GS. Nguyễn Minh Thuyết "bình" về "hiện tượng Nguyễn Bá Thanh"

“Phiên chất vấn cho thấy Chủ tịch HĐND Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh là người am hiểu thực tế, có tấm lòng với dân, không sợ bộc lộ cái yếu kém của cán bộ và của chính quyền.”

>> Cán bộ Đà Nẵng nghĩ gì về ông Nguyễn Bá Thanh?

>> Chi tiết hội thoại ông Nguyễn Bá Thanh "truy" Giám đốc Sở

>> Ông Nguyễn Bá Thanh: Sai quy định nhưng có lợi cho dân thì kiên quyết làm!

Trao đổi với phóng viên, GS. Nguyễn Minh Thuyết – đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, cho rằng việc báo điện tử Infonet phản ánh những tình tiết truy vấn của Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với ông Giám đốc Sở Xây dựng TP là rất ấn tượng, kịp thời và có ý nghĩa tích cực.

"Tôi không thấy có gì là lạm quyền ở đây. Chỉ có điều, cách làm của ông Thanh có thể gây thắc mắc cho một số người quen nếp “đóng cửa bảo nhau”: “Sao ông ấy không gọi riêng đến để nhắc nhở hay nêu ý kiến phê bình trong phạm vi lãnh đạo mà lại đưa ra chất vấn giữa bàn dân thiên hạ như vậy nhỉ?”. Nhưng Đảng cứ “đóng cửa bảo nhau”, “phê bình nội bộ” như vậy mãi thì quyền “dân biết, dân bàn, dân làm chủ” ở đâu? Cơ quan đại diện của dân sinh ra để làm gì?"

Theo vị cựu đại biểu Quốc hội có nhiều kinh nghiệm hoạt động nghị trường, người dân luôn mong muốn trong các kỳ họp Quốc hội và HĐND, những vấn đề quốc kế dân sinh sẽ được các đại biểu bàn bạc một cách thẳng thắn, thấu đáo, để có thể giải quyết đến nơi đến chốn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và quyền lợi của người dân.

Cung cách điều hành trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND của “nhạc trưởng” Nguyễn Bá Thanh đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Quan điểm của GS về cách điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch HĐND Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh như thế nào?

Đánh giá về toàn bộ cách điều hành phiên họp của ông Nguyễn Bá Thanh thì tôi không có đủ thông tin. Nhưng nếu nói về cách ông tham gia chất vấn thì qua những gì Infonet phản ánh, tôi thấy rất tốt. Là người chủ trì phiên chất vấn, ông Chủ tịch HĐND có thể chỉ đóng vai “MC”, lần lượt mời từng đại biểu phát biểu, cảm ơn họ, rồi nói dăm câu ba điều kết thúc phiên họp. Như thế khỏi phải bộc lộ chính kiến, năng lực của mình và khỏi bộc lộ những hạn chế của chính quyền thành phố.

GS Nguyễn Minh Thuyết: "Đà Nẵng hay bất kỳ đâu cũng cần một nhạc trưởng có đức có tài". Ảnh LD

Nhưng ông Thanh đã chọn một cách làm khác. Cách làm đó thể hiện cái tâm và bản lĩnh của người đứng đầu. Cũng qua cuộc truy vấn, có thể thấy ông Nguyễn Bá Thanh là người rất am hiểu thực tế. Ví dụ, trong khi Giám đốc Sở Xây dựng mới nắm được một điểm ngập lụt thì người đứng đầu thành phố kể vanh vách vài ba điểm khác nữa. Đưa vấn đề ra công khai, ông Thanh cũng không sợ bộc lộ cái yếu kém của cán bộ và cũng là của chính quyền TP mình.

Tôi chắc rằng dư luận nói chung đồng tình với ông Nguyễn Bá Thanh không phải chỉ qua phiên chất vấn này mà còn qua theo dõi những hành động cụ thể của ông từ khi còn làm Chủ tịch UBND TP cho đến bây giờ trên cương vị Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng. Theo tôi, Đà Nẵng được như hôm nay là kết quả nỗ lực lao động sáng tạo của toàn thể Đảng bộ, nhân dân TP trong nhiều năm qua, nhưng nói đến đóng góp của lãnh đạo TP thì không thể không nhắc đến dấu ấn đậm đà của ông Nguyễn Bá Thanh.

Nhưng nhiều người cũng cho rằng cách điều hành của ông Nguyễn Bá Thanh như vậy hơi lạm quyền? GS nhìn nhận thế nào?

Trong phiên họp HĐND, với tư cách một đại biểu được dân bầu, ông Thanh hoàn toàn có quyền và có trách nhiệm chất vấn những người có trách nhiệm trong chính quyền TP, như mọi đại biểu khác. Tôi không thấy có gì là lạm quyền ở đây. Chỉ có điều, cách làm của ông Thanh có thể gây thắc mắc cho một số người quen nếp “đóng cửa bảo nhau”: “Sao ông ấy không gọi riêng đến để nhắc nhở hay nêu ý kiến phê bình trong phạm vi lãnh đạo mà lại đưa ra chất vấn giữa bàn dân thiên hạ như vậy nhỉ?”. Nhưng Đảng cứ “đóng cửa bảo nhau”, “phê bình nội bộ” như vậy mãi thì quyền “dân biết, dân bàn, dân làm chủ” ở đâu? Cơ quan đại diện của dân sinh ra để làm gì?

Tham gia Quốc hội khóa XI, tôi thấy trong các phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng thường xuyên hỏi xen vào những câu hỏi rất “đắt giá”. Thậm chí có lần, một vị Bộ trưởng trả lời đại biểu QH là vấn đề đại biểu nêu ra đã được Bộ trưởng báo cáo với Ban Bí thư, xin không nói lại ở đây, Chủ tịch Nguyễn Văn An đã thẳng thắn nói: “Việc Bộ trưởng báo cáo Ban Bí thư là việc nội bộ Đảng. Đây là Quốc hội, đại biểu hỏi cũng có nghĩa là dân hỏi, Bộ trưởng phải có trách nhiệm trả lời.”

Theo ý kiến riêng của tôi, nếu có điều gì ông Thanh cần điều chỉnh trong chuyện này thì đó chỉ là cách nói thôi. Chẳng hạn thay vì nói với Giám đốc Sở: “Thôi, ông chuyển qua chuyện khác đi”, thì ông Nguyễn Bá Thanh có thể nói với các đại biểu: “Xin phép Hội đồng cho chuyển qua vấn đề khác.” Nội dung không khác nhau, nhưng cách nói tạo nên những ấn tượng và hiệu quả khác nhau. Người nắm cương vị lãnh đạo liên tục nhiều năm rất nên tỉnh táo để lúc nào cũng giữ được sự cân bằng.

Đã từng là đại biểu tại nhiều kỳ họp Quốc hội, GS có hài lòng với các phiên thảo luận, đặc biệt các phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội vừa diễn ra mới đây không? GS ấn tượng với vị đại biểu nào nhất?

Kỳ họp Quốc hội mới đây đã nêu nhiều vấn đề thiết thực được người dân quan tâm. Các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và về đề án tái cấu trúc nền kinh tế có rất nhiều khởi sắc. Tôi đánh giá cao ý kiến của các đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai), Lê Như Tiến (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị), Lê Thị Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên).

Nói đến đóng góp của lãnh đạo TP thì không thể không nhắc đến dấu ấn đậm đà của ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh ĐN

Ở phiên chất vấn, tôi rất ấn tượng với nội dung chất vấn và phong thái của ĐB Đỗ Mạnh Hùng (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên). Đáng tiếc là nhiều ĐB vẫn chưa quen với hoạt động này, vẫn tỏ ra thiếu tự tin. Nhiều ĐB, kể cả ĐB đã hoạt động vài ba khóa, vẫn chưa biết cách hỏi, thậm chí còn tranh thủ chất vấn để diễn thuyết, mất thời gian của Quốc hội.

"Nhiều Đại biểu vẫn chưa quen với hoạt động này (hoạt động chất vấn - PV), vẫn tỏ ra thiếu tự tin. Nhiều ĐB, kể cả ĐB đã hoạt động vài ba khóa, vẫn chưa biết cách hỏi, thậm chí còn tranh thủ chất vấn để diễn thuyết, mất thời gian của Quốc hội"

Đặc biệt kỳ họp mới đây truy vấn ít. Nhiều vấn đề có thể truy vấn đến cùng, ví như vấn đề Vinalines và các tập đoàn kinh tế, vấn đề thu hồi đất đai, các vấn đề đầu tư, ngân hàng, tham nhũng,… nhưng các ĐB đều dừng lại giữa chừng.

Sau Đà Nẵng, Hà Nội chuẩn bị bước vào kỳ họp HĐND. Theo GS, ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành khác có cần một “nhạc trưởng” táo bạo như ở Đà Nẵng?

Lâu nay, kỳ họp của HĐND một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội và TP HCM, được người dân cả nước chăm chú theo dõi. Đó là một dấu hiệu chứng tỏ các kỳ họp ấy đã có sức hấp dẫn. Các phiên họp gần đây của Hà Nội đã có chuyển biến tốt, nhưng vẫn cần được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

Hà Nội có những vấn đề giống như các tỉnh thành khác, nhưng cũng có những vấn đề riêng của đô thị lớn. Cử tri mong muốn thành phố phát huy lợi thế của Thủ đô, lợi thế đất rộng, nhân lực trình độ cao nhiều để phát triển kinh tế có chất lượng cao hơn nữa, đóng góp cho đất nước tương xứng với vị trí của mình. Cử tri cũng mong các vấn đề trật tự văn minh, giao thông đô thị và giáo dục ở Thủ đô được các đại biểu quan tâm, bàn bạc, nêu ra được những giải pháp thiết thực.

"Hà Nội, TP HCM và bất kỳ một tỉnh thành nào khác cũng cần một “nhạc trưởng” có đức có tài".

Hà Nội, TP HCM và bất kỳ một tỉnh thành nào khác cũng cần một “nhạc trưởng” có đức có tài. Phong cách làm việc có thể mỗi người một vẻ, không ai giống ai; nhưng quan trọng nhất là có cái tâm sáng, có tầm nhìn xa và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm.

Người dân sẽ tin yêu chính quyền nếu có được người "nhạc trưởng" và các "nhạc công" dâng hiến hết mình cho bản đại hòa tấu VÌ NHÂN DÂN QUÊN MÌNH của thời đại.

Xin cảm ơn GS!

Nguyễn Dũng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thoi-su/gs-nguyen-minh-thuyet-binh-ve-hien-tuong-nguyen-ba-thanh/a24143.html