GS Hoàng Đình Cầu: Tấm gương học tập và tận tụy cống hiến trọn đời

Sáng 5-8, tại Hà Nội, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp nhận hơn 6.000 tài liệu hiện vật của GS, AHLĐ, NGND Hoàng Đình Cầu - người khai sinh ngành Phẫu thuật phổi ở Việt Nam. Đây là một nghĩa cử đẹp theo nguyện ước của GS và gia đình với hậu thế.

Trong suốt cuộc đời hơn 60 năm tận tụy cống hiến cho y học, vì sức khỏe của nhân dân, GS Hoàng Đình Cầu đã đảm nhận nhiều cương vị quan trọng: Hiệu trưởng trường Y sĩ Liên khu 3-4 (1949 - 1954), Giám đốc Sở Y tế Liên khu III (1954 - 1957), Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (1954 - 1955), Vụ trưởng Vụ Huấn luyện, Bộ Y tế (1960 - 1970), Thứ trưởng Bộ Y tế (1971 - 1989), kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội (1985 - 1989), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả các chất hóa học dùng trong chiến tranh (1982 - 2000), Chủ tịch Tổng hội Y - Dược học Việt Nam (1985 - 2000), Đại biểu Quốc hội khóa IX... nhưng mọi người nhớ nhiều, nhắc nhiều đến ông là người sáng lập và là chuyên gia đầu ngành phẫu thuật phổi ở Việt Nam, người đã cứu sống nhiều bệnh nhân tưởng chừng không qua khỏi một trong “tứ chứng nan y” (phong, lao, cổ, lại).

GS, AHLĐ, NGND Hoàng Đình Cầu (1917 - 2005) quê ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Với mong muốn học một nghề tự do, có thể giúp đỡ được nhiều người, năm 1937, người thanh niên giàu hoài bão Hoàng Đình Cầu đã quyết định học trường Y khoa Đông Dương, tiếp tục học nội trú bệnh viện và tốt nghiệp năm 1944. Trong kháng chiến chống Pháp, BS Hoàng Đình Cầu vừa tham gia công tác đào tạo, vừa phục vụ cứu chữa thương binh ở bệnh viện và ở các mặt trận. Năm 1955, ông được cử đi tu nghiệp tại Liên Xô (trước đây).

Trong ba năm đi học, BS Hoàng Đình Cầu dành dụm tiền riêng để mua trọn bộ 35 tập Đại từ điển bách khoa toàn thư y học (tiếng Nga), mỗi tập trên 1000 trang. Chỉ một việc đó thôi đã đủ nói về tâm huyết với nghề và tầm nhìn lâu dài trong việc xây dựng nền y học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ. Về nước năm 1958, GS Hoàng Đình Cầu là người đi đầu xây dựng Khoa phẫu thuật phổi đầu tiên ở miền bắc và trở thành người sáng lập chuyên ngành Phẫu thuật phổi ở Việt Nam.

Ông đã có những sáng tạo tiên phong trong việc cắt thùy phổi khi điều trị ung thư phổi, truyền dung dịch điện giải để tiết kiệm máu và thực hiện thành công nhiều ca mổ phức tạp. Ông cũng là người đề xuất phương pháp điều trị miễn dịch không đặc hiệu ung thư phổi bằng BCG chết, dùng chất kích thích miễn dịch LH1 (ASLEM) kết hợp với tam thất, vitamin C liều cao sau mổ, nhờ đó nhiều bệnh nhân được kéo dài cuộc sống, có thể tới hơn mười năm.

Sau khi GS Tôn Thất Tùng từ trần (1982), GS Hoàng Đình Cầu kế nhiệm cương vị Chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả các chất hóa học dùng trong chiến tranh (từ năm 1982 đến năm 2000). Ông dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu hậu quả lâu dài của chiến tranh hóa học, ảnh hưởng của chất độc da cam (dioxin) với hệ sinh thái và con người Việt Nam đồng thời đề ra các biện pháp khắc phục.

Trên lĩnh vực này, GS Hoàng Đình Cầu có nhiều công trình tiêu biểu như: Hậu quả các chất hóa học đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ 1961 đến 1971 (1999), Bản đồ băng rải chất diệt cỏ Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ 1962 đến 1971 (1999), tập kỷ yếu công trình Hậu quả các chất hóa học đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (2000)... GS Hoàng Đình Cầu còn là người sáng lập Làng Hòa bình ở Việt Nam (năm 1991) cho trẻ em khuyết tật bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin với sự giúp đỡ của Làng Hòa bình quốc tế Oberhauzen.

Là tác giả của hơn 50 công trình nghiên cứu, ngoài lĩnh vực phổi, GS Hoàng Đình Cầu có nhiều đóng góp về lý luận thuộc các vấn đề: sư phạm y tế, công tác dân số, chăm sóc sức khỏe ban đầu và chiến lược của ngành y tế 1995 - 2000, xây dựng trạm y tế cơ sở, bảo hiểm y tế cộng đồng v.v. Ông còn góp nhiều công sức đào tạo nhiều thế hệ y, bác sĩ giỏi cho đất nước.

Với những đóng góp lớn cho sự nghiệp y tế, GS Hoàng Đình Cầu được phong học hàm Giáo sư (năm 1980), phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985), danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (năm 2000) nhưng trong đời thường ông rất giản dị, khiêm nhường. GS Hoàng Đình Cầu để lại tấm gương sáng về tinh thần học tập suốt đời, về tinh thần tận tụy cống hiến cho nhân dân, cho đất nước.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tieu-diem/item/33692902-gs-hoang-dinh-cau-tam-guong-hoc-tap-va-tan-tuy-cong-hien-tron-doi.html