Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa ra lấy ý kiến nhân dân, tại Điều 9 tiếp tục khẳng định vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời bổ sung vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là sự khẳng định chủ trương của Đảng theo tinh thần Cương lĩnh của Đảng năm 1991 được bổ sung, phát triển năm 2011 về phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vai trò này của Mặt trận được Nhà nước quy định thành thể chế chính trị trong chương đầu tiên của bản Hiến pháp.

Các đại biểu của UBTƯMTTQ Việt Nam

tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

ảnh: Hoàng Long

Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được qui định trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bổ sung những nhận thức và quan điểm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng ta, trong đó xác định bản Hiến pháp sửa kỳ này phải thể hiện rõ tính pháp quyền và dân quyền, đó là thực hiện rõ chủ quyền nhân dân xuyên suốt trong bản Hiến pháp. Giám sát và phản biện xã hội vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được qui định ở một đạo luật gốc, cơ bản nhất của Nhà nước, nó sẽ là cơ sở để cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách ở các đạo luật sau này. Giám sát và phản biện xã hội có mối quan hệ chặt chẽ trong quá trình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giám sát có hiệu quả là cơ sở cho các hoạt động phản biện và ngược lại. Nhân dân giám sát và phản biện là thể hiện của việc phát huy dân chủ trực tiếp. Mặt trận giám sát và phản biện là thể hiện của việc phát huy dân chủ đại diện. Kết hợp chặt chẽ hai hình thức này sẽ tạo sức mạnh trong hoạt động của nhân dân, của Mặt trận trong vai trò tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, góp phần xây dựng cơ quan nhà nước, chính quyền ngày càng trong sạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Về vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần đầu tiên được qui định tại Điều 9 Hiến pháp năm 1992, đó là "Mặt trận giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, viên chức nhà nước”sau đó được thể chế hóa trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với những qui định khung về tính chất, mục đích, phạm vi đối tượng giám sát, hình thức giám sát, cơ chế kiến nghị của Mặt trận và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với hoạt động giám sát của Mặt trận. Hiện nay đã có hơn 30 đạo luật, 7 pháp lệnh và nhiều Nghị định của Chính phủ qui định cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong quá trình hoạt động của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với Chính phủ, hoặc tự mình ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận các cấp đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, đảng viên. Thực hiện tốt quyền giám sát là góp phần xây dựng củng cố và bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thể hiện cho ý chí và quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện trách nhiệm giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Mục đích giám sát của Mặt trận là hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, để cơ quan nhà nước, chính quyền tăng cường hơn công tác quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quản lý, điều hành đất nước, thể hiện rõ quyền lực của nhân dân, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Chúng ta cần tránh khuynh hướng lệch lạc cho rằng giám sát là chỉ đi tìm những khuyết điểm, thiếu sót, những việc làm sai trái của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức, nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều người giám sát quá. Thế nhưng sự chuyển biến ở mặt này, nơi này, nơi khác còn rất chậm, chưa đáp ứng sự mong chờ ở nhân dân. Giám sát là một khâu khó và phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm chính trị và bản lĩnh cách mạng, không phải chỉ làm ngày một ngày hai là mọi việc sẽ tốt ngay. Muốn giám sát được tốt cần có nhiều yếu tố, mà trước hết là phải có cơ chế, chính sách, pháp luật quy định đầy đủ, rõ ràng, mọi thành viên trong xã hội phải nhận thức đầy đủ về vai trò của giám sát, kiểm tra, hoạt động giám sát phải bám sát yêu cầu và tuân theo những nguyên tắc, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các thành viên trong hệ thống chính trị .

Qua hơn 20 năm thực hiện Điều 9 của Hiến pháp 1992 về giám sát, trên thực tế vai trò giám sát của Mặt trận và nhân dân đã và đang đi vào đời sống xã hội, hoạt động giám sát với những phương thức cơ bản, vững chắc theo quy định của pháp luật đang vận hành ngày càng thiết thực, hiệu quả trong công tác Mặt trận tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, đó là hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, trong cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp nhà nước, hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Quy chế giám sát cán bộ, đảng viên, công chức ở khu dân cư. Tuy vậy, giám sát và hoạt động giám sát của Mặt trận vẫn là một khâu yếu và khó mà cơ quan lãnh đạo các cấp của Mặt trận cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo hướng dẫn, tổng kết, rút kinh nghiệm, cổ vũ, động viên những nhân tố mới, đồng thời tìm tòi những giải pháp để khắc phục những tồn tại, khó khăn trong quá trình hoạt động ở mỗi địa phương, cơ sở, từng bước cụ thể hóa cơ chế giám sát của Mặt trận trên các lĩnh vực khác.

Xác định vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là chủ trương lớn của Đảng, được quyết nghị tại Đại hội lần thứ X của Đảng, được ghi trong Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm 2011) của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Các văn kiện đó đã chỉ rõ Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Nay tại điều 9 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được bổ sung vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Như đã nói trên, giám sát, phản biện là hai mặt hoạt động cơ bản trong công tác Mặt trận tham gia xây dựng và củng cố chính quyền. Phản biện xã hội của Mặt trận trong thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới là tiếp tục mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng và củng cố chính quyền ở mức cao hơn về chất, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng bộ máy nhà nước. Phạm vi đối tượng phản biện là những dự thảo văn kiện của Đảng, các dự án và chính sách pháp luật, chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đây là việc mới và khó vì mới vào cuộc, chưa có kinh nghiệm, chưa có đầy đủ cơ chế, chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, từ thực tiễn kinh nghiệm nhiều năm Mặt trận đã thực hiện công tác tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, đảm nhận nhiều chương trình hành động, chương trình quốc gia ở một số lĩnh vực xã hội ở cấp quốc gia và của chính quyền địa phương; cùng với Nhà nước và các cơ quan tham mưu của Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sớm xây dựng và hướng dẫn thực hiện Quy chế phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó cần có quy chế phản biện đối với việc tham gia xây dựng luật, pháp lệnh mà hiện nay là công việc thường xuyên của các Hội đồng Tư vấn thuộc Mặt trận Trung ương và cấp tỉnh.

Ở khía cạnh rộng hơn, phản biện xã hội của Mặt trận trong quá trình tham gia xây dựng chính sách, pháp luật chính là Mặt trận thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Với vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, Mặt trận đại diện tiếng nói chung của đại đa số nhân dân tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật. Nếu hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình xây dựng pháp luật được chú trọng, có cơ chế, chính sách rõ ràng, sẽ làm tăng hiệu quả trong việc tham gia hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng sự đồng thuận xã hội trong nhân dân đối việc tham gia xây dựng và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vào việc động viên nhân dân vượt qua thách thức, khó khăn hiện nay, đưa các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống. Đó cũng là việc thực hiện tốt mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 9 Hiến pháp viết về phạm vi đối tượng giám sát và phản biện gộp làm một là chưa chính xác, rõ ràng. Vì phạm vi đối tượng giám sát là hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức, trong khi phạm vi đối tượng của phản biện xã hội là những dự thảo chủ trương của Đảng, dự án và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trước khi ban hành. Do vậy xin kiến nghị chỉnh lý đoạn câu cuối của khoản 2 như sau: "Giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức. Phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.” Viết rõ ràng và chính xác như vậy vừa đúng với Hiến pháp 1992 hiện hành về giám sát và chủ trương mới của Đảng về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời là cơ sở đối với việc cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật sau này.

Đỗ Duy Thường

(Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam)

[ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ]

[2, Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992]

[1, Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992]

[Mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992]

[Hiến pháp với sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân]

[Đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào Hiến pháp]

[Người yếu thế tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp:

Đảm bảo quyền dân chủ, quyền công dân]

[Phải dành một chương riêng về Đảng]

[TS. Đặng Duy Báu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh:

" Nhà nước của dân cần tạo điều kiện cho công dân có việc làm " ]

[Hiến pháp mới với sự đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước]

[Hiến pháp cần thể hiện hồn văn hóa dân tộc]

[5 kiến nghị về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992]

[Quyền con người, quyền công dân được đảm bảo bằng luật]

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=60528&menu=1390&style=1