GS. Vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận: 'Những người làm khoa học thực sự phải biết bỏ thời gian truyền bá kiến thức'

Những người làm khoa học thực sự cũng phải biết bỏ thời gian để nói cho mọi người biết được, hiểu được những thành tựu mà mình và đồng nghiệp khám phá ra - đó là ý kiến của ông tại buổi giao lưu, ký tặng sách “Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó” tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), và Trung tâm sách 248 Cống Quỳnh (TP. Hồ Chí Minh) do NXB Kim Đồng phối hợp với ĐSQ Pháp tại Hà Nội tổ chức cuối tuần qua.

Tại buổi giao lưu với hàng trăm học giả, độc giả - là những người thuộc CLB Thiên văn nghiệp dư, các CLB khoa học, Khoa Vũ trụ và Hàng không (ĐH Khoa học Công nghệ HN). GS. Trịnh Xuân Thuận cho biết: “Tôi chọn cách viết sách - cũng là do hồi nhỏ, tôi rất thích đọc sách - với hy vọng những người trẻ đọc sách của tôi sẽ có cảm tình và quan tâm hơn đến khoa học. Điều này là rất quan trọng vì hiện nay, người trẻ chỉ quan tâm đến những ngành nghề dễ kiếm ra tiền. Chính phủ của nhiều nước cũng vậy. Trong khi đó, khoa học là nền tảng để mỗi quốc gia vươn lên, phát triển... Tôi hoan hỉ vì hầu hết các sách của tôi đã được dịch sang tiếng Việt”.

Có điều đặc biệt là những cuốn sách của GS. Trịnh Xuân Thuận tuy viết về khoa học nhưng lại được biểu đạt bằng ngôn ngữ văn chương tinh tế và thấm đẫm tinh thần đạo Phật. Có lẽ, vì thế chăng mà mỗi tác phẩm ra đời, luôn lọt trong danh sách best- seller. GS. Chu Hảo - GĐ NXB Tri Thức từng nhận xét: “Các tác phẩm của GS. Trịnh Xuân Thuận đều được viết tuân theo một quy tắc gồm 3 tiêu chí: Chính xác, dễ hiểu và hấp dẫn. Viết sách phổ biến tri thức ở trình độ cao về những vấn đề khoa học phức tạp như thiên văn - vũ trụ - lượng tử, mà đảm bảo được cả ba tiêu chí ấy là điều vô cùng khó khăn... Ấy vậy mà Trịnh Xuân Thuận đã viết về những phát hiện mới kỳ lạ nhất của khoa học thế kỷ XX và cả những hệ quả triết học và thần học của những thành tựu ấy một cách rất chính xác, hết sức dễ hiểu và hấp dẫn như một tác phẩm văn học”.

GS. Trịnh Xuân Thuận tự coi mình là một Phật tử tự do với triết lý sống “Hạnh phúc của mình tùy thuộc vào hạnh phúc của người khác”, bởi theo ông, lòng trắc ẩn là nền tảng của đạo Phật. Vì thế, mình không thể sống chỉ lo cho một mình mình thôi mà còn phải chia sẻ với mọi người khác xung quanh. “Điều này dựa trên ý nghĩ là cái gì trong vũ trụ cũng có liên hệ với nhau, loài người cũng vậy. Tôi tin vào luật nhân quả, nhưng theo nghĩa là bất cứ việc gì mình làm không những có liên quan đến những người xung quanh mình mà còn có liên quan đến những sự việc về sau nữa. Do vậy, mình luôn phải ráng làm việc thiện hơn. Đạo Phật luôn chỉ cho tôi một hướng đi rõ ràng trong việc làm khoa học của mình, đó là phải biết áp dụng những kiến thức của mình vào việc gì có lợi nhất cho con người. Tôi rất phẫn nộ khi nghe chuyện mấy tỉnh Bắc miền Trung bị cá chết do chất độc mà con người thải ra biển. Không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ Chính phủ phải có luật lệ làm sao để cấm họ làm những điều đó. Nếu chúng ta cứ đối xử với thiên nhiên như thế này thì rất nguy hiểm cho sự sinh tồn của trái đất. Hậu quả khôn lường sẽ đến ngay sau chúng ta, không xa, chỉ khoảng vài ba thế hệ nữa thôi - nếu chúng ta không sửa đổi ngay. Không phải tự nhiên mà vấn đề môi trường đã, đang trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới...” - GS. cho biết.

Có thể nói, GS. Trịnh Xuân Thuận may mắn biến được những niềm đam mê của mình thành hiện thực và cả đời chỉ “phụng sự” cho những đam mê ấy: “Tôi đam mê khảo cứu thì đã trở thành nhà khảo cứu; đam mê truyền bá kiến thức cho người khác thì đã trở thành giáo sư và người viết sách”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/gs-vat-ly-thien-van-trinh-xuan-thuan-nhung-nguoi-lam-khoa-hoc-thuc-su-phai-biet-bo-thoi-gian-truyen-ba-kien-thuc-577909.bld