GS Nguyễn Hữu Ninh: Cá chết ở Hồ Tây là một lời cảnh báo rõ ràng!

Theo GS,TS.Nguyễn Hữu Ninh, hiện tượng ô nhiễm nước thải Hồ Tây dẫn tới cá chết một loạt là lời cảnh báo rất rõ ràng về thực trạng quản lý nước thải cũng như quản lý nước hồ hiện nay.

GS Nguyễn Hữu Ninh: Cá chết ở Hồ Tây là một lời cảnh báo rõ ràng!

Liên quan đến hiện tượng cá chết nhiều bất thường ở Hồ Tây được dư luận quan tâm đặc biệt, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn GS,TS. Nguyễn Hữu Ninh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu giáo dục môi trường và phát triển (CERED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam một số vấn đề liên quan đến môi trường ở Hồ Tây.

PV: Giáo sư đánh giá như thế nào về cách ứng xử của Hà Nội đối với hệ thống hồ trên địa bàn Thủ đô?

GS.Nguyễn Hữu Ninh: Nhìn chung việc quản lý hồ không chỉ của Hà Nội mà còn của các tỉnh khác của Việt Nam đang không được tốt. Thứ nhất, chúng ta nhìn thấy việc lấn chiếm ao, hồ, kênh… ở các đô thị lớn gây ảnh hưởng tới việc thoát nước.

Thứ hai, có thể nói chúng ta chưa kiểm soát được việc xả nước thải. Cụ thể hơn, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý có thể được thải trưc tiếp từ các hộ dân, nhà hàng, công ty…theo cống rãnh rồi chứa trong các hồ.

Ở các đô thị, không chỉ là Hà Nội, nhiều hồ trở thành nơi chứa nước thải sinh hoạt, có thể có cả nước thải công nghiệp cho các hộ dân, nhà hàng hay các nhà máy quanh đó.

Điều này dẫn tới hiện tượng ô nhiễm hữu cơ trong các hồ, mùi hôi thối bốc lên từ mặt hồ khi trời nắng nóng, và nguy hiểm hơn là hiện tượng tảo nở hoa, sinh vật thủy sinh chết một loạt.

Hà Nội đã triển khai thí điểm một số biện pháp xử lý nước như trồng cây thủy sinh trong các bè nổi để hấp thụ bớt các chất ô nhiễm trong các hồ nhưng quy mô vẫn còn quá nhỏ nên hiệu quả vẫn chưa cao.

Thứ ba, việc xử lý nước hồ hiện tại dường như vẫn chỉ giải quyết được phần ngọn, chưa giải quyết được phần gốc của vấn đề (Ví dụ: Vớt cá , khử trùng, sử dụng các chất hấp thụ dể làm sạch nước hồ khi phát hiện hồ bị ô nhiễm thay vì quản lý nguồn thải vào hồ).

Hiện tượng cá chết nhiều đã khiến cho không khi khu vực xung quanh Hồ Tây bốc mùi hôi thối

PV: Qua sự việc cá chết trắng Hồ Tây đang diễn ra, ông có đánh giá như thế nào về thực trạng môi trường của các hồ nói chung và Hồ Tây nói riêng ở Hà Nội?

GS.Nguyễn Hữu Ninh: Tôi nghĩ phần lớn các hồ ở Hà Nội gặp vấn đề ô nhiễm nước thải sinh hoạt và có thể cả các loại ô nhiễm nước khác.

Nếu không đưa ra được các biện pháp quản lý nguồn thải như là nước thải sinh hoạt rõ ràng, với tốc độ tăng trưởng của Hà Nội nói riêng, các hồ sẽ bị vượt ngưỡng chịu đựng và có thể gây ra các hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra như ở Hồ Tây

PV: Trả lời báo chí về nguyên nhân cá chết, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội) cho hay, đó là do nồng độ oxy hòa tan trong nước Hồ Tây thấp.

Ngoài ra, trong những ngày vừa qua, thời tiết thay đổi, nắng nóng đột ngột, mưa thất thường, kết hợp với việc thiếu oxy trong nước cũng là một trong những yếu tố dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt.

Ông có đồng tình với ý kiến này không, thưa Giáo sư?

GS.Nguyễn Hữu Ninh: Ý kiến của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội đang đúng cho tới thời điểm này.

Cho tới nay, vì chưa có kết quả cuối cùng khi quan trắc nước hồ cũng như kết quả xét nghiệm cá chết nên rất khó có thể kết luận là cá chết liệu có phải là do độc chất hay không.

Tôi cũng có đọc thông tin trên các báo nói về sư phân màu nước hồ trước khi cá chết, có thể điều này liên quan trực tiếp tới cá chết, nhưng chưa có kế quả xét nghiêm cụ thể thì chưa thể nói được là điều gì đã dẫn tới sự phân màu ấy được

PV: Sau sự việc này, ông có đề xuất nào gửi tới lãnh đạo Hà Nội để tránh tình trạng này xảy ra tiếp ở Hồ Tây và phòng tránh việc tương tự xảy ra ở các hồ khác ở Hà Nội?

GS.Nguyễn Hữu Ninh: Hồ Tây là hồ rộng nhất ở Hà Nôi, có sức tải môi trường rất lớn.

Hiện tượng ô nhiễm nước thải Hồ Tây dẫn tới cá chết một loạt là lời cảnh báo rất rõ ràng về thực trạng quản lý nước thải cũng như quản lý nước hồ hiện nay. Có lẽ chúng ta nên có thêm biện pháp để quản lý nước thải đầu ra. Đầu tư thêm cho việc xử lý nước thải.

Mà cũng có thể thu phí xử lý nước để việc quản lý nước thải được tốt hơn. Bên cạnh đấy, trong các hồ, nên thường xuyên quan trắc và bổ xung thêm các bè thủy sinh để hấp thụ các chất ô nhiễm đặc biệt chất ô nhiễm hữu cơ trong các hồ.

Xin cám ơn ông!

GS, TS.Nguyễn Hữu Ninh sinh năm 1954 ở Hà Nội. Năm 1977, tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Szeged (Hungary) chuyên ngành Sinh học. Từ1977 đến 2014: Giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).

Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu giáo dục môi trường và phát triển (CERED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Năm 2013 ông được Hạ viện lập pháp bang Hawaii (Mỹ) vinh danh với những đóng góp trong vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu. Năm 2007, ông là thành viên giải thưởng Nobel Hòa bình của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC)

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/gs-nguyen-huu-ninh-ca-chet-o-ho-tay-la-mot-loi-canh-bao-ro-rang-20161003153356333.htm