong nhà bác mất, trở nên nghèo khó, rồi bao biến cố xảy ra... bác chả có điều kiện để đi tìm nó. Thu ở đâu rồi con? Nó có khỏe không? Giọng cha rạn vỡ.

- Là con đây ạ... Con đã òa khóc với niềm tức tủi đã được dồn nén hai chục năm trời.

- Thế à, con gái rượu tôi đây sao? Nó xinh đẹp thế này sao?

Con hỏi cha trong nước mắt, rồi lại cười: Bố à, ở Hà Nội gọi xấu xí là xinh đẹp sao?

- Con gái rượu của tôi, nó còn thông minh nữa kìa!

- Lại rượu! Liền theo hai tiếng ấy là một người phụ nữ trẻ và chắc nịch bước ra. Đoán chừng là mẹ hai nên con chào:

- Cháu chào cô!

- Con gái anh đấy! Cha tôi rụt rè nói - Nó có thể ở đây ít ngày không em?

- Được! Mẹ hai tôi trả lời.

Con ái ngại nói: Con sẽ về ngay thôi ạ. Con chỉ cần biết đây là bố con. Thỉnh thoảng con sẽ về thăm bố, thăm cô...

- Con ở đây ít ngày. Còn bao nhiêu chuyện về con bố chưa biết mà?

- Cứ ở đây! Mẹ hai lại nói chắc nịch.

Con thấy mình được chào đón và đồng ý ở lại. Trước đó con đã định đi theo kịch bản là sẽ đánh bài chuồn nếu cha hỏi con: “Thu là ai”.

Con còn sung sướng hơn khi biết mình đã có thêm hai em trai nữa. Con đã vừa chia kẹo cho hai đứa em lớn bổng vừa xin lỗi vì tưởng chúng còn nhỏ. Nhưng đột nhiên, hôm sau, cha kéo con ra một chỗ vắng để bảo: Con không ở đây nữa nhé! Con về trường ngay sáng nay được không?

Con đã nhìn vào mặt cha với đôi mắt bướng bỉnh: Thế mà con đang định ra trường ở lại đây làm việc và con sẽ đến đây ở với bố cho vui đấy ạ!

- Không được! Cha nói như đinh đóng cột và không giải thích gì thêm.

Con đã chào mọi người trong sự kìm nén và bước ra khỏi nhà với một tâm trạng của kẻ suýt chết đuối. Con đã chẳng nhớ rõ làm thế nào mình về được ký túc vào lúc nửa đêm khi bạn bè đang không khỏi lo lắng. Chúng xúm vào hỏi con:

- Thế nào, có tìm thấy không?

- Không, đó là một người khác!

Năm tháng qua đi nhưng nỗi tủi hờn trong con cứ lớn dần lên. Sao con có thể nghĩ khác được chứ, khi mà suốt tuổi thơ con luôn mong muốn gặp cha. Con trở thành người lớn, con yêu mối tình đầu và những khi người yêu phụ tình… con đâu có cha để chỉ bảo? Rồi chính cha, người đã sinh ra con, bảo con, đứa con được sinh tử máu thịt của cha, không thể ở trong ngôi nhà của người đã sinh ra nó.

Từ khi con còn nhỏ xíu, mẹ thường dắt con đến chùa, chỉ vào đức Phật và nói với con: Con có biết vì sao Ngài có một nghìn tay và một nghìn mắt không? Con lắc đầu. Mẹ bảo: Đó là để Ngài có thể nhìn thấu muôn sự vật, và có thể giơ ngàn tay cứu giúp nhân gian.

Từ đó, mỗi khi có điều gì không tự trả lời được, con đến gặp Người. Lần ấy, con đã đến hỏi Người rằng con đã làm gì sai để phải chịu nỗi khổ đau như thế? Người chỉ nhìn con mà không nói. Tuần nào con cũng đến và Người vẫn không trả lời con trong nhiều năm. Đến một ngày con làm mẹ, được chứng kiến tình cảm sâu lắng mà chồng con dành cho những đứa con của anh ấy, con cũng vỡ ra đôi điều. Và lạ thay, trong một lần ngồi cầu xin đức Phật, con đã thấy Người nghiêm khắc nhìn con từ tít trên cao:

- Ông ấy là bậc sinh thành ra con! Con là cốt nhục của ông ấy...

Thế là từ đó con lại đến thăm cha, mang tặng cha những món quà nho nhỏ, làm cha ngạc nhiên.

Cuộc sống của con khấm khá lên dần. Những món quà con mang tặng cha và các thành viên trong gia đình cũng có giá trị hơn nhưng con chả bao giờ cười với cha dù chỉ một lần.

Cha cũng thường cảm ơn con, rồi lặng yên, không nói thêm gì ngoài những câu hỏi thông thường: Con sống thế nào, công việc, chồng con ra sao? Ngay cả khi con chào và trở về nhà, cha cũng chỉ nhìn xa xăm mà không nói hơn điều gì...

Năm tháng cứ qua đi, cho đến một ngày, người nhà thông báo cha bỏ rượu, con còn mừng, vì con thường trách sao cha uống nhiều rượu thế. Người ta thường bảo là buồn thì mới uống rượu. Còn cha, con nghĩ: Cha thì buồn gì chứ, vợ đẹp, con khôn… Mẹ con cũng yên bề gia thất, con cũng có gia đình, nhưng sự tổn thương do cha để lại ngự trị trong con suốt bao năm, không hề bớt đi chút nào.

Từ bữa cha ra đi, trong mơ còn lại thấy cha cầm tay con mà nói: Người lớn có nỗi khổ của người lớn không dễ nói ra… Rồi con lại tỉnh dậy và khóc cho đến khi ngủ thiếp đi.

Trong tang lễ, người ta nói về cha: ông Nguyễn Văn đã từng đi thanh niên xung phong 15 năm, đã được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì, đã… Dù khi về hưu, sức khỏe yếu do di chứng bom đạn, không thể thực hiện những chuyến đi xa như mong muốn, nhưng ông vẫn sống đúng đức độ của một đảng viên trung trinh một lòng với Đảng. Những điều người ta nói về cha trong tang lễ đã bủa vây con từ giấc mơ này đến giấc mơ khác trong mỗi đêm. Hóa ra cha cũng đã từng là một con người dũng cảm giữa đám bom mìn của địch để lại trên chiến trường, cha từng có ý định đi tìm con nhưng do vết thương chiến tranh nên cha không thể, gia đình mới của cha, mẹ hai và những lận đận quanh các căn bệnh chiến tranh để lại trong thân thể cha đã chặn cha ở mọi ngả đường…

… Cha ơi, con chỉ muốn cha biết con tự hào về cha, con yêu cha biết nhường nào và bây giờ con ân hận biết bao vì những gì mình đã kết thành bản án dành cho cha trong trái tim con suốt bấy nhiêu năm. Chỉ vì ích kỷ, con đã không nhận ra những điều như thế. Nhưng giờ, cha đã ở quá xa, con có gào lên cũng vô ích. Con tự xỉ mắng mình rằng con đã thật ngu ngốc khi nuôi sự tủi hờn của mình thành nỗi hận suốt bao năm qua.

Nỗi hận thù với con người con có liên quan lại quay sang gặm nhấm tâm hồn con, xỉ mắng con, dày vò tâm can con. Con lại dành đêm này qua đêm khác để nghĩ về cái thứ tình cảm mông muội ấy. Con mới nhận ra, sao xung quanh con có nhiều lòng hận thù đến vậy. Một người bạn hận cha mẹ chỉ vì khi còn nhỏ cô ấy phải sống trong cùng một căn phòng với họ, phải chứng kiến tất tật mọi thứ xảy ra với họ và những điều đó đầu độc tuổi thơ của cô ấy... Con đã từng cùng cô ấy sẻ chia nỗi hận cha, hờn mẹ bao năm tháng qua. Rồi một người hàng xóm hận thù gia đình bên cạnh vì tranh chấp mấy phân giọt gianh; một người vợ đã ly hôn, thù hận chồng đến nỗi dạy con rằng cha nó là kẻ thù…

Những nỗi hận thù vô lý ấy, đeo đẳng, đầu độc cuộc sống của con người. Giá những người này cũng đứng trước sự mất mát như con, họ sẽ hiểu ra sự muộn màng của nỗi hận. Giờ đây, con đã muốn làm mọi điều để chuộc lại lỗi lầm, nhưng dù con có mua những món ngon vật lạ, cha đâu còn ăn được nữa? Con có mua áo đẹp cha cũng không thể dùng. Ngay cả toa thuốc đắt tiền con mang đến cũng đã không cứu được cha. Mọi thứ giờ đều trở nên vô nghĩa. Tất cả những điều ấy gặm nhấm tâm hồn con, làm con đau đớn, khổ sở hơn cả nỗi hận xưa kia. Con lại tìm đến đức Phật để xin ngài chỉ giáo. Người nhìn con độ lượng:

- Cha con vẫn luôn ở bên con và ông biết mọi điều. Con hãy mở lòng mình và sống cho xứng đáng với ông ấy!

“Con hãy mở lòng mình…”. Con đã dành trọn một đêm để nghĩ về điều này. Ngày hôm sau con đã hỏi người bạn của mình: Này, ngày xưa khổ thế, cả nhà bạn chỉ có 8 mét vuông thì bố mẹ bạn biết xô xát ở đâu, yêu thương nhau ở đâu khác được nhỉ? Con và bạn ấy cùng cười rũ rượi, rồi uống rượu như hai người đàn ông nát rượu. Và chúng con đã bảo nhau: ừ nhỉ, “đội” ấy đáng thương thật! Người hàng xóm hận thù dạo nọ, từ buổi sang chia buồn, chủ động bắt tay con nay đã nhận được sự ấm áp trong nụ cười của con mỗi buổi sớm mai. Con tìm đến đứa trẻ đã được dạy để hận thù cha nó và giảng giải cho nó về sự ra đời của mình, một cách hoàn toàn sinh học. Nó đã hiểu ra và hỏi: Cháu phải làm gì? Hãy yêu cha như yêu mẹ cháu trước khi quá muộn màng! Con đã kể cho nó nghe về sự ân hận của con, về những điều con phải khổ sở do lòng hận thù mang lại. Nó khóc rồi nói rằng: Cháu chưa biết cách phải làm thế nào. Con bảo nó: Cháu hãy học để yêu con người trước hết, khi đã yêu, người ta sẽ biết cách để chia sẻ... Từ hôm ấy con thấy lòng mình thanh thản. Con đã học để mỉm cười với cuộc sống, để yêu thương con người và vạn vật. Con tin rằng, như đức Phật đã nói với con, đó là nhờ có cha luôn ở bên, thấu hiểu và dẫn dắt để con sống tốt hơn.

Cha thân yêu, sự ra đi của cha đã để lại cho con một bài học về tình yêu con người, niềm tin cuộc sống và sự cảm thông cần có trong mỗi trái tim. Hãy tha thứ cho con cha nhé! Nếu có kiếp sau, dù phải chịu nhiều oan ức thế nào, con vẫn muốn được làm con gái rượu của cha...

Truyện ngắn của Hồ Thu

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/75/75/75/182830/Default.aspx