GS Trịnh Xuân Thuận: 'Đạo Phật giúp tôi làm việc một cách thiện tâm'

Tối qua, ngày 5/7, tại Trung tâm Văn hóa Pháp, GS. Trịnh Xuân Thuận đã có buổi gặp gỡ, giao lưu với bạn đọc, nhân dịp xuất bản tác phẩm “Đối mặt với vũ trụ” bằng tiếng Việt.

Tại buổi giao lưu Giáo sư chia sẻ rằng ông rất vui khi trở về quê hương lần này nhân dịp tác phẩm "Đối mặt với vũ trụ" được dịch bằng tiếng Việt. Ông cảm thấy hạnh phúc khi khán phòng có rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những học sinh nhỏ tuổi cũng quan tâm đến khoa học.

Cuốn sách"Đối mặt với vũ trụ" của GS.Trịnh Xuân Thuận được dịch bằng Tiếng Việt.

Trong cuốn sách “Đối mặt với Vũ trụ”, phần mở đầu GS Trịnh Xuân Thuận kể về hành trình đến với vật lý thiên văn của mình. Đặc biệt ông nhấn mạnh đến mối tương liên khăng khít của vạn vật trong vũ trụ, trong đó có hành tinh xanh và con người chúng ta, đồng thời tác giả cũng thổ lộ những suy tư triết học của mình về thân phận và vai trò của con người trong vũ trụ. Phần thứ hai là bài viết của các khách mời gồm các triết gia các nhà khoa học và các văn nghệ sĩ.

Tại buổi giao lưu GS. nói bằng tiếng Pháp vì có nhiều khách mời là người Pháp, cũng như một số thuật ngữ khoa học là những danh từ tiếng Việt mà đôi lúc ông chưa thể nghĩ ra. Bởi trong quá trình học tập, làm việc tại nước ngoài ông ít có cơ hội sử dụng tiếng Việt:“Nhiều thuật ngữ, danh từ khoa học tôi tạm thời chưa thể nhớ ra, vì ở nước ngoài tôi rất ít có cơ hội sử dụng Tiếng Việt”.

GS.Chu Hảo đang dịch những danh từ tiếng Việt giúp GS. Trịnh Xuân Thuận.

Chia sẻ tại buổi giao lưu ông cho biết ông rất thích đọc sách khoa học, đặc biệt là sách vật lý thiên văn. Mặc dù, ông rất yêu thích và có khiếu văn chương nhưng ông lại quyết định chuyển sang học, nghiên cứu khoa học.

“Tôi thích đọc sách của các nhà bác học nổi tiếng trên thế giới, nhất là sách của Albert Einstein và Isaac Newton. Mỗi lần đọc sách sẽ gợi cho tôi cảm hứng, niềm đam mê và khơi dậy trí tò mò. Vậy nên, con đường đến với khoa học cũng rất đơn giản bởi tôi nghĩ rằng, làm khoa học sẽ dễ kiếm việc hơn so với làm văn chương. Và bây giờ tôi thấy rất may mắn được làm cả hai, vừa làm khoa học vừa viết sách”, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận vui vẻ chia sẻ.

Tuy nhiên, khi tiến thân vào con đường khoa học, đặc biệt là bộ môn vật lý thiên văn ông cũng gặp không ít khó khăn. Đầu tiên, là chuyện rời xa quê hương, xa gia đình người thân để sinh sống ở đất nước xa lạ, một nền văn hóa khác.
“Thời đó chưa có thông tin, mạng internet nhanh như bây giờ, điện thoại là một điều xa xỉ, vì nó quá đắt. Tôi rời xa quê hương từ rất sớm, phải đến khoảng 8 năm sau tôi mới được trở lại quê hương thăm gia đình. Trong khoảng thời gian đó, tôi liên lạc với gia đình bằng cách viết thư tay. Và thường phải mất ba, bốn tuần thư của tôi mới về đến Việt Nam, và cũng chừng đó thời gian thì tôi mới nhận lại được thư hồi âm của bố mẹ từ Việt Nam".

GS. Thuận cũng chia sẻ vì một mình ra nước ngoài từ rất sớm - năm 1966, đến tận năm 1974 ông mới trở về nước thăm gia đình: “Trong thời gian xa quê ở nước ngoài sinh sống và học tập tôi gặp rất nhiều khó khăn, tôi rất cô đơn nhiều lúc cũng muốn bỏ cuộc, nhưng tôi lại nghĩ rằng mình cần có ý chí, nhất là khi mình còn trẻ, mình nghĩ là mình cần cố gắng hết sức. Tôi cũng thấy mình may mắn một phần là có rất nhiều thầy giỏi giúp đỡ. Và trong khoảng thời gian đó đạo Phật đã giúp tôi tĩnh tâm hơn rất nhiều, cả trong việc làm khoa học cũng như trong cuộc sống”.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận Trao trả lời nhanh một số câu hỏi của PV trước buổi giao lưu.

"Đạo Phật là một triết lý sống, giúp cho tôi tìm được lối sống, làm việc một cách thiện tâm, không làm khổ người khác. Nó giúp tôi có ý chí đi đến mục đích cuối cùng của mình. Đạo Phật đã tạo ra một sức mạnh rất lớn đối với cá nhân tôi. Gia đình, bố mẹ tôi lúc nào cũng ủng hộ con đường tôi lựa chọn, không bao giờ ép buộc tôi phải đi con đường mà họ lựa chọn. Tôi lúc nào cũng tự do, tin tưởng làm những gì đam mê thì mình mới thành công được. Tôi biết trong xã hội hiện nay còn rất nhiều gia đình còn có việc ép buộc con đi theo con đường của họ, như vậy sẽ khó có thể thành công thật sự", GS Trịnh Xuân Thuận chia sẻ.

Buổi gặp gỡ là cơ hội để độc giả yêu thích những tác phẩm Trịnh Xuân Thuận và ngưỡng mộ sự nghiệp nghiên cứu khoa học của giáo sư có dịp lắng nghe và chia sẻ những suy nghĩ của ông về những vấn đề mang tính triết học mà các nhà nghiên cứu vũ trụ và các nhà khoa học ngày nay đặt ra: Vũ trụ có nguồn gốc từ đâu ? Chúng ta có nguồn gốc từ đâu ? Chúng ta phải có trách nhiệm như thế nào về tương lai của trái đất và tương lai của chính chúng ta ?

GS.Trịnh Xuân Thuận là nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới. Ông nhận nhiều giải thưởng lớn chủ yếu nhờ các tác phẩm phổ biến kiến thức khoa học. Năm 2009, ông đã được UNESCO trao giải thưởng Kalinga vì những công trình nghiên cứu khoa học đồng thời cũng vì những đóng góp to lớn của ông trong việc phổ biến kiến thức khoa học. Ông còn nhận được nhiều giải thưởng danh giá khác, trong số đó phải kể đến giải Grand Prix Moron của Viện Hàn Lâm Pháp năm 2007, Le Prix mondial Cino del Duca 2012 của Học viện Pháp quốc (Institut de France) và giải thưởng của Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh năm 2016. Hiện ông đang giảng dạy tại đại học Virginia (Mỹ).

Thắm Nguyễn

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/gs-trinh-xuan-thuan-dao-phat-giup-toi-lam-viec-mot-cah-thien-tam-a248688.html