GS.TS. Nguyễn Thanh Long:'Bộ Y tế nâng mức cảnh báo phòng chống Zika'

Các bệnh hô hấp cấp tính, sốt xuất huyết và Zika là những bệnh đang được giám sát chặt chẽ tại Việt Nam, đặc biệt sự xuất hiện một ca biến chứng đầu nhỏ do Zika ở Việt Nam khiến cho Zika càng được quan tâm đặc biệt.

Clip GS.TS. Nguyễn Thanh Long chia sẻ về việc cần nâng cao cảnh giác với Zika trước ca bệnh đầu nhỏ do Zika xuất hiện ở VN.

Tại lễ khởi động Văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam GS.TS. Nguyễn Thanh Long và bà Mary Wakefield, Thứ trưởng Bộ Y tế Hoa Kỳ đã tham quan Văn phòng EOC và nghe trình bày về mô hình giám sát ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh mới nổi của EOC ở Viện Vệ sinh Dịch tệ Trung ương gồm mô hình giám sát chặt chẽ các bệnh hô hấp cấp tính, sốt xuất huyết dengue và zika.

GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế trả lời về việc nâng mức cảnh báo Zika

Bên lề lễ khởi động, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã trả lời phỏng vấn báo giới liên quan tới ứng phó với Zika, đặc biệt trước các diễn biến phức tạp gần đây tại Việt Nam, khi mà đã xuất hiện ca bệnh đầu nhỏ do biến chứng Zika gây ra.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết tại sao Bộ Y tế nâng mức cảnh báo phòng chống Zika?

GS.TS. Nguyễn Thanh Long: Có hai nguyên nhân khiến Bộ Y tế phải nâng mức cảnh báo. Thứ nhất, các trường hợp phát hiện Zika gần đây có tốc độ gia tăng nhanh chóng. Ngay trong tháng 10 này, chúng ta đã phát hiện 5 trường hợp. Số các trường hợp zika phát hiện sớm hơn trong tháng 10 này với mức độ gia tăng có khác thường. Và nguyên nhân thứ 2, có một trường hợp bệnh đầu nhỏ mới xuất hiện ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng do virus Zika gây ra. Chính vì lý do đó, Bộ Y tế quyết định nâng mức cảnh báo hiện tại để chúng ta có thể triển khai các biện pháp cần thiết phòng chống Zika.

PV: Thứ trưởng có thể cho biết biện pháp cần thiết cần làm trong lúc này để hạn chế Zika lây lan là gì?

GS.TS. Nguyễn Thanh Long: Biện pháp cần thiết trong lúc này là tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục phát động chiến dịch diệt loăng quăng bọ gậy. Đây là việc hết sức cần thiết và hết sức quan trọng. Ngoài ra, cần phải triển khai giám sát ở diện rộng hơn và triển khai các biện pháp kỹ thuật khác để hạn chế tối đa Zika lây lan trong cộng đồng.

Văn phòng EOC tại Viện VSDTTW với các mô hình giám sát các bệnh hô hấp cấp tính, sốt xuất huyết và Zika

Cũng theo Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius, trên thế giới nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi chỉ được ngăn ngừa và phòng chống trong khi và sau khi nó đã diễn ra, điều quan trọng đối với chúng ta là cần phải ngăn chặn trước khi nó diễn ra. Và đó cũng là mục tiêu mà các văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) được lập ra trong khuôn khổ chương trình An ninh Y tế toàn cầu nhằm triển khai mạng lưới ngăn ngừa, phát hiện và hạn chế lây lan rộng khắp, để hạn chế tối đa mức độ lây lan của nó trên toàn cầu. CDC Hoa Kỳ đã trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật trong việc phát triển các nguồn dữ liệu, vận hành văn phòng EOC. Cán bộ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng được sang CDC, Atlanta để học tập và chuyển giao kỹ thuật. Văn phòng EOC tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ thu thập thông tin từ 28 tỉnh khu vực phía bắc Việt Nam để xây dựng nguồn dữ liệu quốc gia về dịch bệnh, đưa ra cảnh báo bất thường về dịch bệnh. Văn phòng EOC cũng có thể kết nối với các văn phòng EOC quốc tế như CDC Atlanta, WHO khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Sự thành công của Việt Nam trong việc từng ứng phó và ngăn chặn SARS, H5N1, H1N1, Ebola, Mers-CoV chính là điều khiến Việt Nam trở thành một trong những đối tác chủ chốt trong chương trình An ninh Y tế toàn cầu do Tổng thống Obama khởi xướng, và Việt Nam vẫn tiếp tục là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong lĩnh vực hợp tác y tế.

BV

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/gsts-nguyen-thanh-longbo-y-te-nang-muc-canh-bao-phong-chong-zika-n123939.html