Góp ý hoàn thiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Chiều 24-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ nội vụ Lê Vĩnh Tân đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án luật này.

Phát biểu góp ý hoàn thiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đánh giá, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Dự thảo Luật đã được điều chỉnh, sửa chữa khoa học, hợp lý hơn.

Đồng quan điểm này, Đại biểu Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) nhấn mạnh: “Nhiều quy định về cơ chế xin-cho trước đây đã được thay thế bằng hình thức đăng ký (hoặc thông báo). Luật này có một chương riêng quy định về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người và xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; góp phần cho các tổ chức tôn giáo hội nhập quốc tế dễ dàng hơn, tạo sự phấn khởi, tin tưởng của đồng bào có đạo vào Nhà nước và cùng Nhà nước chung tay gánh vác các vấn đề về xã hội”.

Đại biểu Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu tại hội trường

Để Luật thêm hoàn thiện, Đại biểu Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, cần thiết có một tổ chức, bộ máy của cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng phù hợp, đủ năng lực, quyền hạn nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và yêu cầu thực hiện.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo Báo cáo, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về việc các tổ chức, cá nhân tôn giáo được tham gia vào các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong thực tế, các tôn giáo đã và đang tham gia nhiều hoạt động xã hội, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo.

“Tuy nhiên, để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chỉ quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo… Luật này chỉ quy định mang tính nguyên tắc; những vấn đề cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành”, báo cáo nêu.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, nhiều đại biểu cho rằng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như dự thảo Luật còn chung chung và đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể hơn, phù hợp với các trường hợp, lý do hạn chế quyền con người theo quy định của Hiến pháp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm đặc thù trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo như: kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi…

Về cơ bản, các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5 dự thảo Luật đã bao quát nhiều nội dung, thống nhất với quy định của Hiến pháp 2013 về nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo gồm 9 chương, 68 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngày 17-11, Quốc hội sẽ xem xét biểu quyết thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/gop-y-hoan-thien-luat-tin-nguong-ton-giao/705880.antd