GS Nguyễn Minh Thuyết nói gì về giảm tải chương trình phổ thông?

Bộ GDĐT vừa chính thức công bố Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT). So với bản dự thảo được công bố tháng 4 vừa qua, kế hoạch giáo dục ở tất cả các cấp học đều được điều chỉnh, đặc biệt số lượng môn học và thời lượng học ở cả ba cấp học đều giảm so với dự thảo. 

GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình GDPTTT (Ảnh: HN)

Nhân dịp này, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình GDPTTT đã trả lời phỏng vấn PV Báo Lao Động.

Thưa GS, có thể thấy, thời lượng học ở cả 3 cấp trong Chương trình GDPTTT vừa được thông qua có sự giảm bớt. Ông có thể lí giải rõ hơn về sự thay đổi này?

- Trong Chương trình GDPTTT vừa được thông qua, những vấn đề cơ bản của chương trình như mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình, các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, hệ thống các môn học và những vấn đề cơ bản về kế hoạch dạy và học không thay đổi so với dự thảo chương trình công bố đầu tháng 4 để lấy ý kiến nhân dân. Chỉ có thay đổi một số chi tiết trong kế hoạch giáo dục. Cụ thể, ở Tiểu học, Ban soạn thảo chương trình sử dụng lại tên các môn học trong chương trình hiện hành để đỡ gây thắc mắc, băn khoăn cho giáo viên. Ở THCS, chương trình nhấn mạnh nội dung giáo dục hướng nghiệp. Ở THPT thì tổ chức dạy phân hoá ngay từ lớp 10.

Thời lượng giáo dục dành cho một số môn học có giảm đi so với dự thảo trước đây là do phải cân đối cho phù hợp với điều kiện dạy học (cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên).

Ví dụ, ở tiểu học, trong khi có trên 70% số trường dạy được 2 buổi/ngày (tức là 9, 10 buổi/tuần), vẫn có những trường chỉ dạy được 6 buổi, thậm chí 5 buổi/tuần. So với những trường dạy 9, 10 buổi/tuần thì thời lượng học ở những trường dạy 5 buổi/tuần chỉ bằng một nửa.

Nếu chương trình viết cho những trường dạy 9, 10 buổi/tuần thì những trường chỉ có điều kiện dạy 5 buổi/tuần không theo được. Nhưng nếu cắt giảm chương trình cho phù hợp với những trường chỉ dạy  6 buổi, 5 buổi/tuần thì kéo cả nước xuống. Chương trình đã được thiết kế để bảo đảm tất cả các trường đều thực hiện được nội dung giáo dục bắt buộc thống nhất trong cả nước, đồng thời tạo điều kiện cho những trường dạy 9, 10 buổi/tuần phát huy được ưu thế của mình.

Quy định về thời lượng học trong Chương trình GDPTTT chỉ là quy định áp dụng cho các trường có thời lượng học tập trung bình. Những trường có điều kiện dạy học 2 buổi/ngày có thể sử dụng thời lượng giáo dục tăng thêm so với trường dạy 1 buổi/ngày để hướng dẫn học sinh tự học; dạy học các môn học tự chọn và phát huy khả năng của học sinh theo các nội dung tự chọn; tổ chức phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi; phát triển năng khiếu cá nhân; tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, hoạt động xã hội tại địa phương, hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao,…

Một ví dụ khác: Có nhiều ý kiến đề nghị tăng số tiết học môn ngoại ngữ ở cấp THCS, THPT lên gấp đôi để đảm bảo học sinh có đủ năng lực ngoại ngữ trong hội nhập. Tuy nhiên, việc bố trí thời lượng học phải bảo đảm hài hòa giữa các môn. Chưa có nước nào bố trí giờ học ngoại ngữ nhiều hơn giờ học ngôn ngữ quốc gia.

Đầu năm nay, có dịp đến Hy Lạp, tôi thấy người dân nước này rất thạo tiếng Anh, nhưng trong chương trình GDPT, môn Tiếng Anh cũng chỉ có 3, 4 tiết/tuần. Các chuyên gia về giáo dục ngoại ngữ cũng đã tính là để đạt được một bậc trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, chỉ cần học 420 tiết.

Tổng thời lượng học ngoại ngữ ở Tiểu học và THCS bảo đảm được yêu cầu đó. Riêng THPT, tổng thời lượng học ở ba lớp chỉ đạt 315 tiết. Nhưng ở giai đoạn này, trình độ ngoại ngữ của học sinh đã khá hơn, có thể đạt mức cao hơn nhờ tự học. Một điều nữa cần đặc biệt quan tâm là việc tăng giảm thời lượng học phải phù hợp với định mức lao động và định mức biên chế giáo viên. Nếu tăng gấp đôi số giờ học ngoại ngữ ở THCS, THPT thì số giáo viên ở gần 11.000 trường THCS và gần 3.000 trường THPT cũng phải tăng theo tỷ lệ tương đương – một số lượng không tưởng vào lúc này, thậm chí 10 năm nữa cũng không có được.

Xây dựng chương trình giáo dục cũng giống như giải một bài toán có nhiều tham số, phải tính đến rất nhiều khía cạnh. Ai cũng muốn có một chương trình thật tiên tiến, mới mẻ, nhưng nếu không tính đến điều kiện thực hiện thì chương trình chỉ đẹp ở trên giấy thôi, không thể đi vào cuộc sống.

- Nhiều người lo lắng sách giáo khoa có được xây dựng giảm lượng kiến thức tương đương với số tiết học giảm hay không, thưa ông?

Hiện nay, các chương trình môn học đang được xây dựng. Các chương trình này cũng sẽ được đưa ra lấy ý kiến của chuyên gia, sau đó đưa lên Cổng TTĐT của Bộ GDĐT để lấy ý kiến nhân dân, rồi hoàn thiện và thẩm định. Sách giáo khoa đương nhiên phải tuân thủ chương trình; nếu không sẽ khó lọt “cửa” Hội đồng thẩm định. Nhưng giảm số giờ học không nhất thiết là phải giảm một lượng kiến thức tương đương. Các chương trình môn học phải rà soát để giảm những kiến thức kinh viện, không thiết thực. Nhưng điều quan trọng hơn là phải tổ chức lại nội dung giáo dục và đổi mới phương pháp giáo dục cho phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Lâu nay, chúng ta thường nói học sinh bị “quá tải”. Điều đó có thực. Nhưng nguyên nhân không hẳn tại chương trình, thậm chí không hẳn tại sách giáo khoa. Sách giáo khoa nước ngoài dày gấp 10 lần của mình nhưng tại sao học sinh không “quá tải”? Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải, trong đó có áp lực cạnh tranh để thi chuyển cấp vào các trường có chất lượng cao, thi tuyển vào các trường đại học học lớn và rất nhiều cuộc thi khác, do cách dạy của giáo viên còn nặng nề, do dạy thêm học thêm tràn lan, do sức ép của phụ huynh học sinh lên học sinh... Nếu chỉ đổ lỗi cho chương trình và sách giáo khoa thì sẽ không tìm được giải pháp “giảm tải”.

- Việc thi cử và đánh giá kết quả theo chương trình mới được quy định như thế nào, thưa ông?

Trong Chương trình GDPPTT, chúng tôi đã nêu những yêu cầu về đổi mới cách đánh giá kết quả giáo dục, coi đó như điều kiện để thực hiện chương trình. Yêu cầu đổi mới là đánh giá phải bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị về năng lực của học sinh, hỗ trợ cho việc phát triển năng lực của học sinh, hỗ trợ việc thực hiện chương trình. Còn việc thi tốt nghiệp thế nào, phải chờ Quốc hội quyết định thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục mà Quốc hội sẽ xem xét trong năm tới.

- Về thời gian triển khai chương trình mới có thông tin gì mới không, thưa ông?

Sau hơn một tháng lấy ý kiến nhân dân về Chương trình GDPTTT, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Dựa trên cơ sở phân tích thực tế và góp ý của người dân, cả Ủy ban và Phó Thủ tướng đều đề nghị Bộ GDĐT cân nhắc, báo cáo Chính phủ và Quốc hội xin lùi thời gian áp dụng chương trình mới. Trong lúc chờ đợi quyết định của cấp trên, Ban soạn thảo vẫn làm việc trên tinh thần khẩn trương để hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo triển khai đúng lộ trình mà Quốc hội đã đề ra.

Tuy nhiên, theo ý kiến tôi, nếu lùi thời hạn áp dụng chương trình mới được 1 năm, Bộ GDĐT sẽ có điều kiện bồi dưỡng, tập huấn giáo viên kỹ hơn, đồng thời các tổ chức, cá nhân cũng có đủ thời gian để biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các bộ sách để thực hiện chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”.

Huyên Nguyễn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/gs-nguyen-minh-thuyet-noi-gi-ve-giam-tai-chuong-trinh-pho-thong-687980.bld