Góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học

Những năm qua, ngành giáo dục đã đẩy mạnh triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động. Điển hình như Cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning. Sau 4 năm tổ chức, cuộc thi gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ và trở thành sân chơi bổ ích, tạo cơ hội giao lưu học hỏi cho cả thầy và trò.

Thành công ngoài mong đợi

Cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning mùa thứ 4 vừa khép lại với kết quả theo đánh giá của Ban tổ chức (BTC) là thành công ngoài mong đợi. Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Trưởng BTC cuộc thi thì cuộc thi được phát động sâu rộng tới các nhà trường. Nhiều địa phương tổ chức cuộc thi cấp huyện và cấp tỉnh để tuyển chọn sản phẩm chất lượng gửi dự thi quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức. Vì vậy, chất lượng các sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Ông Nguyễn Sơn Hải đánh giá, so với ba mùa thi trước, cuộc thi năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn, nội dung trải rộng qua hai chủ đề là bài giảng các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông và chủ đề dư địa chí. Qua 12.216 sản phẩm dự thi, BTC chọn và trao giải cho 168 sản phẩm đạt chất lượng. Những sản phẩm này sẽ được BTC đưa lên Kho bài giảng e-Learning quốc gia phục vụ nhu cầu học tập, chia sẻ, tham khảo của học sinh, giáo viên, người dân trên cả nước.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang, Trường THPT Đại Từ (Thái Nguyên), tác giả giành giải nhất chủ đề môn học trong cuộc thi.

Tham dự trong ba mùa giải liên tiếp, cô Nguyễn Thị Huyền Trang, giáo viên Trường THPT Đại Từ, Thái Nguyên, tác giả giành giải nhất chủ đề môn học của cuộc thi quốc gia năm nay đề cao ý nghĩa của sân chơi này. Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang chia sẻ: "Để có được hai bài giảng dự thi về chủ đề “Dân số” và “Bảo vệ rừng”, tôi phải mất nhiều tháng nghiên cứu các phần mềm, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước". Cô Trang rất vui vì sản phẩm đạt giải nhất, nhưng vui hơn là cô đã học được nhiều điều bổ ích qua cuộc thi. Không chỉ dừng lại ở bài giảng đem dự thi, cô Trang đã ứng dụng cách làm bài giảng e-Learning vào xây dựng kho bài giảng luyện thi THPT quốc gia môn tiếng Anh và được học sinh đón nhận rất nhiệt tình. “Theo yêu cầu của BTC, tôi cũng đã làm bài giảng tích hợp trên điện thoại di động giúp các em có thể học mọi lúc, mọi nơi”, cô Trang chia sẻ.

Sân chơi bổ ích cần được nhân rộng

Ông Nguyễn Sơn Hải cho biết, nhiều giáo viên đã chủ động tham khảo, học hỏi kinh nghiệm trên các kênh truyền thông về cuộc thi. Nhiều giáo viên vượt qua mọi khó khăn trở ngại, với mong muốn không chỉ giành giải cao trong cuộc thi mà còn mong muốn sản phẩm của mình được đóng góp, chia sẻ tới đông đảo giáo viên và học sinh trên cả nước. Tuy nhiên, thông qua cuộc thi, ông Nguyễn Hải Sơn nhìn nhận những khó khăn mà các thầy, cô và đơn vị quản lý gặp phải. Với giáo viên, do kỹ năng CNTT chưa thành thạo nên việc xây dựng sản phẩm bài giảng e-Learning còn hạn chế về phương pháp giảng dạy và sự sáng tạo. Một số thầy, cô giáo sử dụng phương pháp giảng dạy theo lối truyền thống, miên man. Một số đơn vị quản lý và sở GD&ĐT vẫn chưa có sự quan tâm nhất định nên số lượng và chất lượng các sản phẩm dự thi tại các tỉnh, thành phố chưa đạt được như mong muốn.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, phương pháp e-Learning là xu hướng của giáo dục quốc tế và cũng là cơ hội để người học tiếp cận với nội dung học tập đa dạng, có thể học tập ở mọi nơi, mọi lúc một cách linh hoạt. Đây là công cụ để xây dựng xã hội học tập, hội nhập quốc tế về giáo dục. Để phương pháp giảng dạy này ngày càng được nhân rộng, trong năm học tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu Cục CNTT cùng các sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các địa phương duy trì và phát triển phong trào xây dựng bài giảng e-Learning dựa trên sức mạnh và sự sáng tạo của các thầy, cô giáo, gắn kết việc thiết kế bài giảng e-Learning với các hoạt động dạy học trên lớp, mở rộng hình thức học tập mới, học tập điện tử trong các nhà trường, tiếp tục xây dựng kho bài giảng dư địa chí của các địa phương để giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam cũng như giới thiệu về đặc điểm, tiềm năng kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương trên đất nước ta. Thông qua cuộc thi này, Bộ GD&ĐT cũng mong muốn các nhà trường, các giáo viên đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học, tăng cường thiết kế và sử dụng bài giảng e-Learning, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học trong thời đại công nghệ số.

E-Learning là hình thức đào tạo từ xa mà ở đó, người học có thể trao đổi, tương tác trực tuyến với giáo viên trên internet. Hình thức e-Learning lấy người học làm trung tâm. Người học sẽ tự làm chủ quá trình học tập của mình. Người dạy chỉ đóng vai trò hỗ trợ việc học tập. E-Learning là xu hướng của giáo dục quốc tế và cũng là cơ hội để người học tiếp cận với nội dung học tập đa dạng, có thể học tập ở mọi nơi, mọi lúc một cách linh hoạt và có thể học suốt đời.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/gop-phan-thuc-day-doi-moi-phuong-phap-day-hoc-511573